Cử tri người dân tộc thiểu số phấn khởi tham gia ngày hội non sông

Chủ nhật - 23/05/2021 23:04
Hôm nay ngày 23/5/2021, hòa chung không khí nô nức của nhân dân cả nước, cử tri người dân tộc thiểu số vùng miền núi, hải đảo trên 3 miền đất nước nước cũng phấn khởi tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Mong các đại biểu quan tâm giải quyết vấn đề an sinh xã hội

Sáng nay (23/5), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh đã đến điểm bỏ phiếu số 1, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
 

Cử tri người dân tộc thiểu số phấn khởi tham gia ngày hội non sông

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh bỏ lá phiếu đầu tiên tại điểm bỏ phiếu số 1, phường Hàm Rồng


Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử thị xã Sa Pa, thực hiện bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Sa Pa có 6 đơn vị bầu cử với 120 khu vực bỏ phiếu và gần 40.000 cử tri. Trong đó, điểm bỏ phiếu số 1 tại phường Hàm Rồng có 405 cử tri.

Ngay từ sáng sớm, tại điểm bỏ phiếu số 1 đã có rất đông cử tri là đồng bào DTTS đến để bỏ phiếu. Xen giữa sắc cờ hoa rực rỡ là những bộ trang phục đủ sắc màu của đồng bào dân tộc Mông, Dao… Theo đúng quy định, các cử tri đến tham gia bỏ phiếu đều được hướng dẫn giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét, kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn sát khuẩn tay để phòng, chống COVID– 19.

Là người bỏ lá phiếu đầu tiên tại điểm bỏ phiếu số 1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh rất phấn khởi. Ông đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử của tỉnh Lào Cai nói chung, thị xã Sa Pa nói riêng. “Người dân đến tham gia bầu cử từ sớm, háo hức nhưng nghiêm túc, cho thấy công tác tuyên truyền đã được địa phương làm rất tốt”. Sau khi nghiên cứu kĩ danh sách các ứng cử cử viên, và bỏ phiếu bầu đúng số lượng đại biểu như quy định, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh chia sẻ mong muốn các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ là cầu nối giữa người dân với Đảng và Nhà nước, góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn nhất của người dân, làm cho cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Sinh ra và trưởng thành tại xã Tả Van, thị xã Sa Pa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã có nhiều năm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng của huyện Sa Pa nên ông có rất nhiều trăn trở đối với quê hương mình: “Tôi mong muốn các ứng cử viên trúng cử đại biểu nhiệm kỳ này tại Sa Pa quan tâm, đầu tư giải quyết vấn đề an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Đưa thị xã Sa Pa thực sự trở thành khu vực trọng điểm du lịch không những của tỉnh Lào Cai mà còn là điếm sáng du lịch của cả nước”.

Tây Bắc – đồng bào phấn khởi tham gia thực hiện quyền công dân

Tại các tỉnh Tây Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái…, ngay từ sáng sớm, đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái, Khơ Mú, Hà Nhì… đã có mặt ở những điểm bỏ phiếu trang hoàng cờ hoa rực rỡ của thôn, xã. Trong bộ trang phục truyền thống đặc sắc, cầm lá phiếu trên tay, ai nấy đều phấn khởi thực hiện quyền công dân; sáng suốt để bầu chọn những đại biểu đủ năng lực, trình độ, góp phần gánh vác trọng trách xây dựng đất nước và chăm lo đời sống nhân dân.
 

Cử tri cao tuổi ở Hà Giang có mặt bỏ phiếu từ rất sớm

Cử tri cao tuổi ở Hà Giang có mặt bỏ phiếu từ rất sớm


Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tại các điểm bỏ phiếu đều chuẩn bị dụng cụ đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, khẩu trang y tế để đảm bảo các yêu cầu về phòng dịch. Do được tuyên truyền và hướng dẫn trước đó, nên các cử tri đều thực hiện rất nghiêm túc việc đo thân nhiệt, rửa tay, đeo khẩu trang trước khi tham gia bỏ phiếu.

Đặc biệt, với các tỉnh có nhiều cử tri người dân tộc thiểu số không biết, hoặc không thạo tiếng phổ thông, các tổ bỏ phiếu đều bố trí những cán bộ người dân tộc, hoặc người biết nói tiếng của đồng bào để hướng dẫn bà con thực hiện quy trình bầu cử, nên việc bầu cử diễn ra khá thuận lợi.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi, đồng thời hỗ trợ các công dân thực hiện nghĩa vụ bầu cử của mình, các địa phương, đơn vị đã cắt cử cán bộ mang hòm phiếu di động đến tận các địa điểm, các trường hợp cử tri là người khuyết tật, không có khả năng đến nơi bỏ phiếu; các cử tri thuộc diện cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19; những người bệnh nặng không thể di chuyển đến các điểm bầu cử.

Sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, đã có hơn 2 triệu cử tri người dân tộc thiểu số tại gần 6.000 khu vực bỏ phiếu ở 5 tỉnh Tây Bắc gồm: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái và Lào Cai đã tham gia bỏ phiếu. Nhiều nơi đã đạt tỉ lệ cử tri đi bầu cử lên tới 100%... Do công tác chuẩn bị chu đáo nên kết thúc ngày bầu cử, toàn khu vực Tây Bắc chưa ghi nhận tình huống bất thường nào liên quan đến dịch bệnh, thiên tai, an ninh trật tự...
 

Đồng bào các dân tộc huyện Bắc Hà (Lào Cai) nô nức đi bầu cử

Đồng bào các dân tộc huyện Bắc Hà (Lào Cai) nô nức đi bầu cử


Tây Nguyên – ý thức phòng chống dịch cả những nơi chưa có dịch

Tại khu vực Tây Nguyên, theo danh sách công bố, có hơn 4 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có số lượng cử tri nhiều nhất Tây Nguyên với hơn 1,3 triệu cử tri, thuộc 46 dân tộc sinh sống; Gia Lai, Lâm Đồng có gần 1 triệu cử tri, Kon Tum là tỉnh có số cử tri ít nhất, với khoảng 357.000 cử tri. Trong số các cử tri của Tây Nguyên, cử tri người DTTS trải đều ở các đại phương, thuộc nhiều dân tộc khác nhau.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay cả các địa phương chưa xuất hiện bệnh nhân COVID-19, công tác phòng chống dịch cũng rất được chú trọng. Với các khu vực phong tỏa vì có ca bệnh COVID-19, công tác bầu cử cũng đã được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo. Nhờ đó, không khí bầu cử tại các tổ bầu cử diễn ra rất sôi nổi, nghiêm túc và đúng pháp luật. Tất cả cử tri đi bỏ phiếu thực hiện đúng thông điệp "5K" của Bộ Y tế.
 

Các cử tri khu vực Tây Nguyên giãn cách, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19

Các cử tri khu vực Tây Nguyên giãn cách, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19


Tại xã Liêng Sronh (huyện Đam Rông, Lâm Đồng), địa phương có hơn 2.000 hộ dân; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 76%. Ngoài dân tộc gốc Tây Nguyên, Liêng Sronh còn là địa bàn có nhiều bà con dân tộc thiểu số từ các tỉnh khu vực Tây Bắc di cư tự do vào sinh sống. Trong đó chủ yếu là bà con dân tộc H’Mông, đa phần bà con là người có đạo. Ngoài các thôn ở trung tâm, địa phương này còn có các tiểu khu cách xã gần 70 km. Chính vì vậy, để gần 1.000 cử tri tham gia bầu cử đầy đủ tại 4 tổ bầu cử được thành lập trong các tiểu khu, lãnh đạo huyện Đam Rông, xã Liêng Sronh đã có mặt trong các tiểu khu trước một ngày để động viên, nhắc nhở người dân. Nhờ làm tốt hoạt động tuyên truyền và sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn nên ngày 23/5, bà con đều biết và đi thực hiện quyền cử tri từ rất sớm.

Bắc Trung bộ, Tây Nam bộ - Gửi trọn niềm tin theo những lá phiếu

Cùng với Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Bắc Trung bộ, Tây Nam bộ cũng rất tích cực tham gia thực hiện quyền cử tri 5 năm mới có một lần. Tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, cùng với cử tri các dân tộc anh em trên cả nước, đồng bào Chăm tại các địa phương này cũng đi bầu cử đầy đủ và đặt niềm tin lớn lao vào các đại biểu mà bà con đã lựa chọn. "Đại biểu tôi thấy cũng được, trình độ cũng tốt nhưng mình phải lựa người có tài, có đức. Làm sao Quốc hội, Nhà nước chúng ta quan tâm hơn để đồng bào Chăm chúng tôi được phát triển, đoàn kết"- cử tri Nguyễn Văn Trung, một chức sắc Chăm Bà Ni ở thôn Thanh Kiết, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận – bày tỏ.
 

Đồng bào Chăm ở Bình Thuận tham gia bỏ phiếu

Đồng bào Chăm ở Bình Thuận tham gia bỏ phiếu


Tại Ấp 7, xã Đắc Lua - ấp vùng sâu, vùng xa nhất, thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai - 751 cử tri trên tổng số hơn 1.000 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Tày, Mường… đã nô nức hẹn nhau đến điểm bỏ phiếu ở Trường Tiểu học ở ấp 7 ngay từ sáng sớm để chuẩn bị bỏ phiếu. Ai cũng mong muốn, đại biểu mà mình lựa chọn sẽ là người có trách nhiệm với những lời hứa và thực hiện đúng như chương trình hành động đã trình bày trước cử tri…

Tại ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Toàn ấp có tổng số 2.670 cử tri tham gia bỏ phiếu, trong đó có hơn 1.200 cử tri là người dân tộc Khmer, bỏ phiếu tại 2 tổ bỏ phiếu. Hầu hết cử tri tại ấp Đường Đào có ý thức cao nên ngay từ sáng sớm đã chủ động đến các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Ông Hữu Cưởng, 76 tuổi, dân tộc Khmer cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi đã được các cán bộ tuyên truyền xuyên suốt về Luật bầu cử. Hiểu được nghĩa vụ và quyền lợi của mình nên bà con trong ấp ai ai cũng đi bầu cử. Tôi đã được hướng dẫn về quy trình bỏ phiếu và tôi đã hoàn thành xong quyền công dân của mình. Chúng tôi rất tin tưởng vào chương trình hành động của các ứng cử viên sau khi trúng cử. Họ thực sự là người thay mặt chúng tôi đưa nền kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển một cách toàn diện”.

Có thể nói, so với những lần bầu cử trước đây, nhận thức, ý thức của đại đa số đồng bào về ý nghĩa của việc tham gia bầu cử đã tiến bộ hơn rất nhiều. Không chỉ bỏ phiếu bầu cử, nhiều cử tri còn quan tâm xem tỷ lệ ứng cử viên người dân tộc thiểu số tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của địa phương mình là bao nhiêu. Đồng thời bày tỏ hi vọng về việc, các ứng cử viên này nếu trúng cử sẽ có những hoạt động thiết thực, ý nghĩa góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng cao; nhất là phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri vùng cao đến Quốc hội, Chính phủ...

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi