‘Hạnh phúc của tôi là thấy học sinh của mình tự tin’

Thứ năm - 09/03/2017 00:35
Đó là chia sẻ của nữ Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thanh Tâm Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng Khoa Điện-điện tử của Trường Cao đẳng nghề số 5, Quân khu 5, Bộ Quốc phòng.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm. Ảnh: VGP/Minh Trang

Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng nghề số 5 có một niềm say mê với nghề điện-điện tử đến kỳ lạ.

Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa, cơ duyên đã đưa chị đến công tác tại Trường Cao đẳng nghề số 5. Chị tâm sự: “Từ khi bước chân vào trường, tôi luôn mong muốn mình là một giáo viên dạy nghề giỏi để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội”.

Say mê, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chị tâm sự trước đây, khi chưa tự làm những mô hình học cụ, việc dạy học gặp rất nhiều khó khăn, bởi sau mỗi giờ học lý thuyết, đòi hỏi học sinh sinh viên phải được tiếp cận với thực tiễn. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà trường cũng có điều kiện tổ chức cho các em nghiên cứu trực quan sinh động, thậm chí, nếu có đi đến cơ sở thì các em cũng chỉ được xem là chủ yếu chứ ít có cơ hội được thực hành.

Trong khi đó, việc mua các thiết bị, mô hình dạy nghề rất khó do kinh phí cao. “Mua các thiết bị rời thì dễ, nhưng dây chuyền sản xuất các công ty bán lại thì rất đắt, có dây chuyền giá cả tỷ đồng cho nên nhà trường khó đầu tư nhiều được”, chị nói.

Những khó khăn đó đòi hỏi các giáo viên dạy nghề như chị tìm tòi nghiên cứu để tạo ra được những mô hình phù hợp và chi phí rẻ nhất có thể. Từ đó, chị đã cùng với đội ngũ giáo viên tổ bộ môn chế tạo các mô hình như: “Băng chuyền vận chuyển và đếm sản phẩm” đạt giải Nhì Quân khu 5, sau đó đem dự thi toàn quân thì đạt giải khuyến khích; mô hình “Điều khiển động cơ điện không đồng bộ 3 pha” đạt giải Nhì TP. Đà Nẵng.

Gần đây nhất, chị đã nghiên cứu thành công một số giải pháp kỹ thuật như mô hình “Hệ thống điều khiển, khống chế đèn chuông”, “Đường dây và trạm biến áp”. Kết quả nghiên cứu không những giúp học viên nắm rõ hơn về nguyên lý truyền tải điện năng mà các em còn được thực hành tự lắp đặt hoàn thiện một trạm biến áp. 

Ngoài ra, chị còn thiết kế và chế tạo mô hình “Điều khiển, giám sát hoạt động của băng chuyền bằng phần mềm WINCC 7.0 và PLC S7-200” phục vụ cho việc dạy học lý thuyết và thực hành cho các mô - đun tự động hoá, kỹ thuật lập trình, kỹ thuật cảm biến, bảo đảm các yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật.

Về kinh tế, mô hình này có kích thước hợp lý, tiết kiệm không gian nhà xưởng khi bố trí lắp đặt và giá thành chỉ bằng 1/5 so với thiết bị mua trên thị trường.

Theo chị Thanh Tâm, hiện nay, thị trường lao động rất khó tính nên nhà trường đặc biệt chú trọng công tác dạy sát với thực tế cho sinh viên học nghề, theo đó chỉ có 1/3 chương trình là lý thuyết còn lại 2/3 là thực hành. Ngoài ra, tác phong công nghiệp, ý thức lao động cũng là những điều mà nhà trường quan tâm đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đầu ra.

Chị chia sẻ: “Hạnh phúc của tôi là thấy các em tự tin trong học tập và ra trường đáp ứng được yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường lao động. Ngoài nỗ lực của bản thân, tôi đã được sự quan tâm tạo điều kiện rất lớn của nhà trường, sự giúp đỡ từ chị em hội phụ nữ và đồng nghiệp. Trong nghiên cứu khoa học, có những công việc rất khó, tưởng chừng không thực hiện được, đặc biệt đối với phụ nữ, nhưng nếu ta có ý chí, nghị lực, dám đương đầu thử sức, ta sẽ thành công”.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi