Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi hoàn cảnh

Thứ năm - 19/03/2020 23:59
Ngày 18/3, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020" (Đề án), Thủ tướng nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện Đề án, ngành Nông nghiệp đã đạt được những bước tiến lớn, song cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với quan điểm, đảm bảo an ninh lương thực cho người dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi hoàn cảnh.
Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đại diện các Bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu và nhiều hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
 
dam bao an ninh luong thuc quoc gia trong moi hoan canh

Sau Hội nghị, Chính phủ sẽ xây dựng dự thảo văn bản trình Bộ Chính trị về an ninh lương thực trong thời gian tới và trình Quốc hội một dự thảo nghị quyết về vấn đề này


Từ quốc gia thiếu ăn, Việt Nam vươn lên tốp đầu các nước xuất khẩu nông sản

Tại Hội nghị, thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trình bày Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020" (Đề án) với đánh giá, nhấn mạnh, an ninh lương thực là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia. Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á thì bảo đảm an ninh lương thực lại càng là vấn đề hệ trọng.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, sau 10 năm thực hiện, Đề án đạt được những kết quả rất tích cực. Theo đó, 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu, nổi bật là diện tích đất trồng lúa của cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (mục tiêu là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (mục tiêu là 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn, vượt 4 triệu tấn so với mục tiêu.

Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ trong khi năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới... Giai đoạn 2009-2019, lương thực bình quân đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm; sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh 80,5%, từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn)...

Kết quả trên đã giúp xuất khẩu (XK) hàng nông sản tăng trưởng nhanh với 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm Việt Nam XK khoảng 5-7 triệu tấn gạo.
 

dam bao an ninh luong thuc quoc gia trong moi hoan canh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta không được "ảo" trong vấn đề an ninh lương thực bởi đây luôn là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia


Đặc biệt, trong giai đoạn 2009-2019, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn đã thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Cùng đó, ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt trung bình 2,61%/năm. Đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển… đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo.

Tuy nhiên, đại diện Bộ NN&PTNT cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, như: thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao và thiếu bền vững; quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp tại nhiều địa phương không ổn định dẫn đến sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được đòi hỏi về tích tụ, tập trung ruộng đất; vẫn còn tình trạng "được mùa - mất giá"…

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, nông nghiệp là rất quan trọng nhưng nông nghiệp phải gắn với công nghiệp, với thương mại, nông nghiệp phải gắn với khoa học và trí thức, và đấy là bối cảnh chung của đất nước chúng ta. Chúng ta không tuyệt đối hóa lĩnh vực nào, mà đảm bảo hài hòa trong chiến lược phát triển chung của đất nước. "Chúng ta phải quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, không những ở tầm quốc gia mà còn tầm vùng, và từng địa phương trong vùng, để làm sao phát huy được lợi thế so sánh của quốc gia chúng ta so với thế giới; lợi thế so sánh của các vùng so với đất nước, lợi thế so sánh của mỗi tỉnh đối với các vùng để chúng ta có quy hoạch sản xuất nói chung của đất nước"- Trưởng ban Kinh tế Trung ương gợi mở.

Theo ông Bình, mục tiêu của Đảng đến năm 2030 chúng ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có mức thu nhập trung bình cao; 10 năm tới là 10 năm chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì thế, nếu không có những thay đổi thìn chúng ta sẽ không có nguồn lực và môi trường để làm việc đó. Hai nguồn lực ở đây được nhắc đến là nguồn lực tự nhiên (đất đai, nguồn nước, môi trường) và thứ hai là con người. Nếu chúng ta không có cách thay đổi trong vấn đề này thì không thể giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp, dịch vụ. Chúng ta không thể giải phóng ra được quỹ đất để cho công nghiệp hóa, cho dịch vụ hóa và đặc biệt là cho đô thị hóa. Do vậy phải có cách nhìn mới cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nói riêng.

An ninh lương thực là vấn đề hệ trọng đối với mọi quốc gia

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dù đang sống trong kỷ nguyên 4.0, tương tác với thế giới ảo, nhưng chúng ta không được "ảo" trong vấn đề an ninh lương thực bởi đây luôn là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện thế giới vẫn còn những bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, và các hình thái dịch bệnh mới.

Về kết quả 10 năm thực hiện Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020", Thủ tướng khẳng định, sau hơn 30 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực, Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu lúa gạo trên thế giới.

Trong năm 2019, dù chịu ảnh hưởng bất lợi do biến đổi khí hậu, thời tiết, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, song sản lượng lương thực vẫn tăng, lúa vẫn được mùa và Việt Nam chúng ta là quốc gia sản xuất được loại gạo ngon nhất thế giới.
 

dam bao an ninh luong thuc quoc gia trong moi hoan canh

Đại diện các Bộ, ngành tham dự Hội nghị


Dẫn thực tế Việt Nam từ một nước thiếu ăn, nhưng đến nay, bình quân lương thực đầu người của Việt Nam đã đạt 525 kg và là một trong những nước XK lương thực hàng đầu thế giới, Thủ tướng cho rằng đây là kết quả từ việc thực hiện thành công chiến lược phát triển của ngành Nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế, như: Việt Nam đứng trong top đầu về XK nông sản nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia; mức sống nông dân đã khá hơn trước nhưng nhiều người vẫn còn nghèo, còn khó khăn; hạ tầng nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu quả xuất khẩu nông sản chưa cao…

“An ninh lương thực không chỉ là vấn đề trước mắt mà là chiến lược lâu dài. Đặc biệt là trước những tình hình bất ổn chính trị trên thế giới thường xuyên xảy ra, vấn đề biến đổi khí hậu và dịch Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp...” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo ổn định lương thực cho người dân trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Và để đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời vớ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và phát triển nông nghiệp hàng hoá… đặc biệt là đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng của hơn 104 triệu dân cả nước vào năm 2030, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trước hết, cần giữ ổn định khoảng 3,3-3,6 triệu ha đất lúa, đảm bảo sản xuất trên 35 triệu tấn lúa/năm. Bênh cạnh đó, cần có giải pháp để nâng cao sản lượng rau, đậu các loại đạt 20 – 22 triệu tấn, thịt hơi các loại 6,6 triệu tấn, sữa tươi 2,3 – 2,5 triệu tấn…

Cùng đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường khả năng dự trữ, không chạy theo thị trường xuất khẩu nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nguồn lương thực dự trữ, đồng thời, chủ động ứng phó, phân phối lương thực hợp lý cho các vùng, miền. Thực hiện việc gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với tái cơ cấu nền kinh tế nhằm bảo đảm sự hài hòa trong phát triển, đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực.

“Đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tiếp tục nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm và đời sống nhân dân” – Thủ tướng chỉ đạo và nhấn mạnh thêm, để đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta cần thúc đẩy khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các phương pháp nghiên cứu chọn giống, gia tăng chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng lương thực, thực phẩm, đồng thời phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ nhằm thay đổi nhận thức của nhân dân một cách căn bản trong vấn đề bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi