Già làng A Tú và các bạn trẻ trên rẫy cà phê. Ảnh: VGP/Trầm Hương |
Con đường nhựa nối từ Quốc lộ 14 rẽ về thôn Kon Klốc buổi sớm thật mát mẻ, trong lành. Rẽ xe máy vào căn nhà nằm lọt thỏm trong mảnh vườn cà phê, chị Y Kha, Phó Chủ tịch HĐND xã Đăk Mar và cũng là Bí thư Chi bộ thôn Kon Klốc giới thiệu đấy là nhà của già làng A Tú. “Già làng là người nêu gương trong tuyên truyền, vận động bà con dân làng làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống đấy", chị Y Kha quả quyết.
Dù đã qua 83 mùa rẫy nhưng ngày nào cũng vậy, trời nắng cũng như mưa, già A Tú đều cuốc bộ gần 3 tiếng đồng hồ từ làng lên rẫy để cột trâu, bò, thăm ruộng lúa, rẫy mì, cà phê, bời lời. Ngày mùa, già còn ngủ tại rẫy cả tháng để làm lúa, cà phê.
Già A Tú cho biết trước đây, ông nuôi đến 20 con bò, thả khắp đồi núi. Bây giờ, có tuổi rồi, không thể quán xuyến hết nên ông đã bán bớt đàn bò, chuyển sang trồng 4 sào cà phê, 1 sào bời lời, 6 sào ruộng, 2 sào mì.
Chỉ những đám ruộng trên vạt đất bằng phẳng nằm ở phía xa xa của chân núi nằm sát con suối, già A Tú cho biết, những chân ruộng ấy được ông khai hoang từ thời còn trẻ. Ngày xưa, làm ruộng chưa biết bón phân nên ruộng thì nhiều nhưng có năm lại không đủ ăn. Bây giờ, đã biết bón phân, biết cách chăm sóc nên mỗi vụ ông thu được 20 bao lúa (lúa 2 vụ), lúc nào trong nhà cũng thóc lúa đầy bồ.
Già tiếp chuyện: “Mình có thể từ chối không làm già làng khi được dân làng bầu chọn với lý do đã lớn tuổi, muốn nghỉ ngơi. Thế nhưng vì được bà con tin tưởng, vì trách nhiệm với dân làng nên mình không thể thoái thác. Nghĩ vậy nên dù đã lớn tuổi nhưng mình vẫn cố làm gương, chăm chỉ, siêng năng làm ruộng, làm rẫy, chăn nuôi để bà con dân làng nhìn vào đó mà học hỏi, làm theo. Bởi mình vận động bà con dân làng làm nương, làm rẫy để xóa đói giảm nghèo mà mình không có nương, có rẫy, không chăn nuôi thì ai nghe theo mình. Vì vậy, còn sức là mình còn lao động…”.
Anh A Thêm ở thôn Kon Klốc nói: “Từ khi chưa làm già làng cho đến khi đảm đương chức vụ quan trọng này, già A Tú luôn là tấm gương sáng cho bà con dân làng học tập và làm theo. Nhìn thấy người lớn tuổi như ông hằng ngày vẫn siêng năng làm lụng ruộng rẫy thì thanh niên chúng tôi làm sao có thể ngồi ở nhà để uống rượu hoặc ăn không ngồi rồi được…”.
Già làng A Tú chỉ dạy con cháu đan lát. Ảnh: VGP/Trầm Hương |
Ngoài vận động bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, già A Tú còn là người giữ được truyền thống đan lát của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, ông còn là một trong số ít người trong làng biết làm nhà rông, cây nêu. Lúc rảnh, già A Tú tranh thủ đan gùi, rổ, rá để dùng trong nhà, cho con cháu hoặc bán khi có người mua.
Tài nghệ đan lát của già A Tú ở làng Kon Klốc thì ai cũng phải công nhận, ông tỉ mỉ từng khâu, từng công đoạn nên sản phẩm trông rất tinh xảo. Già A Tú cho biết, năm nào cũng thế, nhiều hộ dân trong bản và bà con ở xã Đắk Psi, Đắk Ui (huyện Đắk Hà) cũng tìm đến đặt ông đan lát một số vật dụng truyền thống để về dùng.
Chị Y Kha chia sẻ thêm, vì sợ sau này không còn có người biết làm cây nêu đúng bản sắc truyền thống mỗi khi dân làng có lễ hội nên mới đây, già làng A Tú cũng đã đề xuất lên Chi bộ cho mở lớp để truyền dạy cách làm cây nêu và chế tác một số nhạc cụ truyền thống như đàn T'rưng, Klông pút, Ting ning. Già A Tú sẽ tình nguyện đứng ra truyền dạy cho bà con.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn