Chung một quyết tâm, nỗ lực cùng Chính phủ

Thứ hai - 02/04/2018 02:50
Phát biểu tại Hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng ngày 30/3, đại diện các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp đều thống nhất nêu rõ quyết tâm trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh để góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

 

Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quyết tâm của các địa phương

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, tăng trưởng GRDP quý I của Thành phố đạt khá, tăng 7,64% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,4%). Trong đó khu vực dịch vụ tăng 7,98%, công nghiệp xây dựng tăng 7,25%, nông nghiệp tăng 8,83%. Thành phố cũng thu hút hơn 2 triệu lượt khách du lịch.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 65 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Có 8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 100 nghìn tỷ đồng. Thu hút vốn FDI đạt 1,28 tỷ USD. Thu ngân sách quý I đạt hơn 90 nghìn tỷ.

Trong những tháng còn lại, TPHCM sẽ quyết liệt triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, mới đây Thành phố đã có 5 nghị quyết cụ thể như về đề án phân cấp, ủy quyền cho các sở ban ngành, UBND các quận huyện.

Cùng với đó là tập trung quyết liệt thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, tập trung rà soát các quy hoạch, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh. 

“Kinh nghiệm 10 năm qua cho thấy tăng trưởng GRDP của Thành phố quý sau sẽ cao hơn quý trước từ 0,3 đến 0,4%, cả năm phấn đấu đạt mức tăng trưởng 8,3-8,5%”, ông Lê Thanh Liêm cho biết.

Lãnh đạo các địa phương khác cũng báo cáo các kết quả khả quan trong quý I, như Quảng Ninh tăng trưởng GRDP đạt 9,3% (tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2017).

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết tỉnh đã đặt ra 3 phương án tăng trưởng cao, thấp, trung bình và phấn đấu đạt tăng trưởng cao từ 10,3-10,5%. Tỉnh cũng sẽ nỗ lực thu nội địa đạt 30 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với 2017; nguồn vốn xã hội hóa xấp xỉ 67 nghìn tỷ đồng và lượng khách du lịch 12 triệu lượt, tăng 22%.

Một trong những kiến nghị của Quảng Ninh là các cơ quan chức năng điều hành việc xuất nhập khẩu than vừa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vừa tạo điều kiện cho Tập đoàn Than – Khoáng sản. “Ngành than chỉ chiếm 18% GRDP của tỉnh nhưng liên quan tới hàng chục nghìn lao động và gia đình của họ, chiếm khoảng 30% dân số của tỉnh”, ông Long cho biết. Một nhiệm vụ trọng tâm khác của tỉnh Quảng Ninh thời gian tới là xây dựng đề án về khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn để trình Quốc hội thông qua để tạo đột phá trong phát triển.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh - địa phương đang phấn đấu thành TP trực thuộc Trung ương, cho biết trong năm ngoái, Công ty Samsung đã tăng trưởng sản lượng rất mạnh nên năm nay doanh nghiệp này khó có thể duy trì tăng trưởng như vậy. Tỉnh dự kiến mức tăng trưởng GRDP khoảng 10,5%, nhưng nỗ lực phấn đấu vượt lên khoảng 11,5%, nếu không có bất ngờ xảy ra.

Lãnh đạo Bắc Ninh cũng cho biết thông tin đáng mừng là có 63,9% doanh nghiệp trong tỉnh nói tình hình sản xuất kinh doanh là khả quan, 25% nói ổn định, chỉ có 10% khó khăn. Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cải cách  hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tương tự, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho hay trong tháng 3, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng tới 48%, tính chung 3 tháng tăng 8,3%. Lượng khách du lịch đạt 1,5 triệu, tăng 11,4% so với cùng kỳ…

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho hay ngày hôm qua (29/3) vừa có cuộc gặp với 500 doanh nghiệp. “Tinh thần các doanh nghiệp nhìn chung là phấn khởi, có doanh nghiệp ngay từ ngày mùng 6 Tết người lao động đã đi làm 100%”, ông Trì nói và kiến nghị một số nội dung như bổ sung tỉnh vào quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, điều chỉnh phát triển các khu công nghiệp…; đồng thời đề nghị cơ quan chức năng quan tâm thêm chính sách phát triển công nghiệp ô tô…

Ghi nhận các kiến nghị này, tuy nhiên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý tỉnh cần chủ động hơn, bởi ví dụ, “việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì không cấm”. 
 

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Doanh nghiệp mong muốn được đối thoại nhiều hơn

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết trong quý I, xuất khẩu ngành dệt may khoảng 7,8 tỷ USD.  Riêng Tập đoàn xuất khẩu hơn 600 triệu USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm sẽ xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD, tăng 9%.

Ông Tân nhấn mạnh Tập đoàn sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường, tận dụng tốt nhất cơ hội từ Hiệp định CPTPP.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Vũ Đức Giang thì cho rằng vừa qua, Chính phủ, các bộ ngành đã tháo gỡ nhiều khó khăn về chính sách, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa thuận lợi.

“Chẳng hạn như với bông nhập khẩu từ các vùng có nguy cơ dịch cao, chúng ta kiểm tra tới 50% các lô hàng, nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp thì hầu như không phát hiện gì, nên chúng tôi kiến nghị giảm tỷ lệ phải kiểm tra”, ông Giang nói.

Cùng với đó, ngành dệt may đang có điểm nghẽn ở khâu dệt và nhuộm. “Một vấn đề là khi các doanh nghiệp đầu tư may thì các địa phương rất chào đón, nhưng lại e dè khi doanh nghiệp muốn đầu tư vào dệt và nhuộm vì sợ ô nhiễm. Trong khi hiện nay công nghệ xử lý nước thải đã rất tốt, lãnh đạo các địa phương nếu không tin có thể xuống tận nơi xem họ thả cá trong nước thải thế nào”, ông Giang nói và cho rằng nếu không tạo điều kiện cho dệt nhuộm, chủ động nguồn nguyên liệu, thì ngành dệt may Việt Nam khó có thể nâng cao giá trị gia tăng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, cho biết năm 2018 ngành cố gắng đạt mức xuất khẩu 10 tỷ USD, trong đó ngành tôm tăng 26% để đạt 4,8 tỷ USD, các loại hải sản khai thác tăng 22% để đạt 3,3 tỷ USD, riêng ngành cá tra với nhiều khó khăn cũng kỳ vong sẽ tăng từ 10-12%.

Theo ông Nam, kiến nghị đầu tiên của các doanh nghiệp là mong muốn được đối thoại nhiều hơn với các cơ quan. “Những cuộc đối thoại cởi mở vừa qua giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành đã giải quyết được rất nhiều vấn đề”, ông Nam nói.

Hiệp hội này cũng cho rằng, cá nhân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã rất quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như mới tuần trước đã sang châu Âu để giải quyết vấn đề thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.

“Trong triển khai các Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, ở Trung ương đã rất quyết liệt, nhưng chúng tôi kiến nghị về kỷ cương hành chính, việc thực hiện ở dưới. Các văn bản đã sửa đổi thì làm sao thực hiện nhanh hơn”, ông Nguyễn Hoài Nam nói và cho biết một số ví dụ như các kiến nghị của doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội, xử lý nước thải hay việc kiểm tra doanh nghiệp 1 lần theo chỉ đạo của Thủ tướng…

Lắng nghe các ý kiến, trong phần kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, những khó khăn về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Hội nghị ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị tham dự Hội nghị. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp, đề xuất các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi