Kênh News First của Sri Lanka dẫn lời Đại tá Gihan Seneviratne, người phát ngôn lực lượng không quân, cho biết một thiết bị nổ đã được phát hiện sau khi có báo cáo về một vật thể đáng ngờ trên đường gần sân bay. Các binh sĩ của lực lượng không quân đã tiến hành tháo dỡ thiết bị trên. Ngoài ra, lực lượng an ninh bổ sung đã được điều đến sân bay.
Trong khi đó, hãng tin AFP cũng dẫn một nguồn tin cảnh sát cho biết, một quả bom hình ống tự chế đã bị phát hiện vào đêm 21/4 trên một con đường dẫn tới nhà ga chính của sân bay. Vụ việc đã gây gián đoạn hoạt động hàng không. Hãng hàng không quốc gia Sri Lanka đã yêu cầu các hành khách làm thủ tục lên máy bay ít nhất 4 giờ trước khi khởi hành do các quy định kiểm soát an ninh đang được thắt chặt tại sân bay Bandaranaike sau loạt vụ tấn công.
Sáng 22/4, cảnh sát Sri Lanka thông báo số nạn nhân thiệt mạng trong loạt vụ tấn công tại các nhà thờ và khách sạn hạng sang ở nước này trước đó một ngày tới thời điểm này là 290 người. Khoảng 500 người bị thương trong thảm kịch đẫm máu trên.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin chính phủ cho biết Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena cùng ngày đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia để đánh giá tình hình an ninh sau loạt vụ tấn công khủng bố trên.
Theo AP, chuyên gia phân tích tội phạm của Chính phủ Sri Lanka Ariyananda Welianga cho hay, các vụ tấn công xảy ra gần như đồng thời ở 3 nhà thờ và 3 khách sạn ở trong và quanh thủ đô Colombo hôm 21/4 đã được thực hiện bởi 7 kẻ đánh bom liều chết.
Theo chuyên gia Welianga, một bản phân tích về các bộ phận cơ thể của những kẻ tấn công thu được từ hiện trường cho thấy đây đều là các vụ đánh bom liều chết.
Chuyên gia này nêu rõ 2 phần tử liên quan vụ tấn công khách sạn Shangri-La, trong khi 5 vụ tấn công ở các khách sạn Cinnamon Grand và Kingsbury, nhà thờ St. Anthony ở Colombo, nhà thờ St. Sebastian ở thành phố Negombo và nhà thờ Zion ở thành phố Batticaloa do 5 phần tử khác thực hiện.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn