Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng Profit500 mới đây, Vietnam Report đã tiến hành khảo sát các DN đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhằm tìm hiểu tình hình hoạt động của DN trong thời gian qua; các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng lợi nhuận của DN cùng những định hướng sinh lời của DN trong thời gian tới.
Tâp trung cho công nghệ, nhân lực
Trong khảo sát của Vietnam Report, hơn 50% DN đánh giá chính khối lượng hàng hóa/dịch vụ bán ra trong 3 quý đầu năm nay gây ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất đến lợi nhuận DN thu lại chứ không phải giá cả hay chi phí chi tiêu của DN.
Về vấn đề phân bổ chi phí nguồn vốn nhằm thu lại lợi nhuận tốt, các mảng được DN chú trọng tập trung và đạt được hiệu quả cao trong thời gian qua là nhân sự, kênh phân phối, sales/marketing và công nghệ thông tin với hơn 50% DN lựa chọn. Gần 65% DN cho biết đã phân bổ nguồn lực cho nhân sự và đây cũng là kênh đem lại hiệu quả cao trong thời gian qua.
Ngoài ra, một số DN báo cáo không phân bổ chi tiêu đầu tư cho mảng tài chính, logistics, nguồn cung ứng của DN… Nhìn chung trong đánh giá của các DN, logistics tuy được phân bổ nhưng chưa mang lại hiệu quả đặc biệt cho hoạt động kinh doanh của DN, có 5% DN phân bổ chi tiêu cho mảng này nhưng đạt hiệu quả thấp so với mong đợi.
Bên cạnh các chiến lược tăng doanh thu, giảm chi phí để nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận trong 12 tháng tới, nhiều DN dự định tập trung vào 2 mũi nhọn: Vận dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong các quy trình hoạt động và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tạo tiền đề tăng trưởng vững chắc.
Rủi ro, thách thức tiềm ẩn
Trong phỏng vấn độc quyền với Vietnam Report, GS. Jason Furman, Đại học Harvard, nguyên là thành viên nội các Hoa Kỳ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của cựu Tổng thống Obama, đã cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc được khởi đầu trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phát triển rất khởi sắc, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất để kinh tế Mỹ phát triển không quá nóng. Do vậy, rất có thể các tranh chấp thương mại Mỹ – Trung Quốc có những nguyên nhân sâu xa ngoài thương mại và có thể kéo dài ngoài dự đoán. Tuy nhiên khả năng Mỹ mở rộng tranh chấp thương mại với các đối tác thương mại khác, trong đó có Việt Nam, là không quá lớn trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh như trên, các DN trong nước đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh về biến động tỉ giá và gánh nặng về thuế, bao gồm cả thuế nhập khẩu của các đối tác thương mại lớn. 51,4% DN đã đánh giá “biến động tỉ giá hối đoái” là khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN trong năm nay, kế đến là thuế với 42,9% lựa chọn của DN.
Đánh giá về những ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong những năm tới, nhiều DN dự đoán ngành công nghệ sẽ có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ nhất (chiếm 27% lựa chọn của các DN). Một số ngành cũng được nhiều DN đánh giá triển vọng sinh lời là Xây dựng, bất động sản (17%), Y tế, dược (15%), Bán lẻ, kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại (10%).
Tuy nhiên, trong khi thế giới đang tiến đến kỷ nguyên CMCN 4.0, thì trình độ áp dụng công nghệ trong DN Việt nói riêng và trong nhiều ngành của Việt Nam nói chung mới đang ở giai đoạn đầu do thiếu hụt nguồn vốn, thông tin, kỹ năng, cơ sở hạ tầng, nhân lực… Nhiều DN Việt Nam có nhu cầu lớn nhưng chưa có đủ tiềm lực và định hướng chiến lược trong quá trình đầu tư này.
Trong giai đoạn 2018-2019, khoảng 57% DN tham gia khảo sát cho biết đang đẩy mạnh quá trình đầu tư cho công nghệ, 37,1% DN hiện đang đầu tư từ từ, thay đổi từng bước và 8,6% vẫn trong quá trình chuẩn bị. Mục tiêu lớn nhất DN mong đợi khi đưa CMCN 4.0 vào quy trình sản xuất kinh doanh hiện tại tập trung chủ yếu vào tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa hiệu suất làm việc (chiếm 80%) và tăng cường thị phần (77,1%).
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn