![]() |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đồng thời, sau đó, Tổ công tác đã tiến hành 4 cuộc kiểm tra đối với từng Bộ, gồm: Tư pháp; Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng phương án rà soát, đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chồng chéo, bất cập.
Chưa cải cách triệt để
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sau các cuộc kiểm tra, Tổ công tác đã có báo cáo kết quả kiểm tra các bộ tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng, trong đó có kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm bảo đảm việc cải cách kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh.
“Tinh thần là phải thực chất, làm đâu được đấy, làm đâu chắc đó, cắt giảm không làm nảy sinh thủ tục khác để thực sự có hiệu quả và đúng nghĩa môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cởi trói cho doanh nghiệp gia nhập thị trường”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan thực hiện ngay một số nhiệm vụ liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh như văn bản số 413/TTg-TH ngày 30/3/2018, văn bản số 6135/VPCP-TH ngày 28/6/2018. Đến nay các bộ đã thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong việc cải cách hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh nhưng còn chuyển biến chậm.
“Thời hạn báo cáo Chính phủ là trước 30/7. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có Nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương là đã được ban hành, còn các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ khác vẫn đang trong quá trình xây dựng, trong giai đoạn soạn thảo là chủ yếu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chỉ ra những bất cập, tồn tại về kiểm tra chuyên ngành chưa được cải cách triệt để theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Cụ thể, còn có sự chẫm trễ triển khai các giải pháp cụ thể để đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh ở các bộ ngành và cơ quan trực tiếp quản lý.
Nhắc lại mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số điều kiện kinh doanh trước mốc 31/10, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thực trạng: “Rất nhiều bộ có phương án rà soát, cắt giảm và công bố trên báo chí, truyền hình nhưng thực chất đến giờ vẫn chưa làm được, như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc đến câu chuyện được đưa ra tại Hội nghị về cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức: Một gói cà phê sữa cho sữa sấy khô vào để tạo sản phẩm nhưng thủ tục là phải bóc vỏ ra kiểm tra xem có dịch bệnh bên trong hay không; có doanh nghiệp dán nhãn hiệu suất năng lượng cho 4 chiếc tủ lạnh mất đến 149 triệu đồng nhưng nhãn đó chỉ cho riêng sản phẩm từng doanh nghiệp….
Hay trong buổi làm việc với Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN vào chiều qua (11/7), bên cạnh những đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt thời gian qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhận được nhiều ý kiến “phàn nàn” của các doanh nghiệp Hoa Kỳ liên quan đến các thủ tục hải quan, một số vướng mắc khi thực hiện các Nghị định hay những vụ việc cụ thể như: Giá thịt bò để áp giá tính thuế cao hơn giá thị trường; nhập khẩu hạt giống vào Việt Nam bị chậm cấp phép…
Khâu tuân thủ kiểm tra chuyên ngành là khâu tốn thời gian nhất
“Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, chi phí phục vụ kiểm tra mà các doanh nghiệp phải chịu vẫn còn lớn do kết quả kiểm tra lô hàng trước cùng loại không được thừa nhận. Đơn cử như cứ 5 lô hàng doanh nghiệp nhập về thì 1 lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, trong khi, lô hàng đó được chứng minh không có rủi ro, doanh nghiệp hoạt động tốt, chấp hành kiểm tra tốt”. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Dẫn con số của Ngân hàng thế giới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thời gian tuân thủ chứng từ kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu hàng hoá tại Việt Nam là 76 giờ, “cao hơn đáng kể” so với mức bình quân của ASEAN-4 là 28 giờ. Như vậy, khâu tuân thủ kiểm tra chuyên ngành là khâu tốn thời gian nhất khi doanh nghiệp nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hiện nay, còn một số danh mục, nhóm hàng hoá chưa có mã HS. Cụ thể: Y tế: 01; Công thương: 04. Còn một số nhóm hàng hoá phải ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng chưa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn. Cụ thể: Y tế: 04; Tài nguyên và môi trường: 18; Công thương: 01; NN&PTNT: 01.
Một số danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành các bộ phải ban hành nhưng chưa ban hành. Cụ thể: Y tế: 03; Công an: 03, Quốc phòng: 01; Công thương: 18; Giao thông vận tải: 04; Nông nghiệp và phát triển nông thôn: 04.
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn bảo đảm chất lượng
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã đề xuất một số giải pháp trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành như: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành; phân loại hàng hóa để chuyển việc kiểm tra chuyên ngành một số loại hàng hóa từ tiền kiểm sang hậu kiểm; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, có thể chia sẻ thông tin giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cơ quan hải quan; xóa bỏ tình trạng độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá sự phù hợp…
Về đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong nội bộ từng bộ, không nên giao cho các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép lại là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này. Bởi những đơn vị nào đang cấp phép thì sẽ không có động lực và sẽ tìm cách này, cách khác giữ lại quyền của mình. Bên cạnh đó, các bộ cần mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh chứa đựng trong luật, để có phương án sửa đổi hoặc bãi bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý....Phát biểu kết luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định, dù cắt giảm hay đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh thì vẫn phải bảo đảm an ninh, an toàn quốc gia, vấn đề môi trường, sức khoẻ con người…nhưng không vì thế mà trói buộc doanh nghiệp vào các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, cơ quan rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi những quy định chồng chéo, không hợp lý về điều kiện kinh doanh gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng xây dựng một Nghị định sửa nhiều Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo và trình Chính phủ trước ngày 15/8.
Đồng thời lưu ý, khi xây dựng Nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh, các bộ cần tích cực tham vấn, xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và các hiệp hội liên quan.
“Dự kiến ngày mai, Thủ tướng sẽ ban hành một Chỉ thị về công tác này và yêu cầu thực hiện chậm nhất vào 15/8. Như vậy, thời hạn đã được kéo dài từ 30/7 đến 15/8. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều, đề nghị các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ triển khai nhưng vẫn phải bảo đảm được chất lượng công việc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn