Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai đồng bộ, hiệu quả

Thứ năm - 12/04/2018 23:44
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017 tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra sáng 12/4.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017
- Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, công tác lập pháp, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chủ trương, chính sách và nhiều giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trên các lĩnh vực đã được triển khai thực hiện đồng bộ và nhất quán hơn từ Trung ương đến địa phương.

Với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt năm 2017 là tập trung thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai, thực hiện nhiều giải pháp THTK, CLP trên các lĩnh vực, nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ nhân dân; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Một số giải pháp tăng cường THTK, CLP được triển khai thực hiện có kết quả trong năm 2017 như thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm ngân sách nhà nước ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán. Đẩy mạnh mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, hạn chế mua sắm ô tô (trừ xe chuyên dùng), trang thiết bị đắt tiền. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vốn vay do Chính phủ bảo lãnh, vay của chính quyền địa phương và vay của doanh nghiệp nhà nước; không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.

Đẩy nhanh thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, thu hồi diện tích nhà, đất sử dụng không đúng quy định. Tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, quyết toán các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, tăng cường quản lý để sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên; tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nguồn nước, khoáng sản, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, đóng cửa rừng tự nhiên.

Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế; quản lý chặt chẽ thời gian lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng công việc và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và đẩy mạnh thoái vốn nhà nước; cải tiến quy trình sản xuất, quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong các lĩnh vực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai kết quả xử lý lãng phí theo quy định của pháp luật.

Chính phủ đã ban hành chương trình hành động để triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật về THTK, CLP; tích cực triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Quyết liệt chỉ đạo xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, thất thoát, có cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm. Rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp kéo dài, liên quan đến tham nhũng, lãng phí; kiên quyết xử lý và đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, lãng phí lớn; thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát.

Với sự lãnh đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, sự nỗ lực, phối hợp của các cơ quan chức năng, nhiều vụ việc tham nhũng, gây lãng phí lớn đã được phát hiện, điều tra, xét xử công khai, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân; công tác thu hồi tài sản bị tham nhũng có tiến bộ.

Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu rõ những kết quả, số liệu cụ thể về THTK, CLP trong xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ; quản lý NSNN; mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng lao động; sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp;...

Thẩm tra về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS), khẳng định, Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản tán thành với các đánh giá, nhận định của Chính phủ về kết quả đạt được trong THTK,CLP năm 2017 và cho rằng, với nỗ lực, quyết tâm cao của cả bộ máy chính trị, công tác THTK,CLP năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thể hiện trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Chương trình THTK,CLP để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp THTK,CLP đồng thời ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị để chấn chỉnh công tác quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp… Đây là những tiền đề cần thiết để đạt những kết quả quan trọng về THTK, CLP năm 2017.

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cơ bản đã được thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm nhiều so với các năm trước; các VBQPPL từng bước được hoàn thiện theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi để triển khai THTK, CLP.

Trong quản lý NSNN, Chính phủ đã sát sao chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ thu, chi NSNN, cơ bản tuân thủ các Nghị quyết của Quốc hội, quy định của Luật THTK, CLP, đẩy mạnh cơ cấu lại thu, chi NSNN; siết chặt kỷ luật tài chính, minh bạch hoá chi tiêu của NSNN; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, trốn thuế, tích cực thu hồi nợ đọng thuế.

Trong công tác quản lý trong mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, nhiều cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước đã triển khai mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; cơ bản, việc mua sắm, sử dụng, thanh lý, điều chuyển phương tiện đi lại và thiết bị làm việc được thực hiện theo quy định; chủ trương khoán kinh phí sử dụng ô tô công bước đầu được triển khai thực hiện, góp phần tiết kiệm NSNN, tạo sự đồng thuận cao trong dư luận và trong nhân dân.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, cân đối, bố trí vốn, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư; ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; chú trọng hơn đến công tác quyết toán các dự án hoàn thành và kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước dự toán...

Chính phủ đã ban hành và thực hiện các đề án nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và xử lý vi phạm về đất; chính sách tài chính về đất đai, chính sách pháp luật về khoáng sản tiếp tục được hoàn thiện hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, khoáng sản; các giải pháp từ rà soát, quy hoạch, cấp giấy phép đến khai thác, sử dụng tài nguyên đã được tổ chức triển khai khá đồng bộ.

Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập trong THTK, CLP năm 2017 trong đó có việc nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị không gửi Chương trình THTK, CLP để Bộ Tài chính tổng hợp, theo dõi. Một số nội dung được nêu trong Báo cáo của Chính phủ nhưng còn khái quát chung, chưa nêu rõ hiệu quả THTK, CLP như THTK, CLP trong xây dựng pháp luật, ứng dụng khoa học công nghệ… Công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt; nợ đọng thuế còn lớn, nợ khó thu gia tăng. Việc giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Tình trạng khai thác khoáng sản, cát, đá, sỏi trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp...

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi