Ảnh: VGP/Lê Anh |
Đây là chia sẻ của đại diện các DN thuộc TOP 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2016 trong buổi dự Diễn đàn Kinh doanh Forbes Việt Nam 2016 tổ chức ngày 29/9 tại TPHCM.
Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), để vượt qua được thử thách hội nhập hiện nay, các DN cần quan tâm đến 2 yếu tố là xây dựng thương hiệu và thay đổi tư duy quản trị theo hướng hiện đại.
Từ kinh nghiệm phát triển của PNJ, bà Dung cho biết việc xây dựng thương hiệu không phải bắt đầu từ quảng cáo mà là việc DN cần chuẩn bị, xây dựng giá trị cốt lõi, tầm nhìn, đặt lãnh đạo từ cấp cao cho tới nhân viên đều hiểu xứ mệnh của DN mình.
Cụ thể, PNJ đã làm cho người lao động hiểu được DN mình mang đến cho khách hàng sự tinh tế và chất lượng vượt trội của sản phẩm. Từ đó, công tác truyền thông sẽ xoay quanh nội dung này để dần tạo dựng thương hiệu DN.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết DN khó tiếp cận nguồn vốn là do báo cáo tài chính thiếu minh bạch, kế hoạch kinh doanh chưa giành được sự tin cậy của ngân hàng... Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do việc quản trị yếu kém.
Ở nước ta hiện nay, cách thức quản trị DN chủ yếu là quản trị gia đình, khi DN mở rộng kinh doanh nhưng vẫn duy trì quản trị theo gia đình sẽ khó phát triển. Cùng với đó, DN Việt thích sản xuất, kinh doanh đa ngành, không tập trung vào lĩnh vực cốt lõi nên khó phát triển bền vững.
Chính vì vậy, lãnh đạo DN phải đổi mới tích cực trong quản trị trong đó có việc đổi mới quy trình sản xuất, cải tiến thao tác lao động...
Ở khía cạnh thị trường tài chính, ông Dominic Scriven, Giám đốc Quỹ Dragon Capital cho rằng phải tận dụng cơ hội khai thác sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn (cổ phiếu hoặc trái phiếu). Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài ít quan tâm bức tranh vĩ mô mà họ quan tâm vấn đề đầu tư được hay không, quan tâm tới các báo cáo tài chính minh bạch của DN, kế hoạch kinh doanh cụ thể, đặc biệt là năng lực quản trị của DN đó trước khi quyết định đầu tư.
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh cổ phần hóa DN, các DN sẽ có nhiều cơ hội phát triển, nhất là DN tư nhân. Tuy nhiên, nếu DN không chấp nhận khó khăn trước mắt để nỗ lực đổi mới cung cách quản trị, vấn đề được xem là cốt lõi của sự phát triển, thì khó thành công.
Ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam chia sẻ trong thời đại ngày nay, để tồn tại, vượt qua thử thách, các DN phải đổi mới liên tục, thay đổi liên tục để tồn tại và phát triển mà quan trọng nhất là phải tìm ra các giải pháp và dịch vụ đáp ứng yêu cầu cuộc sống, nhu cầu khách hàng.
Có cùng quan điểm này, dẫn thực tế ở DN mình, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế giới di động cho biết Công ty luôn “treo” một câu hỏi với ban quản trị: Năm nay chúng ta sẽ làm gì mới so với năm trước để từ đó đưa ra chiến lược phát triển thích hợp. Chẳng hạn, năm nay, khách hàng mua điện thoại bị trục trặc phải lên trung tâm bảo hành, nhưng tới năm sau, họ sẽ được đổi cái mới...
Từ đó, theo ông Tài, DN phải quán triệt cung cách “phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, nhanh hơn với sản phẩm đa dạng”. Điều này đòi hỏi tinh thần sáng tạo.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn