![]() |
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (thứ hai, từ trái) kiểm tra thực tế tình hình xử lý ô nhiễm môi trường và di dời các hộ dân xung quanh hai nhà máy thép, tháng 12/2017. |
Trước thềm Đại hội Đại Biểu Đảng Bộ Thành Phố Đà Nẵng lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025, Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trương Quang Nghĩa, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng về những thành tựu của Đảng bộ Đà Nẵng trong nhiệm kỳ qua và những kế hoạch cho giai đoạn phát triển mới.
Phóng viên: Đồng chí có thể tóm tắt những khó khăn, thách thức cũng như những thành tựu đạt được của Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2015-2020?
Đồng chí Trương Quang Nghĩa: Nhiệm kỳ qua là một nhiệm kỳ giàu cảm xúc đối với Đảng bộ thành phố Đà Nẵng. Điểm đáng nhớ nhất có thể kể đến là công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng mà Đà Nẵng được coi là một trong những địa điểm được Trung ương đặc biệt quan tâm, chú ý.
Với nhiều khó khăn, thách thức xảy ra, Đà Nẵng phải thực hiện nhiệm vụ kép là vừa tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và vừa phải lo khắc phục, xử lý những sai phạm, vi phạm theo các kết luận của Trung ương và những bất cập trong quá trình phát triển.
Với truyền thống quê hương anh hùng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đồng lòng, từng bước vượt qua những khó khăn thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên một nhiệm kỳ nhiều ấn tượng, tạo được nền tảng vững chắc để đi tiếp.
Công tác cán bộ đã dần đi vào nền nếp, đảm bảo đúng quy trình, chất lượng nhân sự, khắc phục được tình trạng bị động, hụt hẫng, thiếu tính kế thừa trong chuyển giao giữa các thế hệ lãnh đạo, quản lý cấp thành phố, nhất là đến nay, việc chuẩn bị tốt, chặt chẽ các khâu cho Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao, bảo đảm các điều kiện chuyển giao cho nhiệm kỳ sau.
Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng thành phố phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030; tiếp tục chỉ đạo rà soát các dự án công trình động lực, trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 để cân đối nguồn vốn đầu tư triển khai thực hiện, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Nhiệm kỳ 2015-2020 cũng là nhiệm kỳ có sự chuyển tiếp trong việc thực hiện 02 văn kiện quan trọng, mang tính lịch sử của Trung ương dành cho Đà Nẵng, đó là Nghị quyết số 33-NQ/TW và Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Đà Nẵng.
Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết hợp Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đây sẽ là những công cụ, hành trang quan trọng để thành phố Đà Nẵng bước vào nhiệm kỳ 2020-2025 hứa hẹn nhiều kỳ vọng và thành công.
Phóng viên: Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của Thành phố có điểm gì nổi bật, đáng chú ý trong nhiệm kỳ vừa qua?
Đồng chí Trương Quang Nghĩa: Đà Nẵng là thành phố tiên phong trong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; nhiều năm liền giữ vững thứ hạng cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Cải cách hành chính, Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhiệm kỳ qua, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Hệ thống chính quyền điện tử bước đầu được hình thành với 269 cơ quan đang sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, 95% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Từ năm 2018, thành phố đã ban hành và triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời đã ký kết hợp tác với nhiều quốc gia, tổ chức uy tín để triển khai thành phố thông minh, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch và hành chính, dịch vụ công. Nhờ đó, trong 11 năm liên tiếp (2009-2019), Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (Vietnam ICT Index). Năm 2019, xếp hạng Nhất về Chính phủ điện tử; thứ 5 toàn quốc về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thứ 6 về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); đạt giải thưởng Thành phố thông minh ASOCIO 2019 của Tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á - Châu Đại Dương và nhiều giải thưởng của các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế. Đà Nẵng được chọn là một trong 03 đại diện của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN.
![]() |
Đà Nẵng là thành phố tiên phong trong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; nhiều năm liền giữ vững thứ hạng cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số. |
Phóng viên: Để làm tốt nhiệm vụ kép như trên, Đà Nẵng đã huy động được sự ủng hộ của người dân như thế nào?
Đồng chí Trương Quang Nghĩa: Năm năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã phối hợp triển khai đồng bộ công tác dân vận, chính trị tư tưởng, đối ngoại nhân dân. Chú trọng củng cố, bồi đắp niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân thông qua chủ trương lãnh đạo, điều hành nhất quán, công khai, minh bạch và quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, vừa kết hợp hiệu quả với công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận, đoàn thể các cấp. Nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, chú trọng chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc của nhân dân ngay tại cơ sở, tạo sự đồng thuận, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Thành phố đã huy động khá hiệu quả sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân và các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, một lần nữa cho thấy tinh thần đoàn kết, đùm bọc và sự đồng thuận của người dân, sẵn sàng làm tất cả vì sự phát triển chung của thành phố. Nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước phát động triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực. Tích cực vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, đồng bào các dân tộc, đồng bào có đạo, chức sắc tôn giáo đóng góp xây dựng, phát triển thành phố. Đó là kết quả tổng hòa của ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị với phương châm “Đảng nói - dân tin”, “Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo”, “Chính quyền làm - dân ủng hộ” để không ngừng củng cố niềm tin, phát huy sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.
Phóng viên: Đối với bất kỳ địa phương nào, đặc biệt đối với các thành phố lớn, công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch luôn đặt ra nhiều thách thức để đảm bảo được tầm nhìn chiến lược lâu dài, đồng chí có đánh giá gì về công tác này của Đà Nẵng?
Đồng chí Trương Quang Nghĩa: Ban Thường vụ Thành uỷ đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc rà soát, điều chỉnh những bất cập trong quy hoạch phát triển với mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến cộng đồng, phục vụ lợi ích của nhân dân.
Những năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực xây dựng và thực hiện công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, không gian đô thị đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, quá trình phát triển đó đã bộc lộ những bất cập, nhất là trong công tác quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất đai. Nhận thấy được bất cập này, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Thông báo số 331-TB/TU ngày 31/01/2018 để tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh những bất cập trong quy hoạch và cụ thể hóa thực hiện các công trình, dự án được dư luận quan tâm; thực hiện chủ trương nhất quán, xuyên suốt, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển hài hòa của doanh nghiệp. Đến nay, đã hoàn thành các lối xuống biển khu vực quận Ngũ Hành Sơn; thu hồi một số bãi cát mặt biển tạo không gian thông thoáng để người dân và du khách tiếp cận; đầu tư một số công viên, vườn dạo; mở rộng Công viên APEC; dừng một số dự án ảnh hưởng đến cảnh quan, quy hoạch chung thành phố; điều chỉnh quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô,… nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân cũng như sự chia sẻ trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Trên cơ sở Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 331-TB/TU, thành phố đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đặt ra quan điểm phát triển theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; tập trung phát triển 3 trụ cột chính, đó là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội.
Nhằm tạo ra những tư duy, cách tiếp cận mới trong quy hoạch để làm động lực cho đà phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, thành phố đã phối hợp với tư vấn Singapore xây dựng Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung lần này có ý tưởng đột phá về mặt tổ chức không gian đô thị, phân khu chức năng rõ nét, định hướng và phân kỳ theo các giai đoạn phát triển phù hợp của thành phố, được chia thành 03 vùng đô thị đặc trưng và 01 vùng sinh thái với 12 phân khu, tạo lập 02 vành đai kinh tế chính (vành đai công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin; vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao); điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm thành phát triển đa cực; ưu tiên tái thiết các khu đô thị cũ thành khu cao tầng và tập trung đầu tư hạ tầng tương ứng.
Phóng viên: Việc triển khai thực hiện các dự án mang tính động lực, trọng điểm và khánh thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án quan trọng, tạo kết cấu hạ tầng đồng bộ được diễn ra như thế nào?
Đồng chí Trương Quang Nghĩa: Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình, dự án động lực, trọng điểm trên địa bàn, tạo sức lan tỏa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Chủ trương đó đã được Ban Thường vụ Thành ủy cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là Kết luận số 171-KL/TU ngày 23/4/2018 đã xác định lộ trình và giải pháp huy động nguồn lực đầu tư triển khai 82 dự án động lực, trọng điểm giai đoạn 2016-2020. Nhờ đó, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng; nhiều dự án giao thông trọng điểm hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả.
Phóng viên: Một trong những điểm nhấn quan trọng của Đà Nẵng trong nhiệm kỳ vừa qua là công tác đối ngoại, Đà Nẵng trở thành một điểm đến đáng nhớ của những hội nghị tầm cỡ quốc tế?
Đồng chí Trương Quang Nghĩa: Tôi nhận nhiệm vụ Bí thư Thành Uỷ Đà Nẵng chỉ ít ngày trước khi diễn ra Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC 2017. Đà Nẵng lần đầu tiên, cùng một lúc được đón nhiều nguyên thủ các cường quốc trên thế giới.
Đó là một tuần lễ đáng nhớ với Đà Nẵng nói chung và với cá nhân tôi nói riêng. Sự thành công của Tuần lễ APEC đã để lại nhiều ấn tượng cho bạn bè quốc tế.
Mặc dù, chỉ trước đó vài ngày, Đà Nẵng phải hứng chịu sự tàn phá của cơn bão Damrey. Nhưng qua đó, càng thấy được năng lực tổ chức của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Đà Nẵng không chỉ được gọi là thành phố đáng sống mà còn là điểm hội tụ của những cuộc đàm phán kinh tế và chính trị mang tầm quốc tế.
Những chuyến thăm của các đoàn tàu hải quân của nhiều nước trên thế giới đã góp phần thúc đẩy hợp tác vì hoà bình của khu vực và trên thế giới.
Những thành tựu trong công tác đối ngoại với tư cách là thành phố đăng cai trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hoá, thể thao… Đà Nẵng đã tạo dấu son trong lịch sử đối ngoại của Việt Nam, đồng thời góp phần khẳng định và nâng cao vị thế, tạo ra cơ hội mới, thuận lợi lớn cho thành phố về tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch.
Từ những động lực, sức bật mới của sự kiện APEC và Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017, xác định thành công của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là sự phát triển của thành phố, Đà Nẵng liên tục chọn chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” để tập trung triển khai trong các năm 2018, 2019, 2020 với trọng tâm là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tổ chức các chương trình Tọa đàm mùa Xuân hằng năm, đã mang lại sự chuyển biến lớn về kết quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Giai đoạn 2016-2020, thu hút hơn 77.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, gần 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tăng hơn 2 lần và gấp 3 lần số vốn so thời điểm 2015; đã thu hút đầu tư, hoàn thành, đưa vào hoạt động nhiều dự án lớn phù hợp với các định hướng quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội thành phố (Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort, Khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp phường Phước Mỹ). Đây là tiền đề quan trọng, tạo động lực phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững hơn.
Phóng viên: Được coi là thành phố đáng sống, Đà Nẵng nổi tiếng với các chương trình đậm tính nhân văn như thành phố “3 có”, “4 an” và “5 không” trong xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới, xin đồng chí cho biết, chương trình này được tiếp tục thực hiện như thế nào?
Đồng chí Trương Quang Nghĩa: Kế thừa và phát huy thành quả của Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, Chương trình “Thành phố 4 an” và các chính sách an sinh xã hội của thành phố trong nhiệm kỳ qua được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo động lực và nền tảng để xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại. Trong đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự được triển khai quyết liệt; kịp thời trấn áp và kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm; tai nạn giao thông giảm dần trên cả 3 tiêu chí. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường, với việc thực hiện có hiệu quả thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, tạo được sự an tâm cho người dân và du khách. Thành phố đã thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Công tác giảm nghèo về đích trước 2 năm theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016-2020; các đề án “Có nhà ở”, “Có việc làm” được chú trọng triển khai, đạt những kết quả quan trọng (Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 2,04%; 7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp được triển khai; gần 126.00 lao động được giải quyết việc làm trong giai đoạn 2015-2020).
Phóng viên: Trước thềm Đại hội Đại biểu lần thứ XXII, đồng chí muốn chia sẻ thêm điều gì?
Đồng chí Trương Quang Nghĩa: Trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025, tôi tin tưởng rằng toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ phát huy hơn nữa tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, đồng thuận, đồng tâm nhất trí, chung sức đồng lòng, chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, đưa thành phố chúng ta vững vàng phát triển nhanh, mạnh hơn, vững chắc hơn theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ chính trị (khóa XII).
Như lời một bài hát: “người miền Trung gian khó ngàn đời qua” nhưng cũng chính mảnh đất Đà Nẵng anh hùng, Đà Nẵng luôn là nơi bắt đầu cho nhiều biến cố lớn trong lịch sử của đất nước, tôi luôn có niềm tin mãnh liệt vào sự thành công của Đà Nẵng. Tôi có tình yêu đặc biệt với Đà Nẵng, nơi tôi đã ba lần được phục vụ, nơi đây không chỉ là quê hương tôi, nơi gia đình tôi luôn có nhiều duyên nợ. Tôi tin vào sự kiên cường, luôn vượt qua gian khó của người miền Trung nói chung và người Đà Nẵng nói riêng. Mọi gian khó đều sẽ vượt qua và Đà Nẵng đã thực sự vươn mình toả sáng bên bờ Biển Đông.
Đã Nẵng không chỉ là thành phố đáng sống, nơi nhiều người chọn nơi đây để tận hưởng phần đời còn lại của mình, Đà Nẵng còn là điểm đến không thể bỏ qua của không chỉ người Việt Nam mà cả những du khách trên thế giới muốn ghé thăm Đà Nẵng cũng như những nhà đầu tư tới đây để đầu tư.
Xin cảm ơn đồng chí Bí thư!
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn