![]() |
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 25/5. Ảnh: daibieunhandan.vn |
Các ĐBQH nhận định trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước lẫn quốc tế, song với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương… tình hình KT-XH tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả toàn diện.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; dòng tín dụng được tập trung mạnh cho sản xuất kinh doanh cũng như các lĩnh vực ưu tiên. Nhiều “điểm nghẽn”, “rào cản” đối với sản xuất, kinh doanh, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ kịp thời bằng giải pháp mạnh. Nhiều lĩnh vực có tiềm năng phát triển được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho nền kinh tế đã được ưu tiên đầu tư, thúc đẩy…
Một trong những điểm sáng của nền kinh tế là tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua; chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
“Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 có chiều sâu, số liệu sinh động, thuyết phục. Bức tranh KT-XH rất sáng, qua đó củng cố niềm tin và kỳ vọng về những bước phát triển mới trong những tháng còn lại của năm 2018 và thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đánh giá.
Cùng quan điểm này, các đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng)… cho rằng những kết quả đạt được những tháng đầu năm là ấn tượng, toàn diện, cho thấy sự nỗ lực, sự quyết tâm của Chính phủ là rất đáng trân trọng. Điều đó đã củng cố niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp về sự phát triển thời gian tới. Báo cáo của Chính phủ được trình bày trước Quốc hội cũng đã nêu rõ được những mặt được, những mặt chưa được và đề xuất giải pháp khả thi để thực hiện trong thời gian còn lại của năm 2018.
Cùng với sự ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, những kết quả đạt được, ý kiến của nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các giải pháp, chính sách duy trì tăng trưởng bền vững; bảo đảm sự tăng trưởng đồng đều của giữa các khu vực; kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa trong bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; không ngừng nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh; quan tâm kiến tạo thể chế, chính sách cho phát triển; thực hiện hiệu quả các giải pháp về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Đi liền với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa cũng cần phải được đặc biệt quan tâm trong chỉ đạo, điều hành; phải khắc phục được những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, thiếu nhân văn, nhân đạo giữa người với người trong xã hội…
“Phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển văn hóa; kiến tạo môi trường văn hóa. Kinh tế phát triển nhưng môi trường văn hóa thụt lùi là vô nghĩa”, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) nhấn mạnh.
Cũng đề cập đến lĩnh vực văn hóa, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng đời sống văn hóa của công nhân ở các khu công nghiệp còn đơn điệu, sự tiếp cận, mức hưởng thụ các sản phẩm văn hóa của công nhân còn hạn chế…
Để bảo đảm mục tiêu phát triển con người toàn diện, phát triển đời sống vật chất hài hòa với đời sống tinh thần, đại biểu Triệu Thế Hùng đề nghị Chính phủ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách để phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn cơ sở trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người công nhân; tạo điều kiện thuận lợi để người công nhân được tham tiếp cận các sản phẩm văn hóa, tham gia nhiều hơn các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao…
Ngoài ra, trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn nữa trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh sắp xếp, tinh giản biên chế, xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ…
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn