Cuộc gặp Nga-Mỹ: Khi Nga đưa bóng vào chân Mỹ

Thứ năm - 19/07/2018 04:28
 Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ được cả thế giới chờ đón và đồn đoán đã kéo dài 2 tiếng 10 phút (dài hơn so với 1 tiếng rưỡi như dự kiến) và khép lại bằng cuộc họp báo chung của hai nguyên thủ.

 

Tổng thống Nga V.Putin tặng Tổng thống Mỹ D.Trump quả bóng World Cup- Ảnh: TASS

Trả lời câu hỏi của các phóng viên The Guardian, Tổng thống Mỹ đã nói vắn tắt rằng: “Tôi cho rằng đây là sự khởi đầu tốt đẹp. Một khởi đầu rất, rất tốt cho cả hai bên!”.

Cùng điểm lại những động thái của hai ông chủ Nhà Trắng và Điện Kremlin để hiểu rằng dư luận có quyền hy vọng vào sự tốt đẹp như ông D.Trump đã nhận định.

Áp lực đè nặng lên Tổng thống Mỹ trên đường đến Helsinky

Mặc dù cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Nga-Mỹ xuất phát từ sáng kiến của phía Mỹ nhưng chính ông D.Trump mới là người phải gánh trên vai rất nhiều trọng trách và áp lực với một loạt những vấn đề, cụ thể như vũ khí hạt nhân, chiến sự tại Syria và sự hiện diện của Iran tại quốc gia này, đường ống dẫn khí phương Bắc 2, bán đảo Crimea và vấn đề Ukraine mà để đạt được những thỏa thuận có tính nguyên tắc từ phía Moskva cũng không hề dễ dàng.

Đó là chưa kể ngay trước hôm khởi hành, cơ quan tình báo Mỹ lại còn “làm quà” cho vị Tổng thống của mình bằng lời buộc tội 12 cán bộ phản gián Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ.

Những bất đồng đã được giảm thiểu sau cuộc hội đàm?

Cũng như cuộc gặp Mỹ- Triều, dường như vấn đề hạt nhân không phải chủ đề quá khó để đạt được sự thỏa thuận có tính chung nhất giữa hai siêu cường đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Về vấn đề Syria, theo lời Tống thống Nga thì cứu trợ nhân đạo là nhiệm vụ to lớn và khó khăn mà các bên cần phải giải quyết và dường như những thỏa thuận nhằm tiêu diệt khủng bố, đem lại hòa bình tại khu vực này cũng được hai bên cam kết. Rào cản phức tạp nhất vẫn còn để ngỏ đó là sự hiện diện của Iran tại quốc gia này mà từ lâu Israel luôn gây áp lực lên cả Nga và Mỹ nhằm hạ thấp sự ảnh hưởng của Tehran tới Damascus.

Đường ống dẫn khí đốt phương Bắc - 2 từ Nga thẳng sang Đức qua đáy biển Baltic mà như chính Tổng thống Mỹ đã nói, là sự lệ thuộc của EU vào Nga, đe dọa an ninh cho khu vực này. Tại cuộc họp báo, ông D.Trump vẫn cho rằng Mỹ đủ sức cạnh tranh với Nga để cung cấp khí đốt hóa lỏng của mình cho các đồng minh châu Âu để giảm thiểu những rủi ro về sự lệ thuộc vào Nga. Đáp lại, ông V.Putin cho rằng trong lúc khí đốt từ Mỹ chưa thật hiện hữu ở châu Âu thì không nên để lại khoảng trống sau lưng người tiêu dùng về nguồn cung khi mà mùa đông lạnh giá luôn rập rình và hơn nữa Nga và Mỹ đều là những nhà cung cấp dầu khí lớn trên thị trường thế giới, sẽ là không có lợi cho cả hai nếu thị trường chao đảo cả theo chiều giá quá thấp hoặc quá cao. Tổng thống Nga cũng cam kết sẽ bảo đảm lượng khí trung chuyển qua Ukraine sau năm 2019 với một điều kiện các tranh chấp pháp lý giữa hai bên phải được giải quyết ổn thỏa.

Trả lời phóng viên AP về sự can thiệp của Nga vào bầu cử tại Mỹ, chính ông D.Trump đã trả lời ông luôn đặt câu hỏi cho các điều tra viên, rằng máy chủ đặt ở đâu? và tại sao họ lại nghi cho người Nga? Tổng thống Mỹ cho rằng vẫn còn có điều gì đó chưa thật rõ ràng, cũng giống như vụ bà Hilary Clinton làm lộ thư tín mà rồi cũng không hề có lời giả đáp cụ thể nào. Về vấn đề này, Tổng thống Nga cũng cho rằng giữa Nga và Mỹ đã ký kết thỏa thuận về hỗ trợ tư pháp và Moskva sẵn sàng tạo điều kiện cho các chuyên gia của Washington đến Nga để điều tra về vụ việc này…

Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014 đã là lý do để Mỹ và phương Tây áp lệnh trừng phạt lên Moskva. Tại cuộc họp báo, bất đồng về vấn đề này giữa hai siêu cường vẫn không được tháo gỡ. Và như lời của người đứng đầu Điện Kremlin thì: “Cũng giống như ông D.Trump, tôi đại diện cho nước Nga nên phải bảo vệ quyền lợi cho dân tộc mình và ngược lại. Tuy nhiên, giữa Mỹ và Nga vẫn có những điểm chung cần phải được hóa giải”.

Trước khi cuộc họp báo kết thúc, Tổng thống Nga đã tặng Tổng thống Mỹ quả bóng World Cup với những lời chúc đầy ẩn ý (vì năm 2026 Mỹ sẽ đồng đăng cai World Cup).
 

Tổng thống Nga đến cuộc gặp bằng chiếc xe “Made in Russia”

Nước Nga vừa mới tổ chức một kỳ World Cup mà như lời Chủ tịch FIFA Gianni Infantino kết luận là “thành công nhất trong lịch sử của giải đấu này” và ngay cả Tổng thống Mỹ cũng đã chúc mừng Tổng thống Nga về kết quả ngoài cả mong đợi. 

Không những thế, lần đầu tiên ông V.Putin còn đi công du nước ngoài bằng chiếc xe “Kortezh” hạng sang do chính nước Nga sản xuất. Dường như ông chủ Điện Kremlin cũng muốn truyền tải một thông điệp rằng nước Nga “vẫn sống khỏe” trước các lệnh cấm vận?

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi