Đề xuất giải pháp cấp bách

Thứ ba - 22/09/2020 23:20
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp (DN) du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã có Văn bản số 3406/BVHTTDL-TCDL trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp cấp bách.
10 năm gần đây, du lịch Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh, với mức tăng bình quân 22% năm; cùng với đó là sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên… Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - nhận định, ngành du lịch nói chung và những điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ nói riêng đã khẳng định được vị thế trên thế giới và khu vực, với việc nhận được nhiều giải thưởng danh giá. Tuy nhiên, cùng với nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, ngành du lịch đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có.

 
de xuat giai phap cap bach

Cần tiếp sức để doanh nghiệp sớm phục hồi


Báo cáo mới nhất từ Bộ VH-TT&DL cho thấy, DN vận tải du lịch gần như đóng cửa vì không có khách; 95% DN lữ hành dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động. Đặc biệt, các DN lưu trú, khách sạn, resort tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh công suất phòng chỉ đạt 10%; các tỉnh là vùng có dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gần như không có khách, trừ một số khách là chuyên gia và khách cách ly. Các tỉnh là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh công suất buồng phòng chỉ đạt 3 - 5%, các địa phương còn lại công suất đạt 10 - 20%, nhân viên nghỉ việc, chỉ duy trì số ít nhân viên đi làm bảo trì trang thiết bị.

Trên cơ sở thực trạng hoạt động du lịch, Bộ VH-TT&DL đề xuất Thủ tướng một số giải pháp bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, người lao động ngành du lịch chịu ảnh hưởng của đại dịch, nhằm tiếp sức cho DN tiếp tục vận hành, đóng góp mạnh mẽ cho du lịch, sớm hiện thực hóa mục tiêu du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, Chính phủ cần điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất trong năm 2020 và những năm tiếp theo; xem xét cho giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2020, 2021.

Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ người lao động, Bộ VH-TT&DL đề xuất, Chính phủ xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng phí công đoàn đối với DN và đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, mà không tính lãi phạt chậm nộp nhưng vẫn được đóng bảo hiểm y tế để người lao động vẫn được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế; kéo dài thời gian hỗ trợ cho đối tượng được đề cập tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19. Đồng thời, xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng, áp dụng đến tháng 12/2021, vì hiện các DN du lịch không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi.

Cùng với các đề xuất trên, Tổng cục Du lịch đang gấp rút nghiên cứu, chuẩn bị Chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 hướng đến khách du lịch nội địa, với mục tiêu xây dựng sản phẩm vừa an toàn, vừa hấp dẫn về giá, và chuyến đi có thời gian phù hợp, bảo đảm chất lượng, thực hiện đến hết năm 2020; đồng thời khuyến khích DN lớn tham gia kích cầu để tạo lực thúc đẩy mạnh mẽ.

Tổng cục Du lịch đang đẩy nhanh xây dựng ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn trên bản đồ số về các vùng có dịch và vùng an toàn, nhằm giúp các hãng hàng không, DN thuận tiện trong việc xây dựng kế hoạch bán vé máy bay và khách du lịch sẽ chọn điểm đến an toàn.

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi