Chương trình ‘nền kinh tế số hoá’ của Chính phủ Nga

Thứ ba - 08/08/2017 00:11
Nền kinh tế số hóa đang trở thành định hướng chiến lược số một của LB Nga. Để chuẩn bị cho mục tiêu này và trên cơ sở đó xây dựng chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, Tổng thống Nga đã tổ chức một số nhóm độc lập và một trong số đó là nhóm của cựu Bộ trưởng Tài chính Aleksey Kudrin, hiện là lãnh đạo Trung tâm Soạn thảo chiến lược.
Ảnh minh họa

Bản báo cáo do Trung tâm này đệ trình lên Tổng thống được các chuyên gia đánh giá cao với những số liệu cụ thể sau đây.

Cứ 10.000 lao động chỉ có 2 robot đa năng

Sự tụt hậu về mặt công nghệ so với các nước phát triển đang khiến LB Nga đánh mất dần uy thế là cường quốc về mặt công nghệ. Hiện nay, tỷ trọng các doanh nghiệp có liên quan đến đổi mới, sáng tạo về mặt kỹ thuật và công nghệ mới chỉ chiếm 8,3%  nền kinh tế trong khi đó tại Đức con số này là 55%, Italy là 41,5%.

Hiện nay tại Nga cứ 10.000 lao động thì chỉ có 2 robot đa năng, còn tại Hàn Quốc là 448, tại Đức là 292 và tại Mỹ là 164.

Về mặt nhân lực, sự già hoá dân số đang và sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế LB Nga. Nếu vào những năm 1970, tỷ lệ người về hưu/người đang đi làm là 1/4, thì năm 1989 tỷ lệ này đã tụt xuống còn 1/3 và đến năm 2019 cứ 2 người đi làm sẽ phải “gánh” 1 người về hưu, con số này còn có nguy cơ giảm xuống 1/1,5 vào năm 2044.

Để đạt được mục tiêu mà chương trình cho giai đoạn 2018-2024, bản báo cáo đã đưa ra 3 định hướng ưu tiên là phát triển kỹ thuật công nghệ, đầu tư cho nhân lực và tạo dựng một bộ máy nhà nước hiện đại.

Theo số liệu đánh giá của Công ty nghiên cứu quốc tế McKinsey, thì tỷ trọng số hoá trong nền kinh tế Nga còn khá thấp, mới chỉ chiếm khoảng 3,9% GDP. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2015, nếu tăng trưởng GDP chỉ có 7% thì quy mô số hoá trong toàn bộ nền kinh tế tăng thêm 59% - tương đương với 1,2 nghìn tỷ rub.

Với tiềm năng của mình, theo các chuyên gia của McKinsey, thì quy mô số hoá nền kinh tế của Nga từ mức 3,2 nghìn tỷ rub (tương đương với 3,9% GDP) vào năm 2015 hoàn toàn có khả năng đạt mức 9,6 nghìn tỷ rub (tương đương với 9-10% GDP) vào năm 2025.

Theo Tổng thống V.Putin, trong những năm qua nhờ được chú trọng đầu tư cho cơ sở hạ tầng mà tỷ lệ người sử dụng internet tại Nga đạt 73% dân số (kém hơn không đáng kể so với mức 82% tại Đức, Thuỵ Điển, Anh, Pháp và Italy). Mức phí sử dụng internet cũng thấp hơn khoảng 44% so với các nước Tây Âu. Tốc độ internet bình quân đạt mức 12Mbit/s – còn cao hơn tại Pháp và Italy. Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh là 60%, còn tại EU là 62%.

Những số liệu nêu trên cho thấy tiềm năng số hoá nền kinh tế Nga là không thể phủ nhận. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu số hoá mà điện Kremlin kỳ vọng.

Nếu tại các nước EU, kinh doanh qua mạng internet chiếm 7% quy mô thương mại, thì tại Nga chỉ là 4%. Có 55% người mua hàng tại EU thực hiện các giao dịch mua bán trực tuyến, con số này tại Nga chỉ là 23%. Có 77% số doanh nghiệp tại EU có website riêng, tại Nga thì chỉ có 43%.

Tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng hệ thống công nghệ thông tin để giao dịch với khách hàng (CRM-System) tại EU là 33%, còn ở Nga mới chỉ là 10%.

Sự tụt hậu về số hoá thể hiện rõ nhất trong một số ngành kinh tế then chốt của Nga (theo số liệu của McKinsey) so với EU như, trong lĩnh vực dầu khí thua kém 54%, vận tải và kho tàng là 56% và khai khoáng là 66%.

Phải có ít nhất 10 công ty công nghệ hàng đầu

Để hiện thực hoá chủ trương của Điện Kremlin về số hoá nền kinh tế, cuối tháng 7 vừa qua Thủ tướng D.Medvedev đã ký quyết định thông qua chương trình “Nền kinh tế số hoá” đến năm 2024 mà mục tiêu chính yếu của chương trình này (theo lời của ông D.Medvedev ) là ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo dự án này thì đến năm 2024 tại Nga phải có ít nhất 10 công ty công nghệ hàng đầu có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, có khoảng chục cơ sở có hạ tầng công nghiệp kỹ thuật số mà cụ thể là các tổ chức y tế và các thành phố thông minh...

Ngoài ra phải có không ít hơn 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng kỹ thuật số để thực hiện sản xuất kinh doanh của mình. Dự án cũng dành những ưu đãi đáng kể cho các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực này. Cùng với đó là mục tiêu đến năm 2024 các trường đại học phải cung cấp cho thị trường khoảng 120.000 kỹ sư công nghệ thông tin.

Nước Nga dường như đang hối hả với mục tiêu số hoá nền kinh tế một cách toàn diện. Chính Tổng thống V.Putin cũng đã khẳng định: “Việc tạo dựng nền kinh tế số hoá – đó là vấn đề an ninh quốc gia, vấn đề độc lập của dân tộc và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Nga...”.

Với tiềm năng sẵn có và với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kỳ vọng của Điện Kremlin có lẽ không phải là không có cơ sở.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi