Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản

Thứ tư - 27/09/2023 00:38
Chiều ngày 26/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản”. Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội thảo.
 Nhận định về tình hình thực hiện liên kết xuất bản, đồng chí Nguyễn Nguyễn - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành trong phần đề dẫn Hội thảo cho biết: Liên kết xuất bản là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được thể hiện tại Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25 tháng 8 năm 2004 và được thể chế hóa bằng Luật Xuất bản năm 2004. Sau gần 20 năm, liên kết xuất bản đã mang lại những ưu điểm vượt trội: số lượng xuất bản phẩm tăng lên rõ rệt: từ 24.000 đầu sách năm 2004 lên 38.000 đầu sách trong năm 2022; mức bình quân sách/người/năm tăng từ 2,1 bản sách/người/năm tăng lên 5,2 bản sách/người/năm trong năm 2022, tiệm cận được chỉ tiêu đề ra của Chỉ thị số 42-CT/TW và đáp ứng được nhu cầu đọc của người dân; đồng thời, quy mô, chất lượng nội dung xuất bản phẩm cũng được chú trọng, đầu tư; những tác phẩm hay của thế giới đã được giới thiệu với bạn đọc ở Việt Nam và cũng có nhiều tác phẩm giới thiệu về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam giới thiệu đến bạn bè thế giới.

          Hiện nay, 57 nhà xuất bản đều thực hiện liên kết xuất bản, có 21 nhà xuất bản (chiếm 36,8%) các nhà xuất bản có tỷ lệ liên kết xuất bản trên 70%. Bên cạnh những mặt tích cực, liên kết xuất bản cũng bộc lộ nhiều hạn chế; các nhà xuất bản còn thụ động trong việc khai thác bản thảo;  quy trình xuất bản còn lỏng lẻo, không quản lý được hoạt động liên kết xuất bản do đó để xảy ra tình trạng vi phạm trong hoạt động liên kết xuất bản thường xuyên xảy ra; sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản dẫn đến việc để mất vị thế của mình trong vai trò liên kết xuất bản; chi phí thu được từ việc liên kết xuất bản chưa tương xứng với công sức, trách nhiệm của nhà xuất bản…
 
10
 
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì Hội thảo

Trao đổi tại Hội thảo, 13 tham luận đều tập trung đặt ra những vấn đề liên quan đến việc làm rõ trách nhiệm, vai trò của nhà xuất bản, đối tác liên kết xuất bản trong việc liên kết xuất bản; quy trình quản lý; uy tín, thương hiệu của nhà xuất bản để nâng cao vị thế của các nhà xuất bản trong hoạt động liên kết; đồng thời các ý kiến cũng tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng của hoạt động liên kết xuất bản.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Thanh Hà - Giám đốc Nhà xuất bản Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đề cập khá thẳng thắn về vấn đề thu phí với hoạt động liên kết xuất bản. Ông cho biết, không phủ nhận việc liên kết xuất bản đã tạo ra một nguồn thu lớn cho các nhà xuất bản. Tuy nhiên, nếu xét ở khía cạnh thu phí xuất bản hiện này thì có 2 loại: Loại thứ nhất, phí xuất bản chỉ là nguồn thu phụ, thậm chí các Nhà xuất bản loại này còn không muốn hoặc hạn chế phát triển nguồn thu như vậy. Đối với Nhà xuất bản như thế, họ đang là các Nhà xuất bản mạnh nhất, đang dẫn đầu ngành xuất bản Việt Nam. Loại thứ hai, phí xuất bản là nguồn thu chủ yếu của Nhà xuất bản. Đối với nhóm nhà xuất bản này thì vị thế của nhà xuất bản ngày càng yếu, việc cạnh tranh cấp phép liên kết là rất lớn, chi phí thu từ đối tác cho hoạt động này rất ít  và luôn  bị đối tác chi phối và thường để xảy ra sai phạm do quy trình xuất bản không được đảm bảo. Đối với Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, là nhà xuất bản uy tín đối với việc làm sách về giáo dục, sách tham khảo, với đội ngũ cộng tác viên là đông đảo các Giáo sư, tiến sĩ của Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản luôn có ý thức xây dựng thương hiệu của mình và nỗ lực tìm kiếm thị trường theo phương thức riêng của Nhà xuất bản.

Từ góc nhìn của cơ chế, chính sách, đồng chí Phạm Trần Long - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thế giới chia sẻ: Nhà xuất bản Thế giới là Nhà xuất bản trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là một trong những nhà xuất bản có thương hiệu về sách ngoại văn, sách về thông tin đối ngoại. Kể từ năm 2012, Nhà xuất bản Thế Giới hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên, tự cân đối tài chính thu - chi, nên chịu tác động trực tiếp của cơ chế thị trường. Vì vậy, ngoài việc thực hiện theo tôn chỉ, mục đích của Nhà xuất bản là thực hiện nhiệm vụ chính trị, làm công tác thông tin đối ngoại bằng các xuất bản phẩm ngoại văn ra, việc liên doanh, liên kết xuất bản với các đơn vị làm công tác phát hành cũng được chú trọng. Tuy nhiên, Nhà xuất bản Thế Giới cũng đang đứng rất nhiều khó khăn, có nguy cơ phá sản khi mỗi tháng Nhà xuất bản phải nộp tiền thuê nhà lên tới vài trăm triệu đồng, và hiện nay số tiền Nhà xuất bản nợ cơ quan thuế là hơn chục tỷ đồng mà không có khả năng chi trả. Điều này, đặt ra vấn đề liên quan đến việc thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động xuất bản, đặc biệt là có chính sách hỗ trợ đối với những nhà xuất bản thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao.

Ghi nhận những ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, liên kết xuất bản là một trong những vấn đề “nóng” của lĩnh vực xuất bản hiện nay. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, liên kết xuất bản đã đóng góp rất quan trọng với sự phát triển của nền xuất bản nước nhà, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: “Hội thảo là dịp để lắng nghe các ý kiến của các đại biểu về hoạt động liên kết xuất bản, về những khó khăn, bất cập và những giải pháp cho hoạt động này. Đồng thời, là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để có những chính sách quyết liệt và phù hợp với tình hình thực tế nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng của hoạt động liên kết xuất bản”.
 

Nguồn tin: Thúy Ngà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi