Xử lý người đứng đầu để xảy ra tham nhũng
Tại buổi họp báo, ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tổng hợp (Thanh tra Chính phủ) cho biết, trong quý II/2016, toàn ngành đã đã triển khai gần 2.000 cuộc thanh tra hành chính và gần 85.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm hơn 8.000 tỷ đồng, 860 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 7.000 tỷ đồng và hơn 500 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với hơn 200 tập thể; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 19 vụ, 31 đối tượng.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, trong quý II/2016, có 4 trường hợp người đứng đầu ở Quảng Ngãi và Tây Ninh bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 2 người, xử lý hình sự 2 người.
Về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kết quả kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng chống tham nhũng đều được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra 782 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 19 đơn vị vi phạm.
Nhiều nội dung báo chí quan tâm được làm rõ
Chia sẻ về việc một số kết luận thanh tra được ban hành chậm hay có độ chênh về thời gian giữa thời gian ký kết luận và thông báo kết luận, Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh cho biết, về vấn đề này, TTCP cũng như Thanh tra các bộ, ngành, địa phương cũng rất quan tâm.
Theo quy định của pháp luật, sau 15 ngày dừng thanh tra tại đơn vị có báo cáo kết luận, sau 15 ngày có kết luận và sau 15 ngày có quyết định và công bố quyết định; bên cạnh đó, cán bộ thực hiện tổng hợp báo cáo còn hạn chế về năng lực hay việc phối hợp lấy ý kiến giữa các cơ quan có liên quan còn chưa xuyên suốt. Do vậy, tới đây sẽ nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa Luật để phù hợp với thực tiễn từng cuộc thanh tra.
Trong hoạt động thanh tra, các kết luận của cơ quan thanh tra phải được thủ trưởng cơ quan cùng cấp có ý kiến đồng ý với những kiến nghị xử lý (hành chính, tài chính, cơ chế chính sách) sau đó ban hành quyết định và có văn bản đồng ý với kiến nghị của cơ quan thanh tra. Khi đó mới được công khai và có hiệu lực. Tới đây, ngành Thanh tra cũng sẽ có những giải pháp để khắc phục được tốt hơn.
Bảo đảm an ninh trật tự ở các trụ sở tiếp công dân
Về tình hình an ninh trật tự ở các trụ sở tiếp công dân trong thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ cho biết: Trong quý II/2016, tại trụ sở Tiếp công dân Trung ương liên tiếp xảy ra sự việc mất an ninh trật tự, đặc biệt có trường hợp một cán bộ tiếp dân bị chém trọng thương.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Điệp cho rằng việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở các địa phương còn nhiều hạn chế, công tác tuyên truyền vận động chưa tốt dẫn đến người dân khiếu nại vượt cấp, gây áp lực lớn cho các cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Trung ương. Đồng thời, một số đối tượng xấu lợi dụng tình hình đó đã có những hành vi kích động, trái pháp luật ở các trụ sở tiếp dân.
Trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC), cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tiếp 80.506 lượt công dân với 39.842 vụ việc; có 1.192 đoàn đông người.
Kết quả, đã giải quyết 5.427/8.527 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền (đạt 64%), trong đó, TTCP kiểm tra, xác minh, kết luận và có 13 báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vụ việc KN, TC, phản ánh của công dân, tổ chức; thường xuyên kiểm tra đôn đốc phối hợp với các địa phương và các cơ quan chức năng giải quyết, đặc biệt là các vụ việc đông người. Qua công tác giải quyết KN, TC, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho 224 công dân 16 tỷ đồng, 18 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 76 người.
Phòng chống tham nhũng
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, theo ông Lĩnh, toàn ngành đã tổ chức 11.720 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về phòng chống tham nhũng cho 396.108 lượt người; duy trì việc tuyên truyền các quy định về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản 9.582 đầu sách, tài liệu về pháp luật phòng, chống tham nhũng... Qua thanh tra, giải quyết KN, TC, ngành Thanh tra đã phát hiện 7 vụ, 8 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Các cơ quan cảnh sát điều tra đã thụ lý điều tra 148 vụ, 354 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.
Những việc sẽ làm trong quý III
Quý III, TTCP dự kiến triển khai các cuộc thanh tra: Thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước và quản lý các dự án đê điều của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong phòng, chống buôn lậu; đầu tư mua sắm tài sản của Tổng cục Hải quan; thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh: Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Thuận trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN, TC và phòng, chống tham nhũng.
Đối với công tác giải quyết KN, TC, tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư KN, TC, phản ánh, kiến nghị của công dân, đặc biệt trong thời gian diễn ra các kỳ họp của Trung ương Đảng, Quốc hội; tập trung giải quyết KN, TC, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; chú trọng việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Thực hiện tốt việc điều phối hoạt động của các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương; tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, KN, TC; kiểm tra kết quả thực hiện các quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý về TC và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia giải quyết KN, TC.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; hoàn thành dự thảo sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng; tiếp nhận, xử lý đơn thư TC tham nhũng; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin và phát hiện, xử lý tham nhũng.
Đồng thời, đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng. Triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về KN, TC và phòng, chống tham nhũng....
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn