Để TPHCM phát triển đúng tầm một đô thị lớn

Thứ năm - 09/03/2017 21:53
Chiều 9/3, UBND TPHCM phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo đề án “Cơ chế chính sách đột phá để TPHCM phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước theo Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị”.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (người ngoài cùng bên trái) nêu một số điểm "nghẽn" cản trở sự phát triển của TPHCM. Ảnh: VGP/Phương Liên

Hàng trăm nhà khoa học và đại diện các viện, trường, lãnh đạo các nhóm nghiên cứu kinh tế xã hội cao cấp dự hội thảo đã góp ý, hiến kế để Thành phố mang tên Bác có bước phát triển xứng tầm một đô thị lớn nhất cả nước.

Hội thảo tập trung thảo luận các mảng vấn đề: Đánh giá thực trạng phát triển TPHCM trong giai đoạn vừa qua, nhấn mạnh khía cạnh so sánh quốc tế; phân tích, xác định nguyên nhân thực trạng, chú trọng làm rõ các nguyên nhân hạn chế, gắn với tầm nhìn, chiến lược và cơ chế, chính sách phát triển; đề xuất, thảo luận các giải pháp “đột phá” phát triển TPHCM trong giai đoạn tới; trên cơ sở xác định tầm nhìn, cơ chế, chính sách phát triển vượt trội cho Thành phố, trong thế liên kết vùng và cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

Đô thị lớn còn nhiều điểm "nghẽn"

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, TPHCM là một đô thị lớn, một siêu đô thị, được xác định là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Hơn 40 năm sau giải phóng và 30 năm đổi mới, Thành phố đã đạt được những kết quả phát triển nổi bật, luôn đóng vai trò là đầu tàu dẫn dắt công cuộc đổi mới và phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, đặt trong tương quan so sánh quốc tế và yêu cầu phát triển trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế, để tạo động lực cho cả nền kinh tế nhanh chóng thu hẹp khoảng cách tụt hậu, Thành phố vẫn chưa phát triển đúng tầm, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế.

Nghị quyết 16-NQ/TƯ của Bộ Chính trị năm 2012 đã định hướng, mở không gian và tạo điều kiện để TPHCM có cơ hội bứt phá. Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Thiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua, tư tưởng nói trên của Nghị quyết chưa được thực hiện đầy đủ, thậm chí còn xuất hiện những trói buộc, hạn chế mới, cản trở sự phát triển của Thành phố.

Điều có thể thấy rõ là sự phát triển của TPHCM đang đối mặt với nhiều điểm “nghẽn” lớn và những khó khăn như ách tắc giao thông, úng ngập, ngân sách thu hẹp, năng lực bộ máy chính quyền… “Vì những lý do đó, TPHCM đã không thể hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh "đầu tàu phát triển", tức là chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với công cuộc phát triển của cả nước", ông Thiên nói.

Nhiều đề xuất giải pháp đột phá cho phát triển TPHCM

Theo TS. Vũ Tuấn Anh (Viện Kinh tế Việt Nam), mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích tự nhiên và 9% dân số cả nước (14% nếu tính cả số dân không có hộ khẩu nhưng cư trú và làm ăn ở Thành phố), nhưng TPHCM đã đóng góp 22,8% GDP và đóng góp trên 30% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Về những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức của TPHCM trong 20, 30 năm tới, TS. Vũ Tuấn Anh cho rằng TPHCM có nhiều tiềm năng và lợi thế vượt lên để nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó cần ưu tiên lựa chọn khâu đột phá.

Cụ thể là rà soát và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế theo hướng đột phá để thay đổi mô hình tăng trưởng của các lĩnh vực ưu tiên và bảo đảm tính bền vững cho toàn bộ nền kinh tế. Thứ hai, cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch phân bố không gian của Thành phố nằm trong mối liên kết với Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ. Và cuối cùng là phải xây dựng cho được đề án cải cách thể chế quản trị siêu đô thị TPHCM.

Còn theo TS. Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TPHCM), TPHCM chỉ có thể đột phá nếu như Trung ương cho phép thử nghiệm cải cách thể chế và Thành phố thiết lập được cơ chế hợp tác và liên kết vùng hiệu quả. Nếu không cải cách toàn diện được thì nên tận dụng triệt để dư địa chính sách, đồng hành với doanh nghiệp, thử nghiệm chọn lọc một số cải cách đột phá và yêu cầu Trung ương công bằng về thu, chi ngân sách.

“Một trong những nguyên nhân quan trọng khác làm cho TPHCM chưa thể tìm được các chiến lược phát triển hợp lý và hình thành mục tiêu dài hạn là cho chưa có cơ chế hay chưa tập hợp được đội ngũ trí thức và các doanh nhân đông đảo ở Thành phố cũng như những người luôn trăn trở cho sự phát triển của Thành phố ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nói một cách khác, đội ngũ trí thức chưa trở thành “bộ não” để cùng với lãnh đạo cùng trăn trở nghĩ về tương lai dài hạn của Thành phố, các doanh nhân chưa được xem là người tiên phong trong việc thực hiện các sáng kiến hay ý tưởng mới cho phát triển kinh tế, mở rộng các hoạt động kinh doanh”, ông Vũ Thành Tự Anh trăn trở.

Còn TS. Trần Du Lịch cho rằng TPHCM nên kiến nghị Chính phủ xây dựng một nghị định phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho TPHCM theo tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bao gồm các lĩnh vực quản lý Nhà nước chủ yếu trên địa bàn. Trong đó ưu tiên về thể chế tài chính công; quản lý đô thị và tổ chức bộ máy hành chính địa phương theo tinh thần Nghị quyết 20 và 16 của Bộ Chính trị về TPHCM.

“Để thực hiện việc này nên đề nghị Chính phủ lập Tổ công tác xây dựng Nghị định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trước khi ban hành. Dù là Nghị định nhưng sẽ mang tính chất như một đạo luật cho Thành phố”, TS. Trần Du Lịch nói.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Phương Liên

 

Kỳ vọng về sức đột phá đủ tầm, đủ mạnh

Chủ trì hội thảo, trong phát biểu của mình, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng khẳng định TPHCM rất trân trọng các phân tích và đề xuất của các chuyên gia và đề nghị các cơ quan hữu quan cần khẩn trương tiếp thu các góp ý, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh đề án, lấy ý kiến các nguyên lãnh đạo TPHCM, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý am hiểu Thành phố… Từ đó, Ban soạn thảo cần sớm hoàn thiện đề án trong quý II năm nay.

Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng lưu ý từ kinh nghiệm thực tiễn, với kỳ vọng của Thành phố về đề án, sự gửi gắm tin yêu của nhân dân Thành phố về một sức đột phá mới, đủ tầm, đủ mạnh để có thể phát triển xứng tầm, đề án phải có căn cứ vững chắc về cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý.

Các giải pháp đề xuất phải được thiết kế thật chi tiết, cần cân nhắc các tác động có thể trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và cần lường trước các biến động, xáo trộn nếu triển khai thực hiện.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định TPHCM đặt nhiều kỳ vọng vào đề án này  để tạo ra sự đột phá thực sự cho Thành phố phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Thư viện ảnh

Image cannot be loaded
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi