Việc rút các ưu đãi thuế quan và thay thế bằng thuế quan tiêu chuẩn của EU (theo quy chế tối huệ quốc MFN) sẽ ảnh hưởng đến một số sản phẩm của Campuchia như: may mặc, giày dép, các mặt hàng liên quan du lịch, mía đường. Tổng giá trị ảnh hưởng sẽ chiếm 1/5 tổng lượng hàng xuất sang EU tương đương 1 tỷ Euro hàng xuất khẩu hàng năm của Campuchia sang EU. Trừ khi Nghị viện và Hội đồng Châu Âu phản đối, quyết định này sẽ có hiệu lực vào ngày 12 tháng 8 năm 2020.
Theo quyết định trên, Campuchia có 40 loại mặt hàng bị đánh thuế bao gồm: Sản phẩm đường cát: HS121293; Sản phẩm du lịch: HS420100, 4202, 4203, 4205, 420600; Sản phẩm dệt may: HS61 – HS64. Tổng giá trị mặt hàng xuất khẩu bị EU tạm thời dừng quy chế EBA là 1,12 tỷ Euro, trong đó mặt hàng đường cát có tổng giá trị 1 triệu Euro, tương đương 100% tổng giá trị; mặt hàng túi du lịch với 4 loại hàng hóa tổng giá trị 126,493 triệu Euro tương đương 100% tổng giá trị; mặt hàng giày dép gồm 9 mặt hàng tổng giá trị là 210,542 triệu Euro, tương đương 31% tổng giá trị mặt hàng; mặt hàng may mặc với 26 mặt hàng với tổng giá trị 781,965 triệu Euro, tương đương 19,8% tổng trị giá hàng may mặc.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Thương mại và Bộ Kinh tế, Tài chính Campuchia thì các biện pháp này sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Campuchia ở mức cao nhất khoảng 151,13 triệu Euro, gây ảnh hưởng đến hàng nghìn người lao động, cụ thể như sau: Tổng giá trị thiệt hại của hàng may mặc với mức thuế thông thường 12% sẽ là 93,835 triệu Euro, mặt hàng giày dép với mức thuế thông thường (cao nhất) 17% sẽ là 35,792 triệu Euro, mặt hàng túi du lịch với mức thuế thông thường cao nhất là 17% thiệt hại sẽ là 21,503 triệu Euro. Trước đó, khi có tin sơ bộ về việc Bộ Kinh tế, Tài chính Campuchia cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Campuchia năm 2020 từ mức 6,5% xuống còn 6,1%. Tuy nhiên, mức thiệt hại này đã là chấp nhận được nếu so với con số hơn 500 triệu USD và 35.000 lao động bị mất việc làm ban đầu. Qua đó, cho thấy, EU đã lựa chọn một giải pháp trừng phạt trung hòa được lợi ích của Campuchia và EU, đưa đến một kết quả chấp nhận được đối với cả hai bên, đảm bảo tiến trình đối thoại, hợp tác tiếp tục diễn ra bình thường trong thời gian tới.
Ngay trong chiều ngày 12/02/2020, Thủ tướng Hun Sen đã chỉ đạo ông Sok – Siphana, người phát ngôn của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cùng các Bộ, Ban, ngành, trong đó tập trung vào một số nội dung đáng chú ý: (i) Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế thông qua kênh ngoại giao thông báo chủ trương của Chính phủ Campuchia về việc sẽ thực hiện tiến trình pháp lý với Kem Sokha nhưng sẽ ân xá trước tết Khmer để phục hồi quyền chính trị, đồng thời tạo tiền đề cho một đối lập đáng tin cậy hoạt động trở lại trên chính trường Campuchia trước thời hạn tháng 08/2020; thông báo rõ lập trường của Chính phủ Campuchia là không vượt qua lằn ranh đỏ, không cho phép Sam – Rainsy quay lại chính trường Campuchia, đề nghị phía EU không chính thức đề cập đến Sam – Rainsy trong các cuộc đàm phán kín cũng như trong diễn đàn công khai; (ii) Bộ Lao động, Bộ Nội vụ đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện, sửa đổi luật LANGO theo hướng chấp nhận được trong thỏa thuận với EU, theo hướng nới lỏng quản lý các tổ chức xã hội dân sự CSO; hợp tác với các đối tác xã hổi để sửa đổi luật Công đoàn (LTU); (iii) Bộ Thương mại Campuchia đánh giá tác động cụ thể của quyết định rút tạm thời EBA; đưa ra định hướng hỗ trợ doanh nghiệp; (iv) Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Thông tin nắm chặt và hạn chế dư luận xấu liên quan đến vấn đề EBA, hạn chế tâm lý tiêu cực lan truyền trong xã hội;(iv) Bộ Lao động và Đào tạo bằng mọi giá phải đảm bảo mức lương 190 USD tối thiểu cho người công nhân (như thỏa thuận năm 2019); mức hỗ trợ về đi lại, thai sản cho công nhân nữ; trợ cấp thâm niên cho người công nhân; Giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhà máy có nguy cơ dừng hẳn hoạt động, nhằm đảm bảo lợi ích của người lao động; đảm bảo những nhà máy tạm dừng hoạt động vẫn phải giải quyết các chế độ lương, thâm niên lao động, trợ cấp cho người lao động trong quá trình tạm ngưng hoạt động; phối hợp với các tổ chức công đoàn nắm tâm tư của người lao động, để có biện pháp xử lý kịp thời tránh để bùng phát hoạt động tụ tập, biểu tình tại các nhà máy.; (v) Các ngân hàng thương mại nới lỏng tỷ lệ lãi xuất, giãn nợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp may mặc vừa và nhỏ; Ngân hàng Quốc gia quản lý chặt hoạt động của các tổ chức MFIs, không để xẩy ra hiện tượng ép nợ gây phức tạp trong xã hội đồng thời tính toán phương án giảm lãi xuất xuống mức dưới 6% dành cho các doanh nghiệp may mặc nhỏ nhằm hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp này trong thời gian tới.
Khu vực tư nhân vẫn bày tỏ sự lạc quan cho rằng nền kinh tế Campuchia tiếp tục đạt tăng trưởng trong năm 2020.
Pech – Pisey, Giám đốc của chi nhánh Tổ chức minh bạch quốc tế tại Campuchia cho rằng nền kinh tế Campuchia phụ thuộc phần lớn vào ngành xây dựng, may mặc và dịch vụ, việc rút tạm thời EBA sẽ giáng một đòn mạnh vào tăng trưởng kinh tế của Campuchia. Tuy nhiên, Chính phủ có thể bù đắp chi phí phát sinh do mất tạm thời EBA bằng cách giảm chi phí kinh doanh không chính thức, loại bỏ nạn tham nhũng là gánh nặng lâu nay. Chính phủ cũng nên đa dạng hóa nền kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh và nâng cao năng suất. Để thu hút đầu tư, Chính phủ Campuchia nên xem xét chỉnh sửa luật Đầu tư. Việc gia tăng thu thuế năm 2019 là một dấu hiệu tốt vì cho phép Chính phủ Campuchia tự chủ về tài chính.
Trung Quốc ngay lập tức thể hiện lập trường ủng hộ mạnh mẽ Campuchia trong vấn đề EBA, qua đó thể hiện tinh thần của hai nước thuộc “cộng đồng chung vận mệnh”
Trước đó, trong chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen đến Trung Quốc (5/02), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã khuyên Campuchia không nên cúi đầu, khuất phục trước EU để đổi lấy EBA.
Ngay trong ngày 12/02/2020, từ 12h00 trưa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mở cuộc họp báo trực tuyến liên tục phát ra tuyên bố: “Trung Quốc phản đối việc sử dụng thương mại để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước khác. Trung Quốc luôn đề cao nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Trung Quốc ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Campuchia trong bảo vệ độc lập chủ quyền và uy tín quốc gia của họ, sẵn sàng hỗ trợ tích cực cho sự phát triển ổn định, cải thiện sinh kế của người dân Campuchia”.
Quyết định rút một phần quy chế EBA của EU ở mức độ trung hòa lợi ích chính trị của cả Campuchia và EU, trong đó, đảm bảo cho Campuchia duy trì sự ổn định chính trị, xã hội cũng như đảm bảo cho EU một vị thế có thể khả năng gây sức ép, đàm phán với Chính phủ Campuchia nhằm thiết lập một “nền chính trị dân chủ có đối lập thực sự” tại Campuchia mà không làm ảnh hưởng đến phần lớn người dân Campuchia.
Trong thời gian tới, Campuchia sẽ đẩy mạnh thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, lấy chủ nghĩa đa phương là nền tảng để duy trì sự ổn định trong nước của Campuchia. Theo đó, với áp lực từ kinh tế, Campuchia chủ trương thay đổi chính sách ngoại giao theo hướng: (i) Cân bằng hơn trong quan hệ giữa các nước lớn: Campuchia vẫn xây dựng trụ cột chính sách ngoại giao, kinh tế dựa vào Trung Quốc nhưng chủ trương hòa hoãn hơn với Mỹ (chủ trương sẵn sàng giải quyết những vấn đề gai góc trong quan hệ với Mỹ), từng bước tìm cách xuống thang với EU, cho các bên đối lập tái hoạt động nhằm xây dựng chế độ đa đảng phù hợp hơn với tiêu chuẩn phương Tây; (ii) Xây dựng quan hệ tốt đẹp với những nước láng giếng, bạn bè cũ trong ASEAN trong đó có Việt Nam, Thái Lan và Lào; (iii) Nâng cao hình ảnh vị thế của Campuchia trên trường quốc tế thông qua việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh ASEAM 13 và thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình.
Nguồn tin: moit.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn