![10](/uploads/news/2024_06/10_2.webp)
SỸ ĐÔNG
Theo chị Nga, tăng lương là điều đáng mừng, nhưng với những công chức có thâm niên cao như chị lại lo nhiều hơn. "Tôi đọc báo thấy sẽ bỏ nhiều khoản phụ cấp, lương trả theo vị trí việc làm sẽ tính như thế nào? Hiện lương chưa tăng mà giá cả đã tăng, từ tiền điện, tiền nước, thực phẩm... đều tăng. Điều này phần nào ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, chi tiêu của những người làm công ăn lương, không có nguồn thu nào khác chỉ trông chờ vào lương. Giá cả tăng cao, lương tăng thấp thì coi như tăng lương không có ý nghĩa gì", chị Nga chia sẻ.
Không chỉ viên chức, người lao động mong chờ tăng lương, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp cũng lúng túng chưa biết phương án triển khai lương mới. Ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Ninh, bày tỏ: "Các đơn vị tự chủ tài chính như chúng tôi lo nhất, bởi theo thay đổi cơ chế tiền lương, ngân sách nhà nước sẽ không cấp bổ sung, vậy không rõ sẽ được tính như thế nào, phê duyệt ra sao? Bộ Nội vụ cần thông tin sớm cho các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác".
Cần sớm có hướng dẫn
Chia sẻ với băn khoăn của các đơn vị tự chủ tài chính hoặc tự chủ một phần tài chính, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng việc tăng lương sẽ là một thách thức không hề nhỏ đối với các đơn vị này. Lương tăng thì chi phí sẽ tăng lên, điều này có thể làm khó cho các đơn vị.
"Các đơn vị sự nghiệp cần chủ động trong điều hành, quản lý nhằm tăng thu phục vụ cho việc tăng lương. Trong trường hợp các đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn, không có nguồn thu, không thể cân đối tăng lương thì nhà nước cần can thiệp, đưa ra các giải pháp hỗ trợ. Có thể cho vay trả lương, hỗ trợ chi phí đầu tư công để doanh nghiệp ổn định hoạt động, tăng thu ngân sách, từ đó lấy tiền đó đầu tư cho tăng lương", ông Lợi phân tích, đồng thời lưu ý nhà nước cũng cần phải có giải pháp tích cực trong việc kiểm soát giá, chống việc tăng lương 1 nhưng giá cả tăng 10 lần.
Bên cạnh các giải pháp trên, TS Bùi Sỹ Lợi cũng nhấn mạnh tới việc cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, để tạo được nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương. Đây cũng là cách để nâng cao năng suất lao động trong khu vực công, loại bỏ những công chức không hoàn thành nhiệm vụ, có năng lực yếu kém.
"Chắc chắn sẽ phải tăng lương cho công chức, viên chức, không thể lùi lại. Tuy nhiên, đối với các đơn vị tự chủ tài chính hoặc tự chủ một phần sẽ cần phải tính toán lại cho phù hợp. Với các đơn vị đang gặp khó khăn, trước mắt có thể tạm thời tính theo mức cũ, tức là lương mới sẽ không thấp hơn so với khi chưa thực hiện cải cách tiền lương, chờ khi có văn bản hướng dẫn sẽ điều chỉnh và truy lĩnh", ông Lợi nêu ý kiến.
Liên quan vấn đề tiền lương, mới đây, tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) đề nghị Chính phủ quan tâm việc điều chỉnh tăng tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương để các địa phương có cơ sở xây dựng các dự thảo văn bản sửa đổi các chế độ, chính sách đã ban hành đang lấy mức lương cơ sở làm căn cứ tính. Đại biểu Khánh đề nghị các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chế độ chính sách cho người hưởng lương, đảm bảo thực hiện đồng bộ ngay từ ngày 1.7.