Chánh án TAND Tối cao: Không né tránh các vấn đề được chất vấn

Chủ nhật - 19/11/2017 22:42
Phần trả lời chất vấn của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho thấy Chánh án đã nắm chắc những tình hình và thực trạng, trả lời thẳng thắn, cụ thể và khá rõ ràng cũng không né tránh và làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu.
 
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh ĐBND

Sáng 18/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Tham gia phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí đã làm rõ thêm những vấn đề liên quan trong quá trình tố tụng xét xử.

Phát biểu kết thúc phiên chất chất vấn và trả lời chất vấn của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Chánh án đã trả lời khá rõ vì là ông người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp, đã có 1 nhiệm kỳ làm Viện trưởng VKSND Tối cao và cũng đã trả lời chất vấn tại Quốc hội khóa XIII.

Dù đây là lần đầu tiên Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn tại Quốc hội với cương vị là Chánh án TAND Tối cao nhưng Chánh án đã nắm chắc những tình hình và thực trạng, trả lời thẳng thắn, cụ thể và khá rõ ràng cũng không né tránh và làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, phần trả lời của Chánh án cơ bản nhận được sự hài lòng của đại biểu Quốc hội.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy công tác xét xử của tòa án đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng của đội ngũ cán bộ ngành tòa án đã được nâng lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế xuất phát từ yếu tố khách quan và chủ quan, đòi hỏi ngành tòa án cần phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để có những chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chánh án và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhất là ý kiến chất vấn trong phiên chất vấn.

Đồng thời khẩn trương, chủ động triển khai thi hành các bộ luật, luật, nghị quyết về tư pháp, trong đó có Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành để đảm bảo kịp thời quy định mới sớm được thực thi đầy đủ và được áp dụng thống nhất.

Tuân thủ nghiêm nguyên tắc xét xử  độc lập và chỉ tuân theo pháp luật thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng công khai tại tòa. Có giải pháp nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án và hạn chế tối đa các bản án, các quyết định bị hủy, bị sửa do vi phạm quy định của pháp luật.

Phải phấn đấu để không xảy ra việc kết án oan sai người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Khắc phục triệt để việc án tuyên không rõ ràng và chấm dứt sớm việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng quy định. Cơ bản khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Có các biện pháp cụ thể, căn cơ để tập trung xử lý giải quyết những đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tránh việc biến xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thành một cấp xét xử. Bảo đảm các bản án, quyết định của tòa án phải được chuyển đến người bị kết án, đương sự, tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc xét xử nhằm kịp thời hướng dẫn, giải thích hoặc kháng nghị giám đốc thẩm đối với các bản án tuyên có sai sót và thống nhất công tác xét xử liên quan đến nợ bảo hiểm xã hội.

Triển khai hiệu quả việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử, đẩy mạnh việc tuyển chọn án lệ bảo đảm chặt chẽ sau khi được lựa chọn công khai rộng rãi án lệ và sớm tổng kết để có chủ trương đối với việc dừng xét xử lưu động.

Đẩy nhanh tiến độ và chất lượng giải quyết các vụ án, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng lớn, trọng điểm, các vụ án được dư luận, cử tri cả nước quan tâm, đảm bảo thấu tình đạt lý, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Phấn đấu đạt yêu cầu của Quốc hội về công tác xét xử các vụ án hành chính, tuân thủ quy định của Luật Tố tụng hành chính về đối tượng tham gia phiên toà. Việc đánh giá chứng cứ phải bảo đảm toàn diện, hạn chế tâm lý ngại va chạm với chính quyền, không muốn đưa vụ việc hành chính ra tòa án…

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi