Lượng doanh nghiệp Việt quan tâm sở hữu trí tuệ còn ít. Ảnh minh họa |
Chia sẻ tại hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật và quản lý Nhà nước về SHTT trong khuôn khổ Đề án “Xây dựng chiến lược SHTT Việt Nam 2018-2030” ngày 25/10, ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách Cục SHTT cho biết, đến nay hệ thống SHTT Việt Nam đã tiến gần hơn với hệ thống SHTT của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Phát huy tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ. Thông qua việc ngày càng nhiều hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết, chuyển nhượng tài sản trí tuệ đã khẳng định được vai trò của hệ thống pháp lý SHTT ở Việt Nam.
Ông Bảy cho hay, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến SHTT khá phong phú với 9 Nghị định, 20 Thông tư hướng dẫn thi hành và 34 văn bản pháp luật khác có liên quan. Đến nay, Việt Nam cũng đã tham gia 8 Điều ước quốc tế về tiêu chuẩn bảo hộ, 3 Điều ước quốc tế về đăng ký toàn cầu, 4 Điều ước quốc tế về phân loại. Do vậy, cơ sở pháp lý cho việc đăng ký xác lập quyền SHTT và từng bước bảo vệ có hiệu quả quyền SHTT, cũng như mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực SHTT.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, hệ thống pháp lý SHTT cần được hoàn thiện về mặt cơ chế bảo hộ để đáp ứng cho xu thế tình hình mới. Tiếp đó, nghiên cứu, tận dụng linh hoạt các cam kết quốc tế cho phép và vận dụng kinh nghiệm thực tiễn và pháp luật về SHTT của các nước phù hợp theo điều kiện của Việt Nam.
Cụ thể, dù hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn thiếu những văn bản hướng dẫn liên quan đến các đối tượng quyền SHTT mới phát sinh qua tình hình thực tế sự phát triển của khoa học công nghệ và toàn cầu hoá thương mại quốc tế như: nguồn gen, tri thức truyền thống, văn hoá dân gian, nhãn hiệu âm thanh, mùi vị... hệ thống văn bản cồng kềnh.
Bên cạnh đó, việc thực thi các chính sách hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo chưa được chú trọng và hiệu quả; công tác phối hợp trong việc xây dựng, soạn thảo các văn bản chưa chặt chẽ dẫn đến các quy định còn có những mâu thuẫn.
Vấn đề hoàn thiện pháp lý SHTT càng quan trọng hơn khi càng hội nhập sâu rộng thì đòi hỏi bảo hộ SHTT càng ở mức cao hơn, trong khi nhận thức pháp luật ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa được mọi người quan tâm. Theo bà Hà Thị Nguyệt Thu, chuyên viên Cục SHTT, từ năm 2006 - 2016 lượng đơn Cục nhận được là 104.275 đơn, trong đó năm 2016 lượng đơn nộp về gấp đôi năm 2006, tăng trung bình mỗi năm 10 – 15%. Tuy vậy lượng đơn của doanh nghiệp Việt Nam đăng ký SHTT còn thấp so với lượng đơn nộp từ doanh nghiệp nước ngoài và đơn đăng ký ở lĩnh vực sáng chế của người Việt chỉ chiếm 9,5% tổng lượng đơn nộp.
Trước thực trạng này, ông Lê Ngọc Lâm, Cục phó Cục SHTT nhấn mạnh, khi đã xác định được vị trí và vai trò của chính sách SHTT một cách đúng đắn, nhất thiết phải nghĩ tới khâu hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT theo hướng thể hiện được các quan điểm, mục tiêu mà chính sách đã đặt ra. Đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách sử dụng SHTT để tạo cơ hội khuyến khích sáng tạo, chuyển giao và phổ biến công nghệ. Bên cạnh đó, muốn khuyến khích mọi người tìm đến SHTT cần hoàn thiện quy trình xử lý đơn đăng ký, xây dựng cơ chế đặc thù về kiểm soát chất lượng thẩm định cũng như nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thẩm định đơn đăng ký SHTT.
Nguồn tin: baocongthuong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn