Hiện nay, trước tác động to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai cấp công nhân đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn, trong đó, yêu cầu trí thức hóa công nhân là một đòi hỏi tất yếu để đi lên cùng đất nước trong kỷ nguyên mới.
1.Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã hiện diện và kinh doanh ổn định tại nước ta, như: Samsung, Unilever, Hyundai, Honda, AEON, Canon, Toyota, Lotte Việt Nam, Intel, Foxconn...
Từ một “công xưởng gia công”, Việt Nam đang vươn mình trở thành mắt xích chiến lược và quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chưa kể, các công ty của Việt Nam cũng đang lớn mạnh, dần khẳng định vị thế không chỉ ở trong nước mà còn trên trường quốc tế. Có thể kể ra đây một số doanh nghiệp quy mô lớn, như: VinFast, Viettel, FPT, Thaco, Vinamilk, Hòa Phát...
Dẫn ra một vài doanh nghiệp tên tuổi để đi vào vấn đề đang đề cập, đó chính là những công nhân, kỹ sư đang đóng vai trò là xương sống tại những đơn vị này. Rõ ràng, để có một công việc ổn định trong các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, người lao động phải có trình độ và tay nghề nhất định; đặc biệt, ở những công ty công nghệ, đòi hỏi lại càng cao hơn. Do đó, không có cách nào khác, người công nhân phải trang bị kiến thức, kỹ năng và thường xuyên cập nhật tri thức mới để không tụt hậu với chính bản thân, đồng thời đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại 4.0 ngày càng cao hiện nay.
Thực tế, Đảng ta chính là đội tiên phong của giai cấp công nhân và rất quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại trong điều kiện mới. Quan điểm xuyên suốt là xây dựng giai cấp công nhân hiện đại vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền sản xuất công nghiệp hiện đại gắn với những thành tựu khoa học - công nghệ mới nhất, lao động có năng suất, chất lượng cao, có khả năng hội nhập quốc tế, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hiện nay, giai cấp công nhân Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức, có tay nghề, kỹ năng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đến nay, công nhân nước ta đã có hơn 15 triệu người, chiếm khoảng 15% dân số, 29% lực lượng lao động xã hội, tạo ra gần 70% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Công nhân, lao động nước ta có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lao động, tác phong công nghiệp ngày càng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ về chuyên môn kỹ thuật đạt khoảng 28%, trong đó trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm khoảng 17%, chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao, như dầu khí, điện lực, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ hóa học, sinh học...
2.Lịch sử ghi nhận rằng, đã có những quốc gia công nghiệp hóa mất hàng trăm năm nhưng các nước đi sau, do kế thừa thành quả và có cách làm riêng, đã rút ngắn quãng thời gian này lại. Nước ta hiện đang tận dụng những thành quả khoa học công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Quá trình này, Đảng, Nhà nước nhận thức cần thiết phải xây dựng được đội ngũ công nhân, người lao động có đủ năng lực, phẩm chất vận hành nền công nghiệp hiện đại.
Việt Nam hiện có quy mô nền kinh tế đứng thứ 32 thế giới, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, trong kỷ nguyên mới, để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng: “Chúng ta không thể để đất nước tụt hậu. Chúng ta không thể để dân tộc đánh mất cơ hội”.
Cùng với các lực lượng khác trong xã hội, giai cấp công nhân cần nhận thức rõ lời nhắc nhở của người đứng đầu Đảng ta để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng tay nghề, làm chủ khoa học công nghệ. Đội ngũ công nhân phải nhận thức sâu sắc rằng, khi nền sản xuất xã hội ngày càng phát triển, thiết bị ngày càng được cải tiến, đặc biệt là những thay đổi có tính bước ngoặt như các cuộc cách mạng công nghiệp, chuyển đổi số, công nhân, lao động cần không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, sự sáng tạo. Nếu trình độ chuyên môn nghề nghiệp không bắt kịp, không đáp ứng được công nghệ mới, công nhân sẽ rất khó, thậm chí là không thể bảo đảm việc làm, bảo đảm thu nhập.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng, vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân đến từ địa vị kinh tế - xã hội của họ, nhưng để hoàn thành thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân phải thực sự hiện đại, lớn mạnh và đoàn kết thành một khối thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Với yêu cầu rất cao này, các cấp, ngành, địa phương cần chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, người lao động. Đặc biệt, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục, giúp công nhân, người lao động nhận thức sâu sắc hơn nữa về giai cấp, về Đảng, về tổ chức công đoàn và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Thước đo lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của công nhân, người lao động chính là không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, để thích ứng với điều kiện lao động trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, cần giáo dục, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức chính trị của công nhân, không ngừng phấn đấu vì việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn của chính mỗi công nhân, vì sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp, sự phồn vinh của đất nước.
Tựu trung, để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, cần đặt trong mối tương quan với mục tiêu phát triển đất nước, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nguồn tin: hanoimoi.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn