Năm 2013, tôi có chuyến công tác tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Chạy xe đưa tôi đi trên con đường đất đỏ, men theo những vườn tiêu chạy dài… ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết: Giá tiêu hiện khá cao, có thời điểm lên tới 160.000 đồng/kg. Nhiều người trồng tiêu sau vài năm tiêu được giá, nay đã trở thành tỷ phú.
Người trồng tiêu lao đao vì giá thu mua liên tục giảm |
Mừng là vậy, nhưng ông Bính không giấu được sự lo ngại: “Bà con nhiều xã đang đổ xô mở rộng diện tích trồng tiêu. Tôi e cứ đà này, cung chả mấy sẽ vượt cầu, chưa kể tiêu là dạng cây thân mềm, trồng nhiều mà không chăm sóc kỹ lưỡng, tiêu có thể đổ bệnh mà chết hàng loạt”.
Ông Bính là người đầu tiên mang cây hồ tiêu về trồng ở Chư Sê cũng là người rất có kinh nghiệm đối với việc chăm sóc tiêu, nên những điều ông nói đã sớm trở thành hiện thực. Năm 2016, trở lại Chư Sê, tôi đã được tận mắt chứng kiến những vườn tiêu cằn cỗi, nhiều vườn tiêu chết mòn vì nhiễm bệnh. Kết thúc năm 2017, con số thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khiến nhiều người không khỏi giật mình: Diện tích hồ tiêu năm 2017 đạt 152.000 héc-ta, trong khi theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của cả nước, mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030, diện tích hồ tiêu nước ta chỉ ở mức 50.000 héc-ta. Như vậy diện tích trồng tiêu hiện đã gấp hơn 3 lần quy hoạch ban đầu.
Và hậu quả của việc trồng tiêu ồ ạt đã hiện hữu: Giữa năm 2017, giá thu mua hồ tiêu bắt đầu sụt giảm, chỉ còn 77.000 đồng/kg – bằng một nửa so với đầu năm 2017. Đến tháng 8/2018, người trồng tiêu bắt đầu lo ngại khi giá thu mua hồ tiêu chỉ còn xấp xỉ 50.000 đồng/kg – bằng với giá thành sản xuất. Thực tế, câu chuyện giá hồ tiêu “tuột dốc không phanh” đã được đề cập khá nhiều trong suốt hơn một năm qua. Để giải quyết vấn đề đáng lo ngại này, theo ông Hoàng Phước Bính, cần tổ chức lại sản xuất và tăng cường kết nối trong chuỗi giá trị thay vì sản xuất đơn lẻ “hộ nào biết hộ nấy”. Như vậy, người trồng tiêu sẽ dễ dàng chia sẻ thông tin, phương pháp canh tác, cách đối phó dịch bệnh...
“Các hộ nên thành lập tổ canh tác hoặc hợp tác xã để khi có vấn đề gì xảy ra các cơ quan chức năng dễ giải quyết hơn. Đặc biệt, khi có hợp tác xã hoặc tổ canh tác, việc kết nối đầu ra cho tiêu cũng như nguyên liệu đầu vào sản xuất sẽ có giá tốt hơn” – ông Bính nhấn mạnh.
Rõ ràng, cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp – sự được – mất của hồ tiêu phụ thuộc rất lớn vào người sản xuất. Chính vì vậy, trước mắt, người trồng hồ tiêu nên xem giai đoạn giảm giá mạnh này giống như một cơ hội để cơ cấu, thanh lọc lại vườn tiêu. Thay vì bỏ bê, không chăm sóc, bà con nên chặt bỏ những vườn tiêu sâu bệnh, năng suất thấp; đầu tư chăm bón, đổi mới quy trình chăm sóc cho những vườn tiêu năng suất cao. Đặc biệt, chú trọng đến việc liên kết sản xuất để có được những sản phẩm tiêu sạch đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Được biết, thế giới đang có xu hướng tăng nhu cầu thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên sản phẩm hồ tiêu cũng cần hướng tới các tiêu chuẩn này. Thực tế, một số mô hình sản xuất tiêu hữu cơ đã bán được với mức giá tăng gấp 4,5 lần so với giá tiêu thông thường. Với mức giá này, người trồng tiêu vẫn có được thu nhập tốt mà không phải lo ngại chuyện may - rủi khi ồ ạt tăng diện tích.
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn