Một trong những vấn đề hóc búa nhất, hãng BBC cho hay hai bên đã đạt được sự đồng thuận về cách thức không thiết lập một đường biên giới cứng giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland, như là hệ quả của việc Anh rời khỏi EU.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết EU không nhằm mục đích trừng phạt việc nước Anh rời khỏi EU và Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đang cố gắng đạt được một thỏa thuận tốt nhất cho cả hai bên.
Việc Anh và EU đạt được thỏa thuận đồng nghĩa các nhà lãnh đạo EU có thể phê chuẩn thỏa thuận này tại một hội nghị thượng đỉnh của khối ở Brussels vào cuối tháng 11 này.
Trong khi đó, Nội các Anh đã họp phiên khẩn cấp đặc biệt vào chiều 14/11.
Phát biểu trước các nghị sĩ Quốc hội Anh sau khi vấp phải những chỉ trích về thỏa thuận sơ bộ mới đạt được, bà May khẳng định thỏa thuận này sẽ đảm bảo chấm dứt tình trạng người nhập cư ồ ạt kéo đến quốc gia này và cho phép Anh tự xây dựng chính sách thương mại.
Thủ tướng Anh cho biết thỏa thuận bao gồm một loạt "rào chắn" phụ nhằm tránh một biên giới cứng với Ireland nhưng cũng cho biết thêm sẽ có một chính sách đảm bảo tạm thời trong khi hai bên chưa đạt được thỏa thuận thương mại.
Bà May khẳng định Chính phủ Anh muốn đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại vào cuối tháng 12/2020, thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.
Theo các nhà phân tích, thách thức rất lớn sắp tới của Thủ tướng Theresa May là bà phải thuyết phục Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận mới đạt được với EU. Để thông qua được thỏa thuận, bà May cần được sự ủng hộ của 320 trong số 650 nghị sĩ tại Hạ viện.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn