Có những con đường mang tên người anh hùng…
Một nhà văn có tên tuổi khi đi dạo trên đường phố của thị xã Lào Cai chợt phát hiện ra một tên đường khá “lạ” - đường Phạm Xuân Huân.
Anh hùng liệt sĩ Phạm Xuân Huân sinh năm 1948 tại xã Việt Hoà, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương. Tháng 4/1968, ông chia tay bà Đáng vợ ông (khi ấy là người yêu) nhập ngũ lên đường đi B chiến đấu. Ông đã chiến đấu rất dũng cảm trên chiến trường miền Nam và chiến trường Lào trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bom đạn và gian khổ đã không thể làm gì được anh bộ đội dũng cảm ấy.
Mãi tới năm 1977, ông mới hoàn thành nhiệm vụ ở nước bạn Lào và trở về Việt Nam. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi của ông và bà Đáng đã đơm hoa kết trái cho vợ chồng ông bà một người con gái tên là Thu Hà. Thế rồi ông lại tiếp tục cùng đồng đội lên biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc. Lần gặp vợ và con gái cuối cùng của ông là khi chị Hà mới có 8 tháng tuổi.
Ngày 28/2/1979 tại biên giới phía Bắc, Trung úy Phạm Xuân Huân hy sinh khi anh đang là Đại đội trưởng đại đội 10, tiểu đoàn 6, trung đoàn 148, sư đoàn 316 Quân khu 2. Trải qua những trận chiến đấu ác liệt, Phạm Xuân Huân đã tiêu diệt 45 tên địch và anh dũng hy sinh. Ngày 20/12/1979, anh được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chồng hy sinh khi mới 25 tuổi, bà Đáng ở vậy cho tới bây giờ để thờ chồng và nuôi con khôn lớn.
Phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, có một con đường nhỏ mang tên Đỗ Chu Bỉ. Người anh hùng ấy không sinh ra ở Quảng Ninh, nhưng anh đã hy sinh vào những ngày đầu năm Kỷ Mùi 1979 tại Hoành Mô, Bình Liêu, Quảng Ninh. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Chu Bỉ khi đó mới 28 tuổi.
Quê anh ở Nam Sách, tỉnh Hải Dương, gia đình đã có hai người anh trai đi B, nên anh Bỉ không thuộc diện phải nhập ngũ. Thế nhưng năm 1970, anh vẫn viết đơn xin tình nguyện vào Nam chiến đấu. Sau ngày giải phóng, do thành tích chiến đấu xuất sắc tại chiến trường miền Nam, anh được cử đi đào tạo Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) và được điều về Hoành Mô làm Đại đội phó Đại đội 6, Đồn 207 Công an vũ trang Quảng Ninh (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô) với quân hàm thiếu úy.
Ngày 1/3/1979, Đỗ Chu Bỉ trực tiếp chỉ huy giữ chốt A1, vị trí án ngữ tuyến đầu, cách biên giới 300m, cách đồn biên phòng Hoành Mô 400m. Ở vị trí quan trọng như vậy, để chiếm vị trí chốt A1, địch đã tập trung pháo binh các loại, bắn liên tiếp suốt 1 tiếng đồng hồ. Pháo vừa dứt, 4 tiểu đoàn địch ào ạt xông lên. Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chỉ huy phân đội dùng lưỡi lê, lựu đạn, báng súng đánh giáp lá cà, đẩy địch ra khỏi chiến hào, khiến cho chúng thiệt hại nặng nề. Bị thương vào tay, vào sườn, anh vẫn không rời trận địa.
Cuộc chiến đấu kéo dài, ngày càng ác liệt, trời lại mưa, chiến hào lầy lội, anh đã chỉ huy đưa thương binh, tử sĩ sang chốt A2, tiếp tục bảo vệ chốt A1. Địch liên tiếp phản công, anh đã kiên cường bám trụ, chiến đấu và hy sinh tại mặt trận. Ngày 19/12/1979, Đỗ Chu Bỉ được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Anh hy sinh khi còn chưa kịp lập gia đình…
Có những nỗi đau chỉ dành cho người ở lại…
Năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định đặt tên cho một con đường nhỏ rợp bóng cây xanh ở phường Hương Sơ là Lê Minh Trường. Có lẽ hàng ngày nhiều người dân đi qua con đường ấy chưa được biết câu chuyện về anh.
Anh hùng liệt sĩ Lê Minh Trường, chiến sĩ Đại đội 5, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lạng Sơn (nay là bộ đội biên phòng Lạng Sơn), hy sinh anh dũng khi bảo vệ pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn trong ngày 17/2/1979 khi chỉ mới 19 tuổi và còn ấp ủ rất nhiều khát vọng, trong đó có ước mơ về một mái ấm nhỏ cho riêng mình… Bố anh, Đại úy Hồng Minh Kỳ (tên khai sinh là Lê Thái) đã hy sinh tại Hướng Hóa (Quảng Trị) trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh ngày 16/2/1968.
Ngày 17/2/1979, trong trận chiến ác liệt không cân sức bảo vệ pháo đài Đồng Đăng, binh nhất Lê Minh Trường đã tiêu diệt 2 xe tăng và 10 tên địch, cùng đồng đội diệt hàng trăm tên khác và anh dũng hy sinh. Anh đã được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 19/12/1979, Binh nhất Lê Minh Trường đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2014, mẹ anh, cụ bà Nông Thị Duyên được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Và còn nhiều những con đường trong lòng nhân dân…
Ở một số nghĩa trang liệt sĩ tại khu vực biên giới Lào Cai, có những ngôi mộ của các nữ thanh niên xung phong hy sinh kể từ thời khắc 17/2/1979. Đa số các chị đều quê ở Hà Nam Ninh (lúc đó hình thành do sáp nhập ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình). Thời điểm những năm 1977, 1978, tỉnh Hà Nam Ninh là tỉnh kết nghĩa với Hoàng Liên Sơn (được thành lập vào ngày 27/12/1975 trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái) và có rất nhiều nữ thanh niên xung phong Hà Nam Ninh tình nguyện lên biên giới thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Khi diễn ra cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc, hơn 1.200 đội viên thanh niên xung phong của tỉnh Hà Nam Ninh khi đó đã được biên chế thành 6 đại đội làm nhiệm vụ ở 6 huyện biên giới của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Nhiều nữ thanh niên xung phong đã chiến đấu anh dũng và hy sinh ở độ tuổi 17, 18.
Có những chị chưa một lần biết yêu, có những ngôi mộ cho tới hôm nay vẫn chưa xác định được danh tính nhưng tên của các chị đã trở thành những con đường trong trái tim của nhân dân.
Việc đặt tên phố theo tên những người anh hùng hy sinh trong chiến tranh biên giới 1979 là những nén tâm hương chân thành nhất để các anh hùng, liệt sĩ của chúng ta tiếp tục sống mãi trong lòng những người ở lại. Để những ký ức lịch sử không bao giờ bị lãng quên...
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn