![](http://baochinhphu.vn/Uploaded/tkts/2017_10_11/catalonia.jpg) |
Người dân Catalonia xuống đường đòi độc lập. Ảnh: Reuters |
Trong cuộc họp đầu tiên của Nghị viện vùng Catalonia sau khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10, người đứng đầu vùng này là ông Carles Puigdemont đã đưa ra một tuyên bố. Tuy nhiên, đây không phải là một tuyên bố độc lập và cũng không phải là một tuyên bố từ bỏ độc lập. Cụ thể, ông Puigdemont hứa hẹn rằng “Catalonia sẽ trở thành một quốc gia độc lập”.
Tuyên bố này được Nghị viện Catalonia ký thông qua nhưng rồi ngay lập tức, chính ông Puigdemont lại quyết định tạm treo tuyên bố này, tức là tuyên bố độc lập của vùng Catalonia sẽ không có hiệu lực trong vài tháng tới.
Có thể nói, các lãnh đạo phong trào ly khai ở Catalonia đã lựa chọn một giải pháp trung gian, tức là không tuyên bố Catalonia độc lập ngay lập tức nhưng cũng không tuyên bố từ bỏ ý định ly khai.
Việc này xuất phát từ 2 lý do. Một, là để mở đường cho các cuộc đối thoại với chính quyền trung ương Tây Ban Nha trong thời gian tới, mà đây mới thực sự là mục tiêu chính trị quan trọng nhất của những diễn biến ly khai trong thời gian qua. Hai là trước sức ép và sự phản đối ngày càng tăng từ nhiều phía và nguy cơ rơi vào tình thế bất lợi, phe ly khai ở Catalonia không dám tuyên bố độc lập ngay lập tức.
“Chúng tôi có quyền trở thành một quốc gia độc lập. Các lá phiếu trưng cầu dân ý ủng hộ độc lập và đó cũng là ước nguyện mà tôi muốn theo đuổi”, ông Puigdemont nói.
Ông Puigdemont đề cập đến cuộc trưng cầu dân ý mà Catalonia tiến hành hồi đầu tháng này. Chính quyền Catalonia nói rằng, kết quả trưng cầu cho thấy, 90% cử tri ủng hộ ly khai, song thực tế con số này chỉ là 43% vì nhiều cử tri không đi bỏ phiếu. Chính phủ Tây Ban Nha coi cuộc trưng cầu là bất hợp pháp.
Chính phủ Tây Ban Nha dự kiến triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp vào hôm nay để bàn về các phương án đối phó. Trước đó, chính quyền Madrid cảnh báo sẽ hành động nếu Catalonia tiếp tục theo đuổi kế hoạch ly khai.
Bản thân ông Puigdemont trong khi đó đối mặt với sức ép từ EU phải từ bỏ kế hoạch ly khai. Ông Puigdemont từng đề nghị EU làm trung gian đối thoại giữa chính quyền Barcelona và Madrid, tuy nhiên EU đã bác đề nghị này vì cho rằng trưng cầu dân ý ở Catalonia là bất hợp pháp và hơn nữa đó là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha.
Những tuyên bố của ông Puigdemont đã khiến hàng nghìn người tập trung bên ngoài trụ sở nghị viện Catalonia reo hò vui mừng.
Xavier Turo, một kỹ sư điện tại Barcelona, chia sẻ: “Chúng tôi lo lắng nhưng cũng rất vui mừng. Chúng tôi đã chờ đợi khoảnh khắc này từ rất lâu. Chính quyền của chúng tôi đã dám đứng lên vì nguyện vọng của chúng tôi”.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người ủng hộ kế hoạch ly khai đều cho rằng tình hình hiện tại sẽ mang lại một tương lai tốt đẹp cho khu vực này.
Tồn tại hay không tồn tại?
Cho đến lúc này thì một trong những câu hỏi lớn nhất chính là liệu nếu tách khỏi Tây Ban Nha thì vùng Catalonia có thể sống sót được về mặt kinh tế hay không? Các câu trả lời, tất nhiên, là đều đến từ các phân tích có tính dự đoán.
Theo các báo cáo tài chính của CNN, Catalonia là một vùng giàu có ở Đông Bắc của Tây Ban Nha, với 7,5 triệu dân, chiếm khoảng 16% tổng dân số. Vùng này đóng góp tới 19% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút 20,7% lượng vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, Catalonia là một khu vực thịnh vượng và có năng suất lớn nhất đất nước Tây Ban Nha. Chính điều này đã mang lại cho người dân vùng này một sức ảnh hưởng trong việc đàm phán về quyền lực và một vị thế tự trị ở Tây Ban Nha.
Phe phản đối Catalonia độc lập, ví dụ như Chính phủ Tây Ban Nha, thì đưa ra con số là nếu vùng Catalonia độc lập thì vùng này sẽ buộc phải rời khỏi Liên minh châu Âu và khu vực đồng tiền chung Eurozone và khi đó thì GDP của vùng này sẽ giảm 25-30%, còn số nợ công sẽ lên đến khoảng 134% GDP của vùng.
Phe ủng hộ độc lập lại phản bác ý kiến này và cho rằng, nếu độc lập thì GDP của vùng Catalonia có thể tăng 7-10%.
Tuy nhiên, ở vào thời điểm này thì có thể thấy là đa số các nhận định đều cho rằng nếu vùng Catalonia độc lập khỏi Tây Ban Nha thì đó sẽ là một tin xấu cho nền kinh tế của chính vùng này.
Cái được của Catalonia nếu độc lập, có thể sẽ là chủ nghĩa dân tộc, vùng miền được thoả mãn, nhưng xét trên các mặt kinh tế-chính trị, rõ ràng đây là một bước đi mông lung và nhiều rủi ro.
Nếu kiên quyết tuyên bố độc lập, vùng Catalonia sẽ phải đứng trước nguy cơ bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha đình chỉ quyền tự trị.
Việc duy trì tư cách thành viên tại EU sẽ không thể thực hiện được nếu vùng Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha. Và họ sẽ không thể tự động trở thành một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và như vậy sẽ phải đối mặt với các rào cản thương mại, gây khó khăn, tổn hại cho nền kinh tế.
Hơn nữa, tình hình chia rẽ tại Tây Ban Nha cũng đã khiến nhiều ngân hàng, doanh nghiệp tìm cách chuyển trụ sở ra khỏi Catalonia và khiến lòng tin thị trường vào nền kinh tế Tây Ban Nha bị chao đảo.
Theo các chuyên gia phân tích sở dĩ Catalonia kiên quyết muốn độc lập là bởi vì họ có ngôn ngữ riêng và theo truyền thống người Catalonia luôn có phần dân tộc chủ nghĩa. Đã có nhiều nỗi thất vọng trong cuộc khủng hoảng tài chính khu vực đồng Euro vì Catalonia là một trong những vùng giàu có hơn của Tây Ban Nha, nếu không muốn nói là giàu nhất và họ cảm thấy mình đang chuyển tiền cho Madrid để chi vào các khu vực ít thịnh vượng hơn của đất nước nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.
Rõ ràng là nếu vùng Catalonia kiên quyết đòi độc lập, điều đó không chỉ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa chính quyền Madrid và Barcelona, mà còn khiến Catalonia phải đối mặt với nhiều thách thức chưa thể giải đáp được.