Chị công nhân thích... sáng tạo

Thứ hai - 11/06/2018 04:48
Hơn 10 năm gắn bó trực tiếp sản xuất trên dây chuyền, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai đã có 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại lợi ích cho Công ty.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai tại nơi làm việc và trong đời thường. Ảnh: VGP

Chị Mai đang là công nhân dệt bậc 2/5, Xí nghiệp Bao bì Vĩnh Tuy (Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Tông Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam).

Năm 2006, chị vào làm việc ở dây chuyền của xí nghiệp. Chị kể, ngày ấy dây chuyền được nhập từ nước ngoài. Để vận hành dây chuyền cần phải có dầu bôi trơn. Loại dầu có tên Silicol được nhập kèm theo dây chuyền. Mỗi lần hết dầu, Xí nghiệp lại phhải đặt hàng mua ở nước ngoài gửi về.

Có thời điểm, đơn hàng không được chuyển về kịp thời, dây chuyền vẫn phải vận hành nhưng thiếu dầu bôi trơn. Tuy nhiên, lực ma sát lớn, dây chuyền liên tục gặp phải sự cố, các sợi dệt hay đứt gãy. Mỗi lần xảy ra sự cố lại phải dừng vận hành, chỉnh sửa ảnh hưởng rất lớn đến năng suất hiệu quả cũng như tâm lý lao động của chị em.

Tại xí nghiệp có hơn 10 lao động nữ trực tiếp vận hành dây chuyền, chị là người gắn bó lâu nhất. Chị tự cảm thấy mình có trách nhiệm với dây chuyền, với xí nghiệp. Ý nghĩ tìm kiếm một loại dầu thay thế cứ ám ảnh người công nhân này mãi. Không am hiểu nhiều về cơ khí, chị liền tìm đến tổ cơ khí hỏi chuyện, trao đổi với thợ kỹ thuật.

Qua những cuộc trao đổi chị biết có những loại dầu khác vẫn dùng trong cơ khí và có tính năng tương tự như dầu Silicol. Chị liền đề xuất với lãnh đạo Xí nghiệp thử nghiệm với loại dầu khác có tên Emesol. Buổi thử nghiệm, chị rất hồi hộp. Dẫu sao đây cũng là lần đầu chị có một đề xuất.

Buổi thử nghiệm thành công ngoài mong đợi. Dầu Emesol hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, dây chuyền lại vận hành trơn tru. Cả Xí nghiệp cùng bất ngờ và hân hoan. Dầu Emesol rất phổ biến và dễ mua tại Việt Nam, hơn nữa giá thành lại chỉ bằng 30% dầu Silicol. Chỉ tính nguyên kinh phí mua dầu, mỗi năm Xí nghiệp tiết kiệm được 20 triệu đồng.

Không những thế năng suất của dây chuyền khi sử dụng dầu Emesol cũng tăng lên rõ rệt. Được sử dụng đại trà cho 16 máy dệt của xí nghiệp, sản lượng dệt trung bình khoảng 1.800.000 – 1.900.000m/tháng đã tăng lên 2.200.000 – 2.300.000m/tháng. Bên cạnh đó dầu Emesol làm giảm lượng bụi hạn chế độc hại cho công nhân vận hành.

Thành công với sáng kiến đầu tiên, chị càng tự tin và không ngừng có những ý tưởng đề xuất tiếp theo nhằm cải tiến kỹ thuật.

Với cách dệt cũ, sản phẩm là cả một cuộn vải dài 10.000m khi đi tới công đoạn cuối cùng vẫn không phát hiện được lỗi vì đã bị phủ lớp tráng bên ngoài. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không phát hiện được lỗi thuộc về máy của công nhân nào và rất khó trong việc đánh giá, rút kinh nghiệm.

Chị suy nghĩ và đề xuất việc chọn và thay thế thêm sợi với những màu sắc cố định cho từng máy, từng ca làm việc. Nhờ việc đánh dấu bằng sợi vải khác mầu, những lỗi xảy ra trong quá trình dệt cũng được phát hiện dễ dàng hơn. Ngay trước khi sản phẩm đi đến công đoạn cuối cùng, các lỗi sẽ được khắc phục.

Cũng nhờ việc đánh dấu, có thể xác định hiệu quả làm việc của từng công nhân, từng máy dệt, giúp chị em có thể rút kinh nghiệm điều chỉnh kỹ thuật. Từ khi sáng kiến được đưa vào áp dụng, công nhân cũng nâng cao trách nhiệm và số lỗi đã giảm đánh kể, việc đánh giá hiệu quả làm việc của từng người, từng ca cũng dễ dàng, minh bạch hơn.

Trong quá trình làm việc, nhận thấy vải dệt của xí nghiệp mặc dù đạt tiêu chuẩn chung để sản xuất vỏ bao, tuy nhiên vẫn thường xảy ra lỗi như hiện tượng chéo sợi, mành tại mép cuộn vải bị sổ, độ ổn định khổ vải không đều, hiện tượng vỏ bao vỡ cục bộ khi đóng tại các đơn vị.

Qua nghiên cứu và tham khảo tại một số đơn vị, chị nhận thấy để giảm thiểu các lỗi trên thì cần điều chỉnh kích thước sợi vải và bố trí lại sợi vải dệt sao cho hợp lý kích thước từ 28.5mm lên 3mm. Một lần nữa chị lại đề xuất lên lãnh đạo xí nghiệp và được chấp thuận đưa vào thử nghiệm.

Và một lần nữa, chị lại thành công. Các máy dệt tăng năng suất 12%, sản phẩm giảm thiểu lỗi, tiết kiệm được chi phí nhiên liệu. Mỗi ca sản xuất đã tiết kiệm được 1,5 triệu đồng, tính cả năm xí nghiệp tiết kiệm được 1 tỷ đồng cho chi phí sản xuất.

Chị Mai cho biết, trong quá trình làm việc, mỗi lần thấy những sự cố, bất cập, công nhân trực tiếp đứng máy chính là người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chính vì thế mà ngay cả sau giờ làm việc, chị vẫn không ngừng suy nghĩ tìm tòi những giải pháp. Một trong những yếu tố giúp chị toàn tâm toàn ý cho công việc đó chính là sự hậu thuẫn từ gia đình.

Ở chung với mẹ chồng, chị Mai được bà hỗ trợ đỡ đần rất nhiều trong việc chăm sóc hai con. Bên cạnh đó là người chồng tâm lý, thường xuyên chia sẻ việc nhà. Mỗi tháng chị có 8 ca đêm, 8 ca sáng và 8 ca ngày. Thời gian làm việc thay đổi, chỉ riêng việc cơm nước chăm sóc gia đình cũng đã vô cùng khó khăn.

Chị nói đùa: “Chắc vì chồng mình làm nghề nấu ăn nên anh ấy dễ thông cảm và không bao giờ nề hà việc nhà. Nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình chắc chắn tôi không thể đạt được những thành công trong công việc...”

Với những đóng góp của mình chị Nguyễn Thị Ngọc Mai đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2016), Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cơ sở (2013 - 2015)…

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi