Đà Nẵng nỗ lực khôi phục xuất khẩu

Thứ năm - 19/11/2020 22:31
Các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới, mở rộng thị trường, tận dụng các ưu đãi, hỗ trợ đối tác thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm để sớm ổn định lại hoạt động xuất khẩu.
 

Tìm kiếm đơn hàng mới, tận dụng thương mại điện tử

Những ngày này, hơn 200 công nhân của Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng đang tấp nập để kịp đơn hàng cho đối tác tại EU. Ông Huỳnh Trinh - Giám đốc công ty phấn khởi - chia sẻ: Các đơn hàng của các đối tác truyền thống của công ty đang có xu hướng tăng. Hiện hoạt động sản xuất và xuất khẩu của công ty đã khôi phục lại hoàn toàn và kết thúc năm có thể cán mốc 2,5 triệu USD, tăng 10% về doanh thu so với năm 2019, vượt kế hoạch đặt ra.
 

Đà Nẵng nỗ lực khôi phục xuất khẩu

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Đà Nẵng đang nỗ lực để tìm kiếm đơn hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm


Theo ông Trinh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2020, nhiều đơn hàng của công ty bị chững lại do khó khăn ở thị trường nhập khẩu, nhiều đơn hàng mới đang đàm phán nhưng không xúc tiến tiếp được do đối tác không thể sang Việt Nam làm việc và trực tiếp xem hàng, công nhân lao động cầm chừng. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, các đơn hàng đang tăng trở lại. “Phía đối tác thúc đẩy khâu thương mại bằng hình thức trực tuyến, bán hàng online, tham gia các sàn giao dịch điện tử; cùng với đó, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế nhờ đáp ứng tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu. Từ đó, sức tiêu thụ hàng hóa đã tăng mạnh, và nhờ vậy đơn hàng cũng tăng theo”, ông Trinh cho hay.

Công ty TNHH MTV Chiến Thắng Gia, chuyên cung cấp bột đá cho đối tác tại Quảng Nam đúc tượng đá xuất khẩu đi Anh. Hai tháng 7 và tháng 8 - đỉnh điểm dịch bệnh Covid-19 tại Anh, hàng công ty đã làm không xuất đi được dù đơn hàng đã thực hiện nhưng đối tác đề nghị giãn đơn, giãn tiến độ giao hàng. Tuy nhiên, hiện tại thị trường tại Anh đã khởi sắc trở lại. “Chúng tôi đã nối lại việc xuất bột đá cho đối tác để thực hiện các đơn hàng đi Anh trở lại”, bà Trần Thị Minh Thắng - Giám đốc công ty - nói.

Công ty CP Dệt may 29/3 cũng đang nỗ lực thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu cho các đối tác tại châu Âu. “Năm nay là một năm khó khăn đối với ngành dệt may. Dịch Covid-19 khiến kinh tế suy thoái, mức chi tiêu mua sắm trung bình giảm; xung đột Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ chủ nghĩa… tất cả tạo thành áp lực lớn đối với dệt may”, ông Nguyễn Hữu Vinh - Trưởng phòng Kinh doanh, xuất nhập khẩu công ty - cho hay. Tuy nhiên, nhờ EVFTA có hiệu lực đúng thời điểm, cùng với đó, đơn vị nỗ lực xúc tiến, tìm kiếm đơn hàng vì vậy, đến cuối năm 2020 công ty vẫn có khả năng cán đích theo kế hoạch đặt ra.
 

Đà Nẵng nỗ lực khôi phục xuất khẩu

Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng đã có đơn hàng đến tháng 5/2021



Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, một số doanh nghiệp lớn của TP. Đà Nẵng có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua thị trường mà Việt Nam có các FTA đã hiểu rõ được tầm quan trọng của CPTPP và EVFTA, có sự quan tâm đầu tư về hạ tầng cơ sở, công nghệ trang thiết bị để xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định và tận dụng tương đối tốt các hiệp định này.

Có khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn

Kim ngạch xuất khẩu của TP. Đà Nẵng đã có tín hiệu khởi sắc khi thành phố đẩy lùi hoàn toàn được dịch bệnh Covid-19. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tháng 10/2020 ước đạt 264,7 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 155,7 triệu USD, tăng 18,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 109 triệu USD, giảm 6,9%.

Tuy nhiên, do tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 2,266 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2017 đến nay. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,294 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 974,2 triệu USD, giảm 10,9%.

Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của thành phố như dệt may, thủy sản, đồ chơi trẻ em, cao su thành phẩm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện và sản phẩm điện tử… vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của người tiêu dùng đối với nhiều mặt hàng không thiết yếu giảm mạnh bởi ảnh hưởng của dịch bệnh trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố. Dự kiến kết thúc năm 2020, kim ngạch xuất khẩu TP. Đà Nẵng sẽ đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giảm khoảng 6% so với năm 2019 (1,6 tỷ USD),

Theo các doanh nghiệp, khó khăn trước mắt mà doanh nghiệp đang phải đối mặt đó là tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp trên thế giới. “Đến thời điểm hiện tại các đối tác đang đàm phán đơn hàng từ cuối năm 2019 vẫn chưa thể chốt được hợp đồng do chưa thể sang trực tiếp xem điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm”, ông Huỳnh Trinh thông tin và nói thêm “mong là Việt Nam sẽ giữ được an toàn không có dịch bệnh trở lại, và nếu tận dụng tốt được các ưu đãi từ các FTA, phát huy được vai trò của thương mại điện tử thì hoạt động xuất khẩu của công ty sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. Chúng tôi đã có đơn hàng đến hết tháng 5/2021”.
 

Đà Nẵng nỗ lực khôi phục xuất khẩu

Doanh nghiệp dệt may, giày da Đà Nẵng còn gặp nhiều khó khăn để đáp ứng tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào theo chuẩn EVFTA, CPTPP


Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh, lĩnh vực xuất khẩu có thuận lợi là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đã có hiệu lực, tuy nhiên, một bộ phận các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tác động của các FTA để thay đổi và tận dụng cơ hội bứt lên. Ngoài ra, chủng loại mặt hàng xuất khẩu của thành phố chưa phong phú, giá trị gia tăng còn thấp, phần lớn sản phẩm là gia công, lắp ráp và phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, chưa có nhiều mặt hàng qua chế biến có giá trị gia tăng cao.

Đặc biệt là đối với doanh nghiệp dệt may, khó khăn hiện hữu là chưa đáp ứng được các quy tắc xuất xứ để hưởng các ưu đãi của EVFTA, CPTPP do yếu tố nguyên liệu. nguyên liệu trong nước không đủ, 90% nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc - không phải là đối tác có chung FTA với EU và Việt Nam.

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi