Hiện nay, cả thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thép. Trong đối cảnh như vậy, Bộ Công Thương sẽ quy hoạch ngành thép thế nào để cân đối cung cầu trong nước, đảm bảo vấn đề môi trường và an sinh xã hội?
Cung cầu
- Thép xây dựng: Với năng lực sản xuất hiện tại, ngành thép Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu trong nước về phôi thép và thép xây dựng.
Tổng công suất theo thiết kế các nhà máy đang hoạt động đạt khoảng 11 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tổng công suất các nhà máy có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm trở lên chỉ ở mức 8 triệu tấn/năm.
Các nhà máy còn lại có tổng công suất khoảng 3 triệu tấn/năm có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu, khả năng cạnh tranh thấp.
Đến năm 2020, Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 6 triệu tấn công suất thép phôi xây dựng có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong nước.
- Thép cuộn cán nóng: Việt Nam mới chỉ có duy nhất dự án Liên hợp thép Formosa Hà Tĩnh với công suất 7,5 triệu tấn, sử dụng lò cao dung tích 4530m3 đã được đầu tư xây dựng. Khi đi vào hoạt động sẽ là khu liên hợp thép đầu tiên tại Việt Nam sản xuất được các sản phẩm thép tấm cán nóng sẽ làm thay đổi diện mạo ngành thép Việt Nam. Tuy nhiên, sự cố tháng 5 năm 2014 và sự cố về môi trường vừa qua khiến dự án đang bị chậm tiến độ.
Ngoài Dự án Formosa, trong thời gian tới, ngành thép Việt Nam không có dự án sản xuất thép tấm cán nóng được triển khai, nhập siêu ngành thép đối với chủng loại này sẽ tiếp tục gia tăng.
Sự cần thiết đầu tư các dự án thép quy mô lớn
Quá trình rà soát Quy hoạch cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Trước đây, do các doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật nên Việt Nam phải kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các Khu luyện thép liên hợp. Đến nay, đã có ba dự án Khu luyện thép liên hợp được cấp Giấy chứng nhận nhận đầu tư là dự án Khu liên hợp Cà Ná (Liên doanh giữa tập đoàn Lion và Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam), dự án Nhà máy thép Guanglian Dung Quất (nhà đầu tư Đài Loan) và dự án của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Gọi tắt là Dự án Formosa). Trong số ba dự án trên chỉ có duy nhất dự án Formosa Hà Tĩnh được triển khai, hai dự án còn lại đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư do không tiến hành triển khai đúng quy định.
Đến nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có đủ năng lực, có thể đầu tư các tổ hợp thép có quy mô lớn mà không cần đến các nhà đầu tư nước FDI.
Đánh giá: Nếu chúng ta không phát triển các dự án Khu liên hợp luyện thép lò cao để sản xuất các loại thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo sẽ có một nghịch lý là sở hữu lượng quặng sắt rất lớn và các chất trợ dung, phụ liệu sản xuất nhưng ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp quốc phòng và đóng tàu phục vụ kinh tế biển lại phụ thuộc hoàn toàn vào thép nhập khẩu với khối lượng lớn. Điều này gây ra tình trạng nhập siêu lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.
ác loại thép sản xuất trong nước có nhiều lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng, không có yếu tố trợ giá. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tiến hành các biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu có trợ giá của nước ngoài. Giai đoạn này là thời điểm thích hợp để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp thép.
Trên cơ sở xem xét các yếu tố cạnh tranh cho thấy, ngành thép Việt Nam có một số lợi thế về cạnh tranh như sau:
- Lợi thế nguồn nguyên liệu đầu vào: Việt Nam có trữ lượng quặng sắt lớn, khoảng 1,3 tỷ tấn, trong đó mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 550 triệu tấn, đã hoàn thành các giai đoạn chuẩn bị đầu tư song chưa thể đưa vào khai thác do công suất các lò cao trong nước còn nhỏ, nhu cầu tiêu thụ quặng sắt không nhiều. Để đảm bảo sự ổn định trong quá trình vận hành, các dự án Luyện thép liên hợp lớn sử dụng quặng sắt nhập khẩu phải dự trữ lượng nguyên liệu tối thiểu cho 90 ngày/365 ngày hoạt động. Vì vậy, nếu sử dụng quặng sắt trong nước sẽ giảm được khối lượng quặng dự trữ, giảm được chi phí vốn lưu động, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Nếu xây dựng được các khu luyện thép liên hợp có công suất 7-10 triệu tấn/năm, mỗi năm chúng ta có thể khai thác được khoảng 15 triệu tấn quặng sắt từ mỏ sắt Thạch Khê và các mỏ sắt khác trong nước. Lượng quặng sắt trong nước đủ dùng cho khoảng thời gian 30 năm. Với giá quặng nhập khẩu hiện nay khoảng 60 USD/tấn thì mỗi năm sẽ đóng góp khoảng 900 triệu USD vào giá trị sản xuất nội địa, tương đương 2 triệu tấn dầu thô theo thời giá hiện nay, đóng góp khoảng 0,3% GDP ( năm 2015, GDP Việt Nam khoảng 193 tỷ USD). Đồng thời, sẽ góp phần hạn chế nhập siêu ngành thép mỗi năm 3-4 tỷ USD, tăng nội lực đất nước, đảm bảo nền công nghiệp quốc phòng vững mạnh.
Ngoài ra, Việt Nam còn có nguồn tài nguyên rất phong phú như: đá vôi, đô lô mít, quặng kim loại màu để sản xuất ferro (Crôm, Ni ken, Măng gan...) là các kim loại phụ trợ cần thiết cho quá trình luyện thép.
- Lợi thế cảng nước sâu: Để đảm bảo hiệu quả kinh tế, các nhà máy thép cán nóng trên thế giới đều được xây dựng với công suất từ 2-3 triệu tấn/năm trở lên tại các vị trí ven biển gần cảng nước sâu để giảm chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm.
Với lợi thế hơn 3.000 km bờ biển và hệ thống cảng nước sâu phong phú, Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng những Khu liên hợp luyện thép cỡ lớn, đảm bảo hiệu quả về kinh tế và an toàn về môi trường tại các khu vực tiềm năng có cảng nước sâu như Nghi Sơn, Dung Quất, Cà Ná...
- Lợi thế nhân công: So với các quốc gia có nền công nghiệp thép phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người thấp. Ngành thép là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, do vậy giá nhân công rẻ là một lợi thế lớn.
- Lợi thế về chi phí vận chuyển và bán hàng: Với mức tiêu thụ thép trên 20 triệu tấn/năm, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ thép lớn trong khu vực Đông Nam Á. Đặc trưng của sản phẩm thép có trọng lượng và kích cỡ lớn cần có hệ thống phân phối rộng khắp. Việc tiêu thụ các sản phẩm thép trong thị trường nội địa với hệ thống đại lý sẵn có của các doanh nghiệp Việt Nam là một lợi thế lớn về bán hàng, chi phí thanh toán chuyển đổi ngoại tệ và vận chuyển so với thép nhập khẩu vào Việt Nam.
Sản lượng phôi thép cả nước năm 2016 ước đạt 8 triệu tấn, trong đó sản lượng phôi thép sản xuất bằng công nghệ lò cao ước đạt 2,5 triệu tấn, sản lượng sản xuất bằng công nghệ lò điện ước đạt 5,5 triệu tấn.
Do vậy, nếu được đầu tư bài bản, chọn đúng hướng đi của các dòng sản phẩm, ngành thép Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh đối với hàng hóa nhập khẩu.
Sau sự cố môi trường biển miền Trung, cử tri cả nước bày tỏ sự lo ngại đối với các dự án sản xuất thép, đặc biệt các dự án thép liên hợp có các lò luyện cốc, Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát, đánh giá về công nghệ và vấn đề môi trường đối với các dự án thép
Về công nghệ
Theo thống kê của Hiệp hội thép thế giới, sản lượng thép thô thế giới năm 2013 là 1.65 tỷ tấn, năm 2014 đạt 1.67 tỷ tấn. Trong đó, công nghệ sản xuất thép từ quặng sắt bằng công nghệ lò cao - lò thổi ôxy chiếm khoảng 70% sản lượng, công nghệ lò điện và các công nghệ còn lại chỉ chiếm khoảng 26 - 30%. Như vậy có thể thấy, sản xuất thép từ quặng sắt sử dụng công nghệ lò cao - lò thổi là công nghệ chính sản xuất thép thế giới hiện nay.
Một thực tế, có hàng trăm tổ hợp thép lớn trên thế giới hoạt động ở cả vùng ven biển hoặc sâu trong lục địa (trong số đó có nhiều nhà máy hoạt động cả trong các thành phố lớn, đông dân cư). Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy đều chưa xảy ra sự cố lớn về môi trường… Các quốc gia phát triển (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...) vẫn phát triển các khu liên hợp luyện cán thép quy mô lớn.
Về môi trường
Với trình độ khoa học, công nghệ và thiết bị luyện gang thép hiện nay, nếu tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định về trong vận hành, hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường đối với các dự án.
Một ví dụ cụ thể như: xung quanh Vịnh Keihin của Nhật Bản (gần thủ đô tokyo) có 3 nhà máy thép hoạt động, tuy nhiên tại khu vực này, người dân vẫn đánh bắt cá để chế biến thành các món an truyền thống (như suhi, cá sống…) phục vụ nhu cầu hàng ngay hoặc thậm chí là xuất khẩu.
Các nhà máy thép của Nhật Bản, Hàn Quốc đều gần trung tâm dân cư. Tuy nhiên, các hoạt động về du lịch, đánh bắt thủy sản, vui chơi giải trí của người dân trong khu vực đều không bị ảnh hưởng.
Vấn đề mấu chốt là các dự án thép phải thực hiện nghiêm túc việc đầu tư, từng khâu công nghệ, cũng như toàn nhà máy phải có đầy đủ các thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, người vận hành phải tuân thủ đúng quy trình vận hành mà công nghệ đã đặt ra. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường máy móc thiết bị để giám sát chặt chẽ các hoạt động xả thải, xử lý chất thải, tránh tình trạng chất thải chưa xử lý triệt để đã thải ra môi trường.
Theo Luật Đầu tư, Luật Xây dựng hiện hành, đối với các dự án thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, Bộ chuyên ngành và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan sẽ trực tiếp thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định công nghệ, môi trường. Chủ đầu tư có trách nhiệm phải tuân thủ kết quả thẩm định. Điều này sẽ khắc phục tình trạng trước đây các Bộ chuyên ngành chỉ dừng ở mức góp ý, giao cho chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật. Do vậy, việc giám sát và quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ được thực hiện chặt chẽ.
Qua sự cố môi trường của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra trong quá trình thực hiện, giám sát chủ đầu tư triển khai dự án (như: quá trình đánh giá tác động môi trường, quá trình cấp phép đầu tư, vận hành thử nghiệm các dự án thép, quá trình quan trắc và giám sát xả thải, kể cả quá trình vận hành thương mại dự án sau này).
Đánh giá: Với trình độ khoa học, công nghệ và thiết bị luyện gang thép hiện nay, nếu tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định về trong vận hành, hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường đối với các dự án.
Vấn đề ở đây là các dự án thép phải thực hiện nghiêm túc việc đầu tư, từng khâu công nghệ, cũng như toàn nhà máy phải có đầy đủ các thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, người vận hành phải tuân thủ đúng quy trình vận hành mà công nghệ đã đặt ra… Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường máy móc thiết bị để giám sát chặt chẽ các hoạt động xả thải, xử lý chất thải, tránh tình trạng chất thải chưa xử lý triệt để đã thải ra môi trường.
Trên thế giới có hàng trăm tổ hợp thép lớn đang hoạt động ở cả vùng ven biển hoặc sâu trong lục địa (trong số đó có nhiều nhà máy hoạt động cả trong các thành phố lớn, đông dân cư). Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy đều chưa xảy ra sự cố lớn về môi trường.
Ngành thép sử dụng nhiều nước, vấn đề về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường nước, Bộ Công Thương cũng tiến hành khảo sát, nghiên cứu vấn đề này, kết quả cho thấy:
- Nước dùng trong một Khu liên hợp sản xuất thép được chia ra theo công năng sử dụng và chất lượng nước như sau:
+ Nước mềm: Được sử dụng làm mát các ống dẫn trong dầm lò nung, làm nguội các vách lò cao, làm nguội gián tiếp cho các thùng dầu bôi trơn... Đặc điểm của lượng nước này là yêu cầu phải xử lý làm mềm rất cao, không tiếp xúc trực tiếp với các nguồn nhiễm bẩn và gần như được thu hồi tuần hoàn để tái sử dụng. Tỷ lệ tái sử dụng đến 99%.
+ Nước làm mát máy móc thiết bị: Được sử dụng phun trực tiếp vào các thiết bị tiếp xúc với các nguồn nhiệt độ cao như các con lăn dẫn phôi nóng, các cửa lò nung, các trục cán phôi, làm nguội gián tiếp thu hồi nước mềm... Do tiếp xúc với nguồn thiết bị nhiệt độ cao để giải nhiệt, tiếp xúc hở với không khí và các nguồn ô nhiễm như xỉ thép, trục máy... nên quá trình tuần hoàn bị bay hơi và bị nhiễm các chất cặn bẩn như dầu mỡ, xỉ thép... Toàn bộ lượng nước này được đưa qua hệ thống tách dầu mỡ, tách cặn lắng và giải nhiệt bay hơi cưỡng bức sau đó tái tuần hoàn sử dụng. Tỷ lệ tuần hoàn tái sử dụng khoảng 94 - 96%, lượng bù do bay hơi. Toàn bộ cặn lắng được tách ra và tái sử dụng làm nguyên liệu cho thiêu kết.
+ Nước làm nguội trực tiếp xỉ lò cao, phôi thép, xỉ lò thổi và bổ sung tạo ẩm cho công nghệ sản xuất: Lượng nước này chủ yếu bơm vào các điểm công nghệ cần làm nguội tức thời như xỉ lỏng lò cao, phôi nóng sau khuôn đúc... để chuyển trạng thái vật liệu từ lỏng sang rắn. Lượng nước phun vào đây gần như bay hơi hoàn toàn. Lượng nước còn lại thu vào bể chứa và lại được tiếp tục bơm tuần hoàn lại để sử dụng. Lượng nước bay hơi sẽ được bổ sung mới.
Bình quân, để sản xuất một tấn thép phải bổ sung khoảng 7-9 m3 nước, tùy cơ cấu chủng loại sản phẩm.
+ Nước sinh hoạt: Sử dụng cho chế biến thực phẩm, dùng cho các bếp ăn, nhà vệ sinh được thu gom qua một hệ thống riêng, xử lý sinh hóa đạt tiêu chuẩn quy định của môi trường. Lượng nước sau xử lý có thể sử dụng bổ sung cho nước làm nguội xỉ lò hoặc tưới cây. Bùn thải trong công đoạn này có thể sử dụng làm phân bón hoặc xử lý như chất thải rắn thông thường.
Toàn bộ nước làm mát, nước sinh hoạt và nước rò rỉ được thu gom và xử lý tuần hoàn toàn bộ, đảm bảo không xả nước thải ra môi trường bên ngoài nhà máy. Lượng nước bổ sung chủ yếu do bay hơi trong quá trình làm mát.
Nguồn tin: www.moit.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn