Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ đến nay, Tổng thống Donald Trump đã có hàng loạt các hành động như rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris; cho khối NATO là “lỗi thời”; chuyển sứ quán Mỹ ở Israel sang Jerusalem cũng như xem xét đánh thuế nhập khẩu nhôm thép của các nước EU và nay là rút khỏi thỏa thuận hạt nhân… Điều này có thể khiến quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương mất đi sự nồng ấm trong nhiều thập niên qua.
Nhật báo Le Figaro (Pháp) số ra mới đây đã bình luận bằng ngôn từ khá nặng nề : “Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tức là Mỹ đã quay lưng lại với châu Âu, hạ thấp 3 đồng minh lớn nhất trong khối NATO và phá hoại công việc nhằm đẩy lùi hiểm họa nguyên tử”.
Mặt khác, các tập đoàn phương Tây làm ăn ở Iran từ năm 2015 giờ đây đang lo ngại khi Bộ Tài chính Mỹ gia hạn cho họ từ 90 đến 180 ngày để có thể hủy cam kết với Teheran, trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực kể từ ngày 4/11 tới.
Lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu lửa của Iran, các giao dịch bằng đồng USD với Ngân hàng Trung ương Iran và cả những thiết bị hàng không xuất sang Iran, mua bán các loại kim loại…
Các công ty nước ngoài đã hoạt động tại Iran cũng nằm trong diện bị Mỹ trừng phạt vì làm ăn với những đối tượng bị Mỹ cấm vận.
Trong số này, các công ty của Pháp có thể sẽ bị thiệt hại lớn, nhất là Airbus. Hợp đồng trị giá 10 tỷ euro của tập đoàn chế tạo máy bay này sẽ trở nên vô hiệu. Tập đoàn dầu khí Total, từ sau 2015 đã đổ hơn 3 tỷ euro đầu tư vào Iran. Hai nhà chế tạo xe hơi Pháp là Peugeot và Renault đang đà ăn nên làm ra ở Iran, mỗi năm bán ra thị trường này hàng trăm nghìn xe, nay hoạt động có thể bị đình trệ…
Những diễn biến này cho thấy tình hình cho thấy châu Âu “đang bị dồn đến chân tường” nên, hoặc châu Âu để chính sách đối ngoại và thương mại của mình bị người Mỹ áp đặt, hoặc đưa châu Âu có vị thế thật mạnh không chỉ về kinh tế mà cả chính trị.
Đánh giá này của báo chí phương Tây cũng đồng quan điểm với các nhà lãnh đạo châu Âu.
Ngày 9/5, phát biểu trên truyền hình quốc gia ARD và Deutsche Welle của Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết châu Âu hiện đang đứng trước thời điểm mang tính lịch sử, gánh vác trách nhiệm bảo đảm cho một trật tự đa phương từng được thiết lập hồi cuối Chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng nay đôi khi đang bị lay chuyển.
Với việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hồi năm ngoái cũng như đòi áp thuế trừng phạt đối với mặt hàng nhôm, thép mà Mỹ nhập từ các nước khác, trong đó có các nước đồng minh của Mỹ, đã làm dấy lên lo ngại rằng những hành động này của Mỹ “gây tổn hại tới trật tự hợp tác bấy lâu nay”.
Vì thế, ông Emmanuel Macron cũng cho rằng quyết định này của Mỹ là sai lầm và đó là lý do khiến châu Âu quyết định vẫn theo đuổi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trong khi đó, ngày 10/5, phát biểu với báo chí sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: "Đã không còn việc Mỹ chỉ đơn giản bảo vệ chúng ta, song châu Âu phải tự quyết định số phận của mình, đó là nhiệm vụ của tương lai”.
Những diễn biến này cho thấy các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Âu không còn con đường nào khác hơn là tìm mọi cách để cùng Iran cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, bảo vệ trật tự đa phương, đồng thời có giải pháp để quyết định số phận của mình.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn