Đây là một đoạn trong bức thư cảm ơn của Công ty cổ phần EU Thanh Lâm (tỉnh Bình Thuận) gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ viết khi nhận được kết quả giải quyết kiến nghị của Công ty và sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng.
Không tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp, đứng trước nguy cơ phá sản vì lãi vay ngân hàng quá cao... khó khăn của Công ty cổ phần EU Thanh Lâm tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cũng chỉ là một trong hàng chuỗi khó khăn, bất cập, vướng mắc mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt hàng ngày, nhưng nó lại trở thành một câu chuyện đáng lưu tâm khi doanh nghiệp này đã biết kêu "đúng cửa”.
Là một doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản tại một tỉnh ven biển miền Nam Trung Bộ, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực, tàu cá là một phương tiện vô cùng quan trọng, quyết định lớn đến sự sống còn của doanh nghiệp. Công ty cổ phần EU Thanh Lâm của Giám đốc Ngô Thanh Lâm là chủ tàu Dịch vụ hậu cần BTh 97679-TS, được Chi cục thủy sản Bình Thuận cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá ngày 22/1/2015.
Trước đó, trong khoảng thời gian tàu đang thi công đóng mới thì Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Nhận thấy đây là cơ hội tốt, Công ty đăng ký vay vốn hỗ trợ theo Nghị định này, nhưng không được, bởi yêu cầu ngân hàng đưa ra là, Công ty phải thế chấp tài sản, con tàu phải được chạy thử, hoàn thành những thủ tục liên quan thì mới được xem xét cho vay. Nhưng trên thực tế, thời điểm đó, tàu mới đóng được 70%, không thể đáp ứng được yêu cầu.
Không còn cách nào khác, Công ty đành vay vốn theo cơ chế cho vay thông thường với lãi suất cao, thời hạn trả nợ ngắn. Đến tháng 2/2016, tàu được hoàn thiện, xuất bến, tổng giá trị con tàu là 46 tỷ đồng. Tuy nhiên, tàu đóng xong mà không thể hoạt động do Công ty thiếu vốn, cộng thêm tiền vay đã đến hạn phải trả, lãi suất quá cao. Công ty rơi vào tình cảnh vô cùng khốn đốn, nguy cơ mất trắng con tàu. Gõ cửa nhiều nơi nhưng kết quả không khả quan.
Giữa lúc khó khăn, đứng trước bờ vực phá sản, Giám đốc Ngô Thanh Lâm đã gửi đơn cầu cứu đến Chính phủ thông qua Cổng TTĐT Chính phủ. Điều làm ông Lâm bất ngờ chính là việc Cổng TTĐT Chính phủ đã bám sát, kiên trì cùng doanh nghiệp gỡ vướng từng khâu, trực tiếp liên hệ, trao đổi với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận... để đi được đến kết quả cuối cùng cho doanh nghiệp.
“Và điều kỳ diệu đã đến... Công ty chúng tôi đã được đưa vào danh sách vay vốn đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện tại, chúng tôi đang được ngân hàng hướng dẫn thủ tục vay vốn theo quy định…", ông Lâm vui mừng thông báo trong thư gửi Cổng TTĐT Chính phủ.
Và điều mong đợi của Công ty bấy lâu nay đã thành sự thật. Mọi khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ. Các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc cùng doanh nghiệp. Như vậy, chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp” mà ông Lâm được nghe thấy và được nhắc đến bấy lâu nay trên các phương tiện thông tin đại chúng không phải là khẩu hiệu suông, mà nó được cụ thể bằng việc làm thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp.
"Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ, đến Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đến Cổng TTĐT Chính phủ và các cơ quan chức năng. Chúng tôi xin hứa chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả để phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Trường hợp của Công ty cổ phần EU Thanh Lâm chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp đã kịp thời tìm được kênh kết nối để gửi phản ánh, kiến nghị.
Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, phục vụ với nhiều chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nam ngày 6/8/2016, Thủ tướng có chỉ đạo lập một website của Chính phủ giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp cùng các chuyên gia và các tổ công tác tiếp thu, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp tới Chính phủ.
Và đây là một trong những dấu hiệu tích cực từ việc thiết lập webiste này. Từ đây, tiếng nói của doanh nghiệp sẽ được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, chính quyền các cấp trực tiếp lắng nghe và lắng nghe thường xuyên để kịp thời đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn