Sàng lọc giá trị tài sản công trước khi đưa vào đấu giá tránh lãng phí
Theo Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản của Ủy ban Kinh tế, có ý kiến cho rằng tại điểm a khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật về tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị được dẫn chiếu theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là phù hợp.
Tuy nhiên, đối với các tài sản kết cấu hạ tầng (điểm b), tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (điểm c) và tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước (điểm d), đây cũng là các tài sản được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và được Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết việc quản lý, sử dụng đối với các tài sản này. Do đó, cần quy định các điểm b, c và d được dẫn chiếu theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tương tự như quy định tại điểm a để bảo đảm tính thống nhất, bao quát và đồng bộ.
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) đề nghị quy định rõ tài sản công ở mức bao nhiêu mới nên đưa vào đấu giá. Nếu với những tài sản công giá trị thấp đưa ra một buổi đấu giá không đạt nhiều hiệu quả về kinh tế, bên cạnh đó các thủ tục đưa các tài sản này ra đấu giá cũng gây tốn kém, lãng phí.
Dự thảo Luật quy định, người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước và tiền đặt trước do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Về vấn đề này, đại biểu Ma Thị Thuý cho rằng, với những giá trị tài sản khác nhau thì số tiền đặt cọc cũng cần phải khác khau. Đại biểu đề nghị với những tài sản giá trị lớn như đất đai ... cần nâng mức đặt cọc lên 50% để tránh việc người đấu giá có nhu cầu cần thực sự lại không được tham gia đấu giá.
Còn nhiều quy định cần bổ sung
Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh (TP. Đà Nẵng), tại điểm m, khoản 2 Điều 24 Luật đấu giá hiện hành hiện chưa có quy định xử lý với các trường hợp không chấp hành kiểm tra, thanh tra như: không mở cửa trụ sở, không bố trí người làm việc hoặc người làm việc không có thẩm quyền, không báo cáo về tình hình tổ chức về tình hình hoạt động cho đoàn kiểm tra, không cung cấp bản chính hồ sơ đấu giá cho đoàn kiểm tra.
Đại biểu Minh đề nghị bổ sung thêm quy định thu hồi giấy phép hoạt động với doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản không chấp hành các yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thanh tra và kiểm tra.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Duy Minh, thời gian nộp tiền đặt trước chỉ có 1 ngày sẽ xảy ra trường hợp không có khách hàng nộp tiền đặt trước, hoặc sẽ có 1 khách hàng nộp tiền đặt trước, như vậy cuộc đấu giá đó không thể thực hiện được.
"Cần có quy định để các bên tham gia đấu giá có thể thoả thuận về thời gian nộp tiền đặt cọc để người có tài sản, tổ chức đấu giá có thể chủ động trong việc tổ chức đấu giá. Bên cạnh đó, bên tổ chức đấu giá có đủ thời gian để thông báo tới các cơ quan tổ chức có liên quan để theo dõi, tham dự cuộc đấu giá", đại biểu Minh nói.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, dự thảo Luật quy định việc yêu cầu người có tài sản đấu giá phải xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá là chưa phù hợp, nhất là đối với trường hợp người có tài sản đấu giá là cá nhân hoặc trường hợp có số lượng lớn người tham gia đấu giá đối với cùng một tài sản đấu giá.
"Điểm này không hợp lý trong thực tiễn bởi trách nhiệm để thẩm định điều kiện của người tham gia đấu giá là của người tổ chức thực hiện đấu giá hoặc thuê cơ quan có thẩm quyền thẩm định việc này. Bản thân cá nhân có tài sản đấu giá không thể có đủ điều kiện năng lực thẩm định người tham gia đấu giá được" - đại biểu Trần Chí Cường nêu quan điểm.
Đối với việc huỷ kết quả, chấm dứt kết quả trúng đấu giá, đại biểu Trần Chí Cường cho biết khi đấu giá thành công mà người đấu giá chậm nộp tiền sẽ có 2 hình thức xử lý. Một là cơ quan thuế phạt tiền chậm nộp; hai là huỷ kết quả trúng đấu giá, tuy nhiên việc này chưa rõ ràng trong việc minh định xem áp dụng điều kiện như thế nào. "Thực tế hiện nay, toà chỉ tuyên huỷ kết quả với những vấn đề nằm trong khoản điểm b khoản 5 điều 9. Nếu nằm ngoài điểm này toà sẽ không có căn cứ để tuyên bố huỷ kết quả đấu giá".
Trên cơ sở đó, đại biểu Cường đề nghị nghiên cứu sửa đổi theo hướng hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị toà án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự, như vậy sẽ đảm bảo bao quát, đầy đủ hơn.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn