Hội nghị có ý nghĩa thiết thực nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên phạm vi toàn quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là tại các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thời gian gần đây, cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cho công tác phòng cháy chữa cháy.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 12/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC.
Cùng dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành liên quan. Lãnh đạo các địa phương tham dự trực tuyến tại các đầu cầu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: Bộ NN&PTNT triển khai Nghị định 87 của Chính phủ đến thời điểm này chưa ban hành luật riêng nhưng đã ban hành đầy đủ các thông tư liên quan, trong đó có thông tư về phòng chống cháy rừng, thông tư khắc phục hậu quả thiên tai...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tham luận "Kinh nghiệm triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian qua và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo lĩnh vực được phân công của Bộ" như sau:
Thiên tai diễn biến bất thường, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trước, trong và sau thiên tai, lực lượng vũ trang được xác định là lực lượng nòng cốt, trong đó lực lượng PCCC&CNCH đóng vai trò quan trọng trong công tác PCCC&CHCN.
Theo Bộ NN&PTNT, những kinh nghiệm trong công tác trong tác PCCC&CNCH và phòng chống thiên tai gồm:
Một là, xác định phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy; tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Lâm nghiệp, các các văn bản pháp luật liên quan về công tác phòng cháy, chữa cháy…
Hai là, trong pháp luật đã quy định Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Ba là, công tác phòng ngừa là nhiệm vụ hàng đầu; công tác dự báo, cảnh báo, xây dựng các kịch bản, phương án theo phương châm "4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ) là yếu tố quyết định giảm thiệt hại do cháy nổ và thiên tai gây ra. Vì vậy, trong công tác phòng, chống thiên tai cũng như phòng, cháy chữa cháy phải kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"; phân công lực lượng ứng trực 24/24; bố trí các điểm tuần tra, canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra thiên tai, cháy rừng và có nguy cơ cháy rừng; huy động các lực lượng tham gia, khống chế để không xảy ra cháy lớn.
Bốn là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm; đặc biệt là trang bị kiến thức, kỹ năng trong phòng chống thiên tai, PCCC&CNCH để giảm thiệt hại về người và vật chất đóng vai trò quyết định...
Năm là, tập huấn, huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm trong lực lượng công an nhân dân được thực hiện hằng năm. Đào tạo tập huấn của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương làm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức nhiều hội thảo chuyên sâu, cuộc thi liên quan đến phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bộ NN&PTNT cũng xin đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo lĩnh vực được phân công.
Thứ nhất, cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người dân và cộng đồng; xác định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thứ hai, tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm đồng bộ, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong đó trọng tâm là: Cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; triển khai cơ chế vận hành chính sách bảo hiểm rủi ro thiên tai; nâng cao năng lực và vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác phòng cháy chữa cháy và phòng chống thiên tai.
Thứ ba, chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, tập trung vào một số nội dung lớn: Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện quy hoạch phòng chống thiên tai, thủy lợi, thủy điện, lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai; nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển.
Thứ tư, nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, trong đó tập trung: Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ cứu nạn, xác định công tác cứu hộ cứu nạn là hoạt động quan trọng của lực lượng vũ trang, là "nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình" và đầu tư, mua sắm trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai và tìm cứu nạn cứu hộ theo Nghị định số 02/2019/NĐ-CP và số 30/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Công tác PCCC&CNCH phải thực sự hiện đại.
Thứ năm, phối hợp với Bộ Công an để xây dựng nội dung nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn đảm bảo nội dung, chương trình, sát với thực tế. Chỉ đạo công tác diễn tập, hội thao. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với tổ chức diễn tập các phương án, nhằm nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng, năng lực tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng trong những điều kiện khó khăn, phức tạp./.
Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) Lê Minh Chuẩn: Tập đoàn TKV có những ngành nghề rất đặc thù, Tập đoàn hoạt động trên 4 lĩnh vực đều liên quan đến an toàn, phòng chống cháy nổ.
Thứ nhất là khai thác than hầm lò và lộ thiên, riêng hầm lò có gần 50.000 lao động, hoạt động trên nghìn cây số dưới lòng đất.
Thứ hai là 7 nhà máy nhiệt điện, 1 thuỷ điện và 4 tổ hợp luyện kim đều liên quan đến phòng chống cháy nổ…
Nhận thức được việc này, trong những năm qua, Tập đoàn luôn chỉ đạo các đơn vị về vấn đề bảo đảm phòng chống cháy nổ và an toàn lao động, đặc biệt về khai thác trong hầm lò đặc thù. Tập đoàn cũng đầu tư rất nhiều vào công nghệ, khoa học để giảm thiểu tai nạn lao động. Trong quá trình hoạt động của ngành, qua những sự cố cháy, nổ hầm lò dẫn đến hy sinh nhiều công nhân. Đây là những bài học ngành đã đúc kết được.
Hiện nay để thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ, một trong những vấn đề quan trọng là thực hiện đúng quy định của pháp luật và quy định của ngành, chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ nhất, đối với công trình trên mặt hầm lò, ngành đã chuẩn bị những vật liệu không cháy, không để các vật liệu cháy gần cửa lò, cấm lửa trong khu vực hầm lò; các thiết bị điện, phòng cháy cháy nổ đúng quy định; không để xảy ra quá tải các thiết bị hoạt động; không phát sinh tia lửa, nhiệt; không để hàm lượng khí cháy nổ tích tụ.
Thứ hai là tất cả mỏ hầm lò được trang bị hệ thống quan trắc khí, cảnh báo tự động và ngắt các thiết bị điện khi nồng độ khí tới hạn.
Thứ ba là triển khai đặt ống lấy mẫu nhằm phát hiện khí CO trong vùng phá hỏa; định kỳ chủ động bơm khí Nitơ vào vùng đã khai thác để phòng ngừa cháy nội sinh theo đúng các biện pháp mà Tập đoàn đã chỉ đạo.
Thứ tư là tuyệt đối cấm ngọn lửa trần trong hầm lò, công nhân cố tình mang lửa vào trong lò sẽ bị đuổi việc. Các thiết bị trong lò được kiểm định nghiêm ngặt về an toàn cháy nổ.
Thứ năm, để đề phòng than oxy hóa, ủ nhiệt thì các đường lò của vỉa than có tính tự cháy đã được phun trám để cách ly than với không khí; tất cả các đường lò hiện nay đều chống lò bằng vật liệu không cháy… Hiện ngành than có khoảng gần 50.000 lao động làm việc dưới hầm lò ngày 3 ca và với hàng nghìn cây số hầm lò nên vấn đề an toàn luôn đặt lên hàng đầu.
Thứ sáu là trang bị hệ thống đường ống nước chữa cháy độc lập theo quy định; đầu tư các thiết bị dập cháy.
Thứ bảy, kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành; lực lượng Cấp cứu mỏ bán chuyên được huấn luyện định kỳ và thực hiện diễn tập 2 tháng một lần. Lực lượng cấp cứu mỏ chuyên nghiệp thường trực sẵn sàng, đủ sức dập tắt tất cả các sự cố cháy nổ.
Thứ tám, công tác tuyên truyền về phòng ngừa cháy mỏ được các công ty triển khai vào đầu các ca sản xuất góp phần nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ đối với cán bộ công nhân từ đó hạn chế nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra. Công nhân khi vào hầm lò đều được trang bị thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp, các cán bộ dưới hầm lò phải sử dụng được bình cứu sinh và bình tự cứu.
Tập đoàn có lực lượng cấp cứu bán chuyên trách, khoảng 1.000 cán bộ thuộc tất cả các đơn vị, khắc phục sự cố từ khi mới phát sinh. Tổ chức hoạt động lực lượng cấp cứu chuyên trách, đóng trên địa bàn Quảng Ninh, Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí… Lực lượng này thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ, thường trực 24/24h. Hiện chúng tôi cũng có 2 xe chữa cháy, 10 xe chuyên dụng, 1 xe cứu hộ đa năng, 6 tổ hợp sinh khí ni tơ có thể di chuyển đến các mỏ. Riêng công nhân làm hầm lò có 100% trang bị bình dưỡng khí.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực: Khai thác chế biến, kinh doanh than, khoáng sản; cơ khí, điện, hóa chất (vật liệu nổ công nghiệp)…, trong đó ngành khai thác mỏ mang tính đặc thù, ít có tập đoàn nào trong nước ngành nghề tương tự. Lực lượng cấp cứu mỏ có hai cấp, đó là lực lượng bán chuyên của công ty khai thác mỏ và lực lượng cấp cứu mỏ chuyên trách của Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin. Việc ứng dụng mô hình này chỉ có tại Tổng công ty Đông Bắc Bộ Quốc phòng có hoạt động khai thác than, khoáng sản tương tự như Tập đoàn TKV. Hiện Tổng công ty Đông Bắc Bộ Quốc phòng đang ký hợp đồng với ngành than về vấn đề này.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh tại Hội nghị -
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh: Bộ GD&ĐT thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, đặc biệt phối hợp với Bộ Công an trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác phòng cháy chữa cháy. Chúng tôi thường xuyên có sự phối hợp sâu với Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong nhiều năm từ 2010-2017, đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo, trong đó rất quan tâm đến các đơn vị trực thuộc phải kiện toàn ban chỉ đạo về phòng chống cháy nổ và cứu hộ cứu nạn. Sau năm 2017 cũng đã có nhiều văn bản được ban hành và sự phối hợp này thường xuyên được quan tâm.
Bộ GD&ĐT đã tập trung xây dựng ban hành thông tư, quy định về việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy vào các chương trình giảng dạy, các hoạt động của các nhà trường, các cơ sở giáo dục. Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi vẫn biên soạn nhưng lại có biến động về cán bộ, đơn vị chủ trì. Thông tư này ban hành chậm nhưng cũng đã được ban hành ngày 11/5/2022. Khi có thông tư này, đã có 30 tỉnh xây dựng kế hoạch để triển khai.
Ngành giáo dục đã biên soạn lồng ghép kiến thức vào giảng dạy. Chúng tôi có Thông tư số 04 để rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh và đều có sự phối hợp với các địa phương để rèn luyện kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho các em, tập trung triển khai nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh.
Để hoàn thiện các giáo trình, chúng tôi cũng đang cho biên soạn, tập trung đưa xuống các địa phương, xuống hệ thống các trường học, nhưng so với yêu cầu còn khoảng cách xa. Chúng tôi quyết tâm để đưa vào năm học 2022-2023. Việc thẩm định từng giáo trình, chúng tôi thực hiện những quy định này rất quyết liệt. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành khác để triển khai vào năm học này.
Chúng tôi thấy rằng còn những việc chưa làm được, còn nhiều thiếu sót, thông tư ban hành còn chậm. Chúng tôi nhận thấy công tác tập huấn rất quan trọng và cần thiết. Con số trên 15.000 cán bộ, giáo viên của chúng tôi được tập huấn còn rất nhỏ, rất ít. Sở GD&ĐT các tỉnh phải phối hợp với công an các tỉnh để tập huấn cho đội ngũ làm công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Công tác truyền thông về trách nhiệm rất quan trọng, trong đó có trách nhiệm của các gia đình quan tâm, coi trọng việc này. Chúng tôi sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, đề nghị có sự chỉ đạo sâu sắc hơn.
Trong công tác kiểm tra, nhiều nơi vẫn chưa được coi trọng, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn đưa các trường hợp cụ thể, cần cố gắng quan tâm việc duy trì bảo dưỡng các khu đông dân.
Về công tác phối hợp, trong quá trình chỉ đạo việc này, chúng tôi thấy chưa rõ, chưa thể hiện được trách nhiệm cao. Chúng tôi mong muốn các tỉnh cũng chủ động với chúng tôi nhiều hơn nữa.
Hội nghị được kết nối tới tất cả các địa phương trên cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành: Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đặc thù, là địa bàn trọng điểm các nguy cơ về an toàn cháy nổ với tốc độ đô thị hóa rất cao, trên 67,5% và tốc độ phát triển kinh tế 10% trong năm nay, với nhiều cơ sở sản xuất, phục vụ du lịch, nông nghiệp, công nghiệp và khu du lịch.
Trên cùng một địa bàn có các đầu mối về cảng xăng dầu, các sân bay, cảng biển, cơ sở khai khoáng và nhiều cơ sở lưu trú du lịch, trên 2.000 cơ sở và trên vịnh Hạ Long luôn tồn tại 500 tàu du lịch hoạt động.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy và các nguy cơ trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2015, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã hoàn thành nghị quyết và 1 chỉ thị về sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng cháy chữa cháy. Tập trung rà soát, đặc biệt là các quy hoạch, đồng bộ các quy hoạch chiến lược của tỉnh với các quy hoạch chi tiết và phải lồng ghép rất đầy đủ với công tác phòng cháy chữa cháy. Xây dựng các mô hình phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các cơ sở, khu dân cư thông qua tổ chuyên gia, phát động phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy; tập trung đầu tư xây dựng các mạng lưới và cơ sở cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Đến nay 100% khu phố thành lập dân phòng kết hợp huấn luyện, trang bị các kĩ năng thực hiện phòng cháy chữa cháy. Tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác đầu tư cho các cơ sở, trụ sở của lực lượng phòng cháy chữa cháy các cơ sở vật chất và vật tư, thiết bị, đẩy mạnh liên kết xã hội hóa trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Trên cùng địa bàn, chúng tôi có ngành than , xi măng, nhiệt điện, xăng dầu nên cần huy động lực lượng rất lớn về nhân lực cũng như cơ sở vật chất, mạng lưới, thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy. Trong thời gian tới, mặc dù địa bàn rất phức tạp, nhưng cấp ủy, chính quyền, đặc biệt lực lượng công an, sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy, kiểm soát tốt, xử lý hiệu quả các vụ việc liên quan trên địa bàn.
Về một số trọng tâm trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh xin tham gia thêm như sau:
Thứ nhất, xác định công tác phòng cháy chữa cháy là nhiệm vụ rất quan trọng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân cũng như các doanh nghiệp, phải thực hiện đồng bộ, thường xuyên và liên tục. Nhận diện rất rõ nguyên nhân căn bản là công tác phòng cháy chữa cháy phải tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn và phải tương xứng với tình hình mới, nên phòng là quan trọng.
Tôi đề nghị phải đảm bảo tính đồng bộ trong chính sách, đặc biệt là công tác quy hoạch khi kiểm soát, giám sát, thực hiện quy hoạch công tác phòng cháy chữa cháy. Hiện nay đang tập trung xây dựng các quy hoạch xây dựng thì phải gắn rất chặt với quy hoạch công tác phòng cháy chữa cháy, coi trọng hạ tầng và thiết kế phục vụ phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị.
Trong quá trình thực thi, phải yêu cầu đúng và phải kiểm soát được tình trạng cơi nới, sai quy hoạch, sai thiết kế. Vì vậy chất lượng công tác quản lý quy hoạch, xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp hết sức quan trọng. Hiện nay tỉnh Quảng Ninh thực hiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch các địa phương, công tác phòng cháy chữa cháy trong quy hoạch ở các khu công nghiệp đặc biệt quan trọng và phải tích hợp để kiểm soát tốt.
Thứ hai, yêu cầu hiện đại hóa công tác phòng cháy chữa cháy tương xứng với quy mô phức tạp cũng như tốc độ phát triển kinh tế xã hội hết sức quan trọng. Cần đầu tư bộ máy, mạng lưới, lực lượng, gắn với kĩ năng vận hành các hệ thống và có giải pháp tương xứng với điều kiện. Ví dụ như bây giờ cháy rừng xảy ra rất thường xuyên, nhưng lực lượng ứng cứu tiếp cận rất khó, phải có thiết bị như trực thăng. Hay các nhà cao tầng rất cần các giải pháp thích ứng.
Cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và số hóa, dự báo báo cháy vì tính kịp thời, hiệu quả trong phòng cháy chữa cháy chính là thời gian. Đẩy mạnh để có cơ chế xã hội hóa, tranh thủ lực lượng cùng hiệp đồng với nhau, tranh thủ được các trang thiết bị, vật tư để làm sao trên cùng địa bàn có thể ứng cứu, xử lý một cách nhanh nhất. Như vậy quy mô cháy, thiệt hại sẽ được giảm thiểu rất nhiều.
Thứ ba, cần phát huy được vai trò của các mô hình cơ sở, đặc biệt hiện nay chúng ta có rất nhiều tổ dân cư khu phố, các tổ công tác ở cơ sở. Đây chính là cách làm để huy động được sức mạnh tổng hợp của xã hội trong phòng cháy chữa cháy cũng như rất nhiều nghiệp vụ khác theo nguyên tắc từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Thực hiện nhiều mô hình, cơ chế lồng ghép một cách đồng bộ từ cấp ủy chính quyền đến người dân và các doanh nghiệp trên cùng địa bàn để tham gia vào nhiệm vụ quan trọng đảm bảo sự ổn định , bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trong quá trình chúng ta đang phát triển mạnh mẽ.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn: Qua thống kê 5 năm qua trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã 946 vụ cháy nổ, làm chết 5 người, bị thương 7 người, thiệt hại tài sản khoảng 56 tỷ đồng; tiếp nhận 283 sự cố tai nạn trong đó đã tổ chức cứu nạn cứu hộ 268 vụ, cứu được 127 người, đã tìm được 97 thi thể và đa số các trường hợp này là tử tự.
Thực tiễn cho thấy công tác PCCC&CNCH nếu được triển khai tốt ngay từ cơ sở sẽ góp phần ngăn ngừa được nguy cơ cháy nổ và giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất.
Một trong những nội dung quan trọng trong công tác PCCC&CNCH là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu sở, ban, ngành, doanh nghiệp, cơ sở trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và công tác cứu nạn, cứu hộ.
Thực hiện các quy định của pháp luật và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng thời các văn bản quy định của các bộ, ngành Trung ương, thời gian vừa qua, TP. Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị sát với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, chú trọng huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia vào các hoạt động PCCC&CNCH.
Ngoài ra, hoạt động PCCC và CNCH trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Để thực hiện điều này, thành phố Đà Nẵng đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở làm nòng cốt, trong đó lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH cũng như các cấp tổ chức thực hiện một số nội dung, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về kiến thức PCCC và CNCH đến từng hộ dân. Thường xuyên tập huấn về nghiệp vụ, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở và lực lượng PCCC và CNCH thực hiện tốt trong công tác tự kiểm tra về an toàn cũng như tổ chức các hoạt động PCCC và CNCH.
Vừa qua đoàn thanh tra của Bộ Công an đã kiểm tra, thanh tra công tác PCCC và CNCH tại Thành phố; đã kiểm tra và lưu ý một số tồn tại, thiếu sót mà địa phương cần phải khắc phục để công tác PCCC và CNCH trong thời gian tới được vững chắc.
TP. Đà Nẵng có một số đề xuất như sau:
Đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách sửa đổi bổ sung về xã hội hóa huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và CNCH; cải tiến và đầu tư trang thiết bị phương tiện PCCC và CNCH hiện đại bảo đảm được trong tình hình hiện nay. Hiện nay, nhiều công trình, cơ sở có tính chất phức tạp nếu có sự cố xảy ra thì các phương tiện sẽ không đáp ứng được công tác PCCC và CNCH.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương lồng ghép kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH vào các chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học.
Đề nghị sớm hoàn thành quy hoạch về cơ sở PCCC trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 để triển khai tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong đầu tư giao thông, nguồn nước, mạng lưới thông tin liên lạc cho công tác PCCC và CNCH.
Đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực, phân bổ nguồn lực kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị và phương tiện cho các lực lượng PCCC và CNCH tại địa phương để nâng cao năng lực hiệu quả trong công tác PCCC và CNCH.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh thông tin về hệ thống pháp luật liên quan đến PCCC và CNCH -
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh: Bộ Tư pháp cũng có các bản pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và vừa rồi các địa phương cũng nêu các bất cập.
Trước hết là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ gắn với công tác phòng cháy và chữa cháy, số lượng khá nhiều. Chúng ta có Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng phòng cháy và chữa cháy như chúng ta vừa phân tích những ưu điểm. Ngoài ra chúng ta có luật, có một số luật liên quan đến tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cũng như phòng cháy, chữa cháy, trách nhiệm của các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức và đặc biệt là quy định về phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên Luật mới chỉ dừng lại ở các biện pháp rất cơ bản trong hoạt động phòng cháy, chưa cháy, mới chỉ có 1 điều quy định về biện pháp khắc phục hậu quả phòng cháy, chữa cháy. Các biện pháp này theo rà soát của chúng tôi thì còn khá sơ sài, khá chung chung, chưa bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng bởi cháy.
Ngoài ra có một số quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy chưa được triển khai thực hiện. Cụ thể là theo quy định của Khoản 3 Điều 30 Luật Phòng cháy, chữa cháy thì Bộ Công an quy định cụ thể, hướng dẫn cụ thể trang bị phòng cháy, chữa cháy nhưng cho đến nay văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề này chưa được thực hiện, như Chủ tịch UBND TPHCM và nhiều tỉnh khác cũng nêu. Chúng tôi nhận thấy hiện nay các địa phương mới căn cứ vào một công văn hướng dẫn của Bộ Công an, cụ thể là của Cục Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ban hành ngày 17/6/2021 để ban hành quyết định của UBND quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện và trang bị phòng cháy, chữa cháy. Trong văn bản có quy định về quy phạm pháp luật; những hạn chế về điều kiện kinh doanh, về một số quy định khác... Nếu chiểu theo những quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì căn cứ để các địa phương ban hành công văn có chứa quy phạm ấy là không hợp pháp, rất khó cho Bộ Tư pháp khi thẩm tra. Rõ ràng về mặt hợp pháp thì đây là văn bản trái pháp luật. Tuy nhiên về mặt hợp lý thì các địa phương không kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn các điều kiện, trang bị phòng cháy, chữa cháy thì không bảo đảm đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy và không thực hiện được trên thực tế. Chúng tôi đề nghị, để tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về phòng phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an sớm ban hành quy định hướng dẫn Khoản 3 Điều 30 Luật Phòng cháy, chữa cháy.
Thứ hai là các luật khác cũng có nội dung quy định đến công tác cứu hộ, cứu nạn như Luật Năng lượng nguyên tử, hay như những luật về giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa... Nhưng rà soát lại vẫn thiếu những quy định đồng bộ.
Ngoài ra liên quan đến khắc phục hậu quả của sự cố, Chính phủ đã trình Quốc hội Luật Phòng thủ dân sự, trong đó quy định đầy đủ, toàn diện những vẫn đề liên quan đến khắc phục sự cố; về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy như chế tài về hình sự chúng ta đã có. Bộ luật Hình sự quy định 1 điều về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, trong đó quy định người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù, cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề... Ngoài ra pháp luật hình sự còn có hình thức tăng nặng trong thực hiện nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ cho một số tội phạm liên quan đến thực hiện nhiệm vụ như tội chống mệnh lệnh, tội chấp hành không nghiêm chỉnh hiệu lệnh.
Đối với chế tài xử phạt hành chính chúng ta cũng có Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định quy định chi tiết Luật này như Nghị định 144 của Chính phủ; trong đó mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy là 50 triệu đồng, và có những quy định bổ sung khác. Nếu như các quy định này chưa phù hợp trên thực tế, đề nghị các bộ, ngành rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành mới để có tính răn đe và thực hiện trên thực tế.
Các văn bản về tổ chức hoạt động cứu nạn, cứu hộ như Nghị định 30; Nghị định 12 quy định về công tác phối hợp; thông tin, thẩm quyền huy động lực lượng chỉ huy cứu nạn cứu hộ khi có sự cố, tai nạn còn nhiều quy định chồng chéo. Mặt khác, những quy định liên quan đến phân công trách nhiệm phối hợp trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với các lực lượng chuyên trách, đặc biệt là cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong ứng phó rủi ro thiên tai ở cấp độ cao chưa có quy định cụ thể. Hiện nay Nghị định 83 mới quy định công tác cứu hộ cứu nạn ở tai nạn có cấp độ thấp. Công tác ứng phó với thảm họa, sự cố trong đó có cứu hộ, cứu nạn được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện chúng ta có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các phạm vi ở các mức khác nhưng các quy định đó chưa thống nhất hoặc chưa thực sự đáp ứng thực tiễn. Chưa có luật quy định mang tính nguyên tắc chung nhất về phòng cháy chữa cháy; chưa có quy định về phân cấp, phân quyền triển khai biện pháp ứng phó sự cố, cơ chế đánh giá rủi ro, cơ chế phân loại rủi ro… Một số định chưa khả thi như quy định thời gian huấn luyện nghiệp vụ quá dài, chưa thực sự phù hợp với hoạt động của các cơ quan, đơn vị,
Thời gian tới chúng tôi đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương, Bộ Tư pháp có tổng kết, rà soát, đánh giá, nghiên cứu toàn diện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chúng ta cũng cần có văn bản quy định chung về phòng chống khắc phục sự cố nói chung, sau đó cần sớm ban hành Luật Phòng thủ dân sự.
Các đại biểu Bộ Công an trao đổi tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ, TPHCM đã ban hành Kế hoạch số 7788 triển khai thực hiện công tác Phòng cháy chữa cháy. TPHCM với đặc điểm là một đô thị lớn, chúng tôi rất chú ý tập trung xây dựng lực lượng cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy chữa cháy tinh nhuệ, đồng thời thường xuyên củng cố, tập huấn lực lượng phòng cháy chữa cháy ở cơ sở cũng như các đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành ở 22 quận huyện và 312 xã, phường, thị trấn.
Chỉ tính từ ngày 1/8/2017 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra gần 3.500 vụ việc liên quan đến cháy, nổ và sự cố, tai nạn. 8 tháng đầu năm 2022, TPHCM có 122 vụ, trong đó có 4 vụ lớn, 4 vụ nghiêm trọng và làm chết 2 người, bị thương 12 người.
Về nguyên nhân các vụ cháy, chúng tôi thấy rằng nhà ở của người dân gắn với các điều kiện an toàn điện cần phải có giải pháp xử lý. Nơi ở của người dân phải tiếp cận với các giải pháp phòng cháy chữa cháy khi có tình huống xảy ra. Hiện nay có rất nhiều nơi không đảm bảo, các chung cư hiện nay người dân hay làm các lồng sắt ngoài lô gia… Qua đây chúng ta thấy là công tác kiểm tra thường xuyên duy trì gắn với xử lý vi phạm có ý nghĩa rất quan trọng để phòng ngừa; cũng như việc xây dựng và phát huy lực lượng tại chỗ, tập huấn và trang bị cho các lực lượng này là rất quan trọng.
TPHCM đã củng cố 17 đội phòng cháy chữa cháy với 150 thành viên, đặc biệt là ở các KCN-KCX, các chung cư lớn, chuyên ngành xăng dầu ở các tổng kho.
TPHCM đã triển khai Công điện 792 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu các văn bản để quản lý nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy.
Chúng tôi cũng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền gắn với kiểm tra, xử lý, làm tốt công tác phòng ngừa. Tiếp tục củng cố lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, tập huấn, trang bị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng cháy chữa cháy.
Nhân đây, tôi cũng kiến nghị là sắp tới TPHCM sẽ tách đội cứu hộ cứu nạn khỏi phòng cháy chữa cháy, mong Bộ Công an sẽ hướng dẫn, hỗ trợ.
Cuối cùng là TPHCM sẽ triển khai phòng cháy chữa cháy cho các công trình ngầm, các metro. Chúng tôi sẽ trình phương án, rất mong sẽ có hướng dẫn và có khung pháp lý trong thời gian sắp tới.
TPHCM có 3 kiến nghị với Thủ tướng và Trung ương. Cần hoàn thiện thể chế, các quy định về trách nhiệm chủ trì, phối hợp và trách nhiệm, các hình thức chế tài của các bên liên quan; các quy định, quy chuẩn; khắc phục những điểm chồng chéo.
Vừa qua, TPHCM có quy định thợ hành nghề hàn phải được tập huấn. Những gì cần thiết chúng ta phải thực hiện.
Chúng ta cần có cơ chế phối hợp lực lượng hoạt động phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho vùng trọng điểm kinh tế phía nam, hằng năm cần có diễn tập trong khu vực. Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, kể cả trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy, tăng cường thêm xe, thang và các phương tiện cứu hộ cứu nạn khác.
Nếu chúng ta không làm tốt hiệp đồng, không diễn tập, không trang bị thì thiệt hại rất lớn, đặc biệt là với vùng trọng điểm kinh tế phía nam.
TPHCM cũng thống nhất đề nghị xem xét, bổ sung công việc phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn vào danh mục nghề độc hại nguy hiểm để chúng ta có chính sách xứng đáng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An: Việc thực thi, chấp hành quy định pháp luật đang có vấn đề mặc dù phòng cháy chữa cháy là một trong những luật nghiêm ngặt nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An: Trước hết tôi thấy báo cáo của Bộ Công an đã rất chi tiết về tai nạn, sự cố liên quan đến thiết bị điện. Tuy nhiên báo cáo với Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực, hành vi sử dụng thiết bị điện, chất lượng thiết bị và chất lượng thi công các hệ thống điện là 3 vấn đề tương đối căng thẳng.
Bộ Công Thương đã rà soát và thấy rằng, đúng là trong pháp luật hiện nay về phòng chống cháy nổ, sau thông tư, chưa có quy định về an toàn điện (Điều 58). Khái niệm an toàn điện rộng hơn là an toàn phòng chống cháy nổ vì còn liên quan đến cả an toàn điện giật. Thứ hai là còn khiếm khuyết trong quy định cụ thể về kiểm soát hành vi sử dụng điện, Thông tư còn đang thiếu, còn phải xử lý về pháp luật liên quan đến bất khả xâm phạm chỗ ở, quy định xâm phạm gia cư… Bộ Công Thương đang đề xuất sửa đổi quy định như Bộ Công an đã nêu. Bộ đã có Thông tư 05 về an toàn điện, rộng hơn cả phòng cháy chữa cháy.
Thứ hai, giống như ý kiến của Bộ Xây dựng, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn bất cập, đặc biệt là phần điện lực. Ngay cả thi công, thiết kế trong các công trình xây dựng công cộng cũng đã có cả tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng có bất cập. Có một số công trình có giấy phép, đặc biệt cơ sở kinh doanh có thẩm định thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, thẩm duyệt cả phương án phòng cháy chữa cháy nhưng những công trình dân doanh không cần xin giấy phép xây dựng thì ai thẩm duyệt, và thẩm duyệt rồi thì thi công, ai kiểm tra hoàn công? Kể cả những công trình công nghiệp làm rất kĩ, cơ quan phòng cháy chữa cháy kiểm tra, nghiệm thu vẫn có tình trạng bỏ qua, không báo cáo trước khi đưa vào sử dụng. Suy cho cùng là việc thực thi, chấp hành quy định pháp luật đang có vấn đề mặc dù phòng cháy chữa cháy là một trong những luật nghiêm ngặt nhất vì liên kết đến luật hình sự. Hành vi làm cháy là hành vi hình sự nhưng mà xử lý vẫn chưa nghiêm. Thậm chí những đội chuyên nghiệp nhất đến lúc hàn xì vẫn gây ra cháy nhà máy điện. Lực lượng thi công phòng cháy chữa cháy tòa nhà EVN1 cũng chính là lực lượng gây cháy tòa nhà. Đó là câu chuyện hành vi sử dụng, không chấp hành kỹ năng về an toàn. Như vậy ngay cả phần giám sát lúc thi công công trình cũng có lỗ hổng pháp luật ở chỗ này. Phần liên quan đến an toàn điện trong Luật Xây dựng, cần suy nghĩ làm thế nào để đưa vào cuộc sống.
Cuối cùng, Bộ Công Thương thấy rằng ngay trong 11 tập đoàn do Bộ quản lý , năm vừa rồi vẫn xảy ra 160 vụ cháy, rõ ràng công tác quản lý còn chưa hiệu quả. Trong báo cáo của Bộ Công an nói rất đúng, phải bắt đầu ngay từ cơ sở. Chưa khi nào phương châm 4 tại chỗ về phòng cháy chữa cháy lại rõ hơn lúc này, nói rộng ra là sự nghiệp toàn dân. Ngành Công Thương rất lo lắng vì các lĩnh vực của ngành tiềm ẩn cháy nổ rất lớn, kể cả điện, hóa chất, xăng dầu, dầu khí, khai thác hầm mỏ, quá trình sơ chế khí methane… Hiện nay các đơn vị chấp hành tương đối nghiêm, cháy nổ đã giảm nhiều nhưng vẫn xảy ra chết 75 người, bị thương 52 người.
Thứ ba, câu chuyện 4 tại chỗ trong báo cáo cũng đã nêu nhưng tôi xin điểm lại tình hình trang bị cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ: Trong 5 năm vừa rồi, đã đầu tư 9.600 tỷ nhưng có 4.600 tỷ đầu tư vào trang bị cả nước mình là đã rất cố gắng. Tuy nhiên mối có 167 xe thang, 1.267 xe phòng cháy chữa cháy thì vẫn là ít.
Thứ tư là siết chặt quy định về việc cấp giấy phép kinh doanh. Đối với loại hình kinh doanh dân doanh hiện nay, chúng ta đang cải cách hành chính nhưng câu chuyện liên quan đến phòng cháy chữa cháy thì cần xem xét. Thợ hàn hiện nay trong báo cáo của Bộ Công an là một nhóm sử dụng nguồn nhiệt không hợp lý. Thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ kinh khủng, các quán karaoke cũng là do thợ hàn. Nhưng hiện nay chưa ai cấp phép cho thợ hàn, kiểm tra máy của thợ hàn cũng chưa có.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn: TP. Hà Nội báo cáo nhanh về công tác thực hiện triển khai chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 792 ngày 10/9/2022 về chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại Bình Dương.
Ngay sau khi nhận được Công điện của Thủ tướng Chính phủ, TP. Hà Nội đã ban hành Công điện về tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn và yêu cầu các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng đồng thời chỉ đạo thực hiện trên toàn thành phố một số nhiệm vụ như sau:
Hoàn thành việc tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường. Hiện nay trên thành phố Hà Nội có trên 1.400 quán bar, vũ trường đang hoạt động; xử lý nghiêm các vi phạm bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Giám sát chặt chẽ các cơ sở đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do không bảo đảm các quy định phòng cháy, chữa cháy theo yêu cầu; vi phạm điều kiện phòng cháy chữa cháy và yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố nếu xảy ra vi phạm. Hiện nay toàn thành phố đã đình chỉ 326 trường hợp.
Đối với các cơ sở kinh doanh trong thời gian sửa chữa, kiên quyết không cho phép hoạt động và nếu xảy ra sự cố đáng tiếc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
TP. Hà Nội xin báo cáo về "Giải pháp xây dựng lực lượng dân phòng đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội": Thủ đô Hà Nội có khoảng 10 triệu người; đơn vị hành chính gồm 30 quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường. Trên địa bàn Thành phố hiện nay với khoảng 1.437 công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng; 09 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp; 5.311 khu dân cư, trong đó có 438 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao.
Thực tiễn cho thấy vai trò của lực lượng dân phòng trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn là rất quan trọng. Việc đầu tư và hoạt động hiệu quả của lực lượng này góp phần giảm thiểu số vụ cháy, kịp thời dập tắt các đám cháy ngay từ khi mới phát sinh và không để cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Về thực trạng lực lượng dân phòng hiện nay, đã xây dựng và thành lập 5.362 Đội dân phòng/ 5.362 thôn, tổ dân phố (đạt tỉ lệ 100%); với tổng 46.101 đội viên đội dân phòng; mỗi đội dân phòng được bố trí 01 đội trưởng, từ 1-2 đội phó tùy theo số lượng thành viên.
Về trang bị phương tiện PCCC và CNCH, cơ bản các đội dân phòng trên địa bàn Thành phố đều đã được trang bị phương tiện PCCC và CNCH ban đầu như: Bình chữa cháy, đèn pin, búa, rìu, xà beng, búa tạ,… Tuy nhiên, một số đơn vị chưa trang bị đầy đủ theo quy định của Chính phủ, Bộ Công an, nhất là về trang phục chữa cháy (quần áo, găng tay, mũ, ủng, mặt nạ phòng độc,…). Hiện tại, Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, trang bị bổ sung đảm bảo theo quy định.
Công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chữa cháy, CNCH: Hằng năm, lực lượng dân phòng đều được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ nghiệp vụ PCCC và CNCH.
Về chế độ chính sách cho lực lượng dân phòng, căn cứ Nghị định số 136/2020 của Chính phủ, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 16/2021 quy định mức hỗ trợ cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng, cụ thể: Với Đội trưởng là 30% và Đội phó là 25% mức lương tối thiểu vùng; đối với đội viên đội dân phòng, các chế độ chính sách được chi trả khi tham gia huấn luyện, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của Chính phủ.
Về thực trạng hoạt động và tính hiệu quả của lực lượng dân phòng trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô, trong công tác PCCC, đã bước đầu phát huy được tính hiệu quả nhất định. Đây là cánh tay nối dài của UBND và công an cấp xã trong công tác đảm bảo an toàn về PCCC tại địa phương, nhất là đối với khu dân cư, hộ gia đình.
Trong công tác CNCH, lực lượng dân phòng chủ yếu là phối hợp, hỗ trợ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn được người dân thoát nạn, thoát hiểm trong những vụ việc đơn giản; di chuyển và bảo vệ tài sản, an ninh trật tự phục vụ công tác chữa cháy. Các vụ cứu nạn, cứu hộ người mắc kẹt trong đám cháy, trên các tầng cao, dưới nước, sập đổ cấu kiện, công trình đều do lực lượng chuyên nghiệp thực hiện.
Giải pháp xây dựng lực lượng dân phòng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ CNCH trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới: Hiện tại, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng thể nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới, theo phương châm "bốn tại chỗ" trong công tác PCCC và CNCH. Cụ thể:
Rà soát, kiện toàn về lực lượng dân phòng, bổ sung ngay các điều kiện cần thiết về trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân, nơi làm việc và chế độ chính sách cho thành viên đội dân phòng trong hoạt động PCCC và CNCH tại địa phương.
Giao Công an Thành phố tăng cường huấn luyện, đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng đảm bảo đáp ứng yêu cầu để xử lý các tình huống cháy nổ, sự cố, tai nạn trong giai đoạn ban đầu.
Thành phố Hà Nội có một số đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an như sau:
Đề nghị Quốc hội sớm ban hành luật Lực lượng tham gia bảo về An ninh, trật tự ở cơ sở để có cơ chế huy động các lực lượng quần chúng, lực lượng bán chuyên trách tham gia công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ được rộng rãi hơn, đông đảo hơn.
Đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 83 năm 2017 của Chính phủ và các Thông tư, hướng dẫn của Bộ Công an có liên quan về công tác CNCH để phù hợp với mô hình mới sau khi sáp nhập Cảnh sát PCCC và CNCH vào Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình mới.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng: Hệ thống pháp luật để kiểm soát và quy định về quy chuẩn là bảo đảm. Câu hỏi đặt ra là tại sao các sự cố về cháy nổ vẫn đang xảy ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng: Trước hết, thực hiện các quy định của Thủ tướng Chính phủ, Quy định 630, Quy định 1492; Chương trình hành động tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, Bộ được giao 7 nhiệm vụ và ban hành các Quyết định 931 và 279 năm 2019, 2020 để thực hiện nhiệm vụ nêu trên. Trong đó có cả 2 nhiệm vụ về quy hoạch đô thị có xét đến yếu tố phòng cháy, chữa cháy và an toàn điện cho các công trình như đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an đã báo cáo.
Bộ đã thường xuyên phối hợp với Bộ Công an, cụ thể với Cục Phòng cháy, chữa cháy (Bộ Công an) rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ dung quy định về phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình. Từ khi đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách vấn đề này thì ít nhất 3 lần đã làm việc trực tiếp, về phòng cháy, chữa cháy thì tối thiểu 2 tuần 1 lần, để rà soát. Về hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy cho các công trình và nhà, đến nay cơ bản đầy đủ, cụ thể như sau: Trước hết là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2010/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình, Quy chuẩn chịu lửa kết cấu theo hướng chống cháy lan…
Về quy hoạch, Quy chuẩn QCVN 01 sửa đổi năm 2021 quy định về quy hoạch đô thị và khu đô thị, trong đó có các yêu cầu về khoảng cách giữa nhà và công trình, quy hoạch về mạng lưới giao thông bảo đảm tiếp cận về phòng cháy, chữa cháy; quy hoạch về nước sinh hoạt, quy hoạch mật độ của các trạm công an phòng cháy chữa cháy trong khu dân cư, khi thẩm định các đề án quy hoạch đều có ý kiến thẩm định của cơ quan phòng cháy, chữa cháy. Quy chuẩn 12 về hệ thống điện cho nhà và công trình, trong đó có các quy định khá cụ thể về hệ thống dây cáp điện, thoát nhiệt, chống tác động nhiệt, chống, quá tải hệ thống điện, bảo vệ chống sét…
Riêng đối với phòng cháy, chữa cháy cho karaoke và vũ trường, Bộ Công an từ năm 2015 đã ban hành thông tư riêng và sửa đổi năm 2020 như một tiêu chuẩn riêng về phòng cháy, chữa cháy cho karaoke và vũ trường. Trong đó quy định rất cụ thể về khoảng cách an toàn của cơ sở karaoke đối với công trình lân cận, quy định về chịu lực của nhà và kết cấu chịu lực, quy định tướng vách ngăn cháy, quy định về chống cháy lan, quy định về lối thoát nạn, ít nhất phải có 2 lối thoát nạn, quy định về hệ thống âm thanh, quy định về vật tư trang trí, nội thất, quy định về biển quảng cáo không được che khuất toàn bộ mặt tiền để chặn các lối thoát hiểm…
Về cơ chế kiểm soát phòng cháy, chữa cháy, theo quy định hiện nay có 3 bước: Bước thứ nhất là khi cấp phép xây dựng, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa các trụ sở để kinh doanh karaoke, vũ trường thì khi cấp phép xây dựng đối tượng này phải chịu thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy và phải được kiểm tra, nghiệm thu.
Bước thứ hai, khi cấp phép hoạt động cho thuê vũ trường do cơ quan quản lý văn hoá cấp phải có giấy chứng nhận bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cháy nổ.
Bước thứ ba là hằng năm, định kỳ, cơ quan phòng cháy, chữa cháy kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy.
Tóm lại, hệ thống pháp luật để kiểm soát và quy định về quy chuẩn là bảo đảm. Câu hỏi đặt ra là tại sao các sự cố về cháy nổ, đặc biệt đối với kinh doanh karaoke, vũ trường vẫn đang xảy ra hiện nay? Nguyên nhân thế nào? Cái này Bộ Công an sẽ có đánh giá cụ thể, chính xác. Theo chúng tôi, có 3 nguyên nhân chính đặc biệt đối với karaoke và vũ trường:
Phần lớn hiện nay, các cơ sở karaoke và vũ trường, đặc biệt là karaoke, trước năm 2015 và sau khi chúng ta kiện toàn hệ thống tiêu chuẩn an toàn, karaoke, vũ trường chủ yếu chuyển đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh nên nhiều cơ sở không đạt tiêu chuẩn, ví dụ như quy định về 2 lối thoát nạn rất khó thực hiện với nhà ở riêng lẻ.
Thứ hai là quy định về vật liệu, trang âm… phải bảo đảm không cháy, quy định về an toàn điện như thế nhưng lại phụ thuộc vào nguồn điện đấu nối… Rồi quy định về khoảng cách giữa cơ sở karaoke với nhà bên cạnh, nhiều lúc nhà dân xen kẹt ở giữa, các nhà liền nhau, trong trường hợp đó chúng ta có quy định tường ngăn cháy, nhưng các cơ sở lại không bảo đảm được. Phần lớn trước năm 2015 các cơ sở kinh doanh như thế nên bây giờ khắc phục rất khó mặc dù bên công an kiểm soát rất chặt. Các công trình trong khu dân cư hiện hữu như Thủ tướng đã nói trong ngõ, hẻm, kiệt… nên gây khó khăn cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Đấy là thực tế tại các đô thị.
Về các giải pháp kiểm soát, cấp phép xây dựng, cấp phép hoạt động và kiểm tra định kỳ: Khi xin cấp phép, họ xin xây dựng nhà ở riêng lẻ chứ không xin cấp phép để kinh doanh karaoke, nhưng họ lại cải tạo, sửa chữa sang kinh doanh karaoke nhưng cũng không xin phép nên bước đầu tiên rất dễ bị bỏ qua. Rồi ý thức của chủ sở hữu, vận hành không có các kỹ năng hướng dẫn, nhân viên thì không có các kỹ năng về chống cháy nổ, thoát hiểm… nên khi xảy ra sự cố thì rất khó xử lý.
Về những kiến nghị, theo tôi, chúng ta phải kiểm soát chặt các hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn cũng như các quy định về kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà ở chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh. Đối với những đối tượng tồn tại trước năm 2000, chúng ta phải có những nghiên cứu để quy định cho linh hoạt, khả thi. Cần biên soạn các quy chuẩn, hướng dẫn, các quy định để hoàn thiện, như Thủ tướng đã nói, hình như khâu an toàn điện khó kiểm soát, có ở trên giấy nhưng không cơ quan nào kiểm tra được. Phải có quy định về vận hành và kiểm tra. Cuối cùng là trách nhiệm của chủ sở hữu, vận hành, có ý thức chấp hành các quy định.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy -
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy và kiểm điểm kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83 quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC.
Về tình hình cháy, 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7 nghìn tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng.
Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỷ đồng.
Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị chiếm khoảng trên 60%. Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.
Về tình hình công tác cứu nạn, cứu hộ: 5 năm qua, triển khai nhiệm vụ CNCH, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động trên 235.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 30.000 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với gần 18.000 vụ cháy, nổ, sự cố; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người và tìm được 3.350 thi thể nạn nhân do đuối nước, cháy...
Kết quả thực hiện các mặt công tác
Thứ nhất về công tác triển khai thực hiện, Bộ Công an đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Kết luận số 02, Quốc hội (khóa 14) ban hành Nghị quyết số 99, Chính phủ ban hành 4 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định, 3 chỉ thị, 12 công điện và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác về công tác PCCC, CNCH.
Sau khi thực hiện Nghị định số 83 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ có văn bản số 11.298 ngày 24/10/2017 giao các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, đã có 40/63 UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện. Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 15 thông tư quy định các nội dung về công tác cứu nạn, cứu hộ. Bộ Công an hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, CNCH với 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia; phối hợp với các cơ quan chức năng của Tòa án nhân dân Tối cao nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn Điều 313 của Bộ luật Hình sự nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý đối với các dự án, công trình, cơ sở cố tình đưa vào sử dụng không bảo đảm các yêu cầu, điều kiện an toàn về PCCC.
Chính phủ, Bộ Công an, UBND các cấp đã tổ chức 145 hội nghị tuyên truyền về công tác PCCC, CNCH; trong đó có 02 hội nghị do Chính phủ chủ trì tổ chức, 08 hội nghị do Bộ Công an tổ chức, 135 hội nghị do UBND cấp tỉnh chủ trì và các Bộ, ban, ngành chủ trì.
Thứ hai, về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, CNCH, Bộ Công an đã ban hành Đề án số 382 ngày 18/01/2021 về "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới" thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021-2030; triển khai ứng dụng Báo cháy 114, hiện toàn quốc đã có gần 350 ngàn lượt người tải và đăng ký sử dụng; Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 06 ngày 11/5/2022 hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng gửi trên 107 triệu tin nhắn tới các thuê bao di động cảnh báo, khuyến cáo người dân về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH đã phối hợp các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, đăng tải trên 80.000 tin, bài; phát sóng trên 800.000 phóng sự, phim tài liệu PCCC; tổ chức tuyên truyền, huấn luyện PCCC, CNCH trên 170.000 buổi với hơn 9 triệu người tham gia. Xây dựng, phát triển, nhân rộng trên 4.000 mô hình điển hình, hơn 14.000 điển hình tiên tiến về PCCC, CNCH theo phương châm "Bốn tại chỗ".
Đối với công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về bảo đảm điều kiện an toàn, phòng, chống sự cố, tai nạn: Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH mở 02 đợt cao điểm tuyên truyền, trong đó đã chỉ rõ các nhiệm vụ cần thực hiện và tổng kiểm tra an toàn PCCC, CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC, CNCH trên 23 triệu lượt đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; vận động 2,8 triệu hộ gia đình chủ động tạo lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ, phương tiện tại hộ gia đình phục vụ việc thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố, tai nạn xảy ra. Đã phát hiện trên 1.100.000 tồn tại, thiếu sót; xử phạt gần 50.000 trường hợp với tổng số tiền 520 tỷ đồng; tạm đình chỉ 1.368 trường hợp, đình chỉ 1.013 trường hợp. Qua kiểm tra đã hướng dẫn khắc phục những hạn chế, thiếu sót, góp phần loại trừ nhiều nguy cơ phát sinh cháy, nổ sự cố, tai nạn.
Thứ ba, công tác tổ chức các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: Bộ Công an đã phối hợp với UBND các tỉnh xây dựng, tổ chức nhiều cuộc diễn tập phương án tìm kiếm, cứu nạn quy mô lớn, huy động nhiều lực lượng, phương tiện của các đơn vị, địa phương tham gia. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công an, UBND các địa phương đã xây dựng 146 phương án cấp tỉnh; Bộ Công an đã xây dựng 119 phương án cấp Bộ để huy động nhiều lực lượng phương tiện tham gia ứng phó với các tình huống cháy, nổ, sự cố tai nạn đặc biệt nghiêm trọng; lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH xây dựng trên 9.000 phương án CNCH; tổ chức diễn tập trên 3.500 phương án.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã nghiên cứu biên soạn và hoàn thiện hàng chục bộ tài liệu hướng dẫn Công an các địa phương về kỹ thuật, chiến thuật trong tổ chức chữa cháy và CNCH; tổ chức gần 700 lớp huấn luyện với tổng thời gian huấn luyện gần 200.000 giờ.
Duy trì, tổ chức tốt công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu; phân công trực chữa cháy, CNCH với tổng quân số trung bình hằng ngày khoảng 6.000 cán bộ chiến sĩ và 2.300 phương tiện chữa cháy, CNCH các loại sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Trong quá trình tổ chức chữa cháy, CNCH, với tinh thần không ngại nguy hiểm, sẵn sàng quên mình cứu người bị nạn, 08 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC, CNCH hy sinh và nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương.
Thứ tư, về công tác kiện toàn lực lượng và chế độ, chính sách cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: Theo quy định của pháp luật hiện hành, lực lượng PCCC, CNCH gồm 4 lực lượng: Dân phòng; PCCC cơ sở; PCCC chuyên ngành và Cảnh sát PCCC, CNCH.
Hiện nay, về lực lượng dân phòng, đã thành lập được trên 80.000 đội dân phòng trên tổng số 103.000 thôn, (đạt tỉ lệ khoảng 77,7%) với trên 820.000 thành viên. Về lực lượng PCCC cơ sở, đã thành lập được trên 325.000 đội PCCC cơ sở với trên 340.000 cơ sở thuộc diện phải thành lập đội PCCC cơ sở (chiếm khoảng 95%). Về lực lượng PCCC chuyên ngành, đã thành lập được 460 đội PCCC chuyên ngành với 8.500 đội viên. Về lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, hiện đã được sắp xếp, kiện toàn để tinh gọn, bám địa bàn, bám sát cơ sở. Đến nay đã thành lập được 250 Đội Cảnh sát PCCC, CNCH, 254 Tổ PCCC, CNCH tại Công an cấp huyện; và bố trí từ 1-2 cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác PCCC và CNCH tại Công an cấp xã.
Về chế độ, chính sách cho người tham gia chữa cháy, CNCH: Đến nay, đã có 26/63 địa phương, HĐND cấp tỉnh đã ban hành Nghị quyết với mức hỗ trợ cho chức danh Đội trưởng Đội Dân phòng khoảng 500.000 đ/người và chức danh Đội phó Đội Dân phòng khoảng 400.000 đ/người.
Hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân
Về hạn chế, thiếu sót, mặc dù lãnh đạo các cấp đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ nhưng số vụ cháy vẫn xảy ra nhiều, một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người.
Thứ hai, một số bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 630 và Quyết định số 1492 của Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC, CNCH còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ, cụ thể:
Bộ Xây dựng chưa xây dựng cơ chế quản lý, giám sát việc lắp đặt hệ thống thiết bị điện phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở, tại hộ gia đình theo quy định của pháp luật về xây dựng nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ nguyên nhân do sự cố điện và thiết bị điện.
Bộ Công Thương chưa có kết quả cụ thể về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện để bảo đảm an toàn về PCCC tại các cơ sở, hộ gia đình (theo yêu cầu của Chính phủ phải hoàn thành trong quý IV/2021).
Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa hoàn thành nhiệm vụ hoàn thiện tài liệu, giáo trình, bài giảng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH để lồng ghép vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm trong cơ sở giáo dục phù hợp với từng cấp học (theo yêu cầu của Chính phủ phải bắt đầu thực hiện từ năm học 2021 - 2022).
Bộ Khoa học và Công nghệ chưa ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật về sản phẩm điện theo quy định tại Nghị định số 127 ngày 01/8/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (theo yêu cầu của Chính phủ thì phải hoàn thành từ năm 2020).
Có 11 địa phương chưa công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát gồm: Hải Phòng, Bình Phước, Kon Tum, Lạng Sơn, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Ninh Bình, Trà Vinh, Lai Châu, Hà Giang (theo yêu cầu của Chính phủ phải thực hiện từ năm 2020).
Có 37 địa phương UBND chưa tham mưu HĐND ban hành theo thẩm quyền mức chi ngân sách cho công tác PCCC, CNCH; mức chi hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng, gồm: An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Định, Cao Bằng, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Nam Định, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Yên, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long và Yên Bái (theo yêu cầu của Chính phủ thì phải hoàn thành và thực hiện từ năm 2020).
Thứ ba, ở Trung ương, đến nay mới có 3 bộ gồm Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp và 40 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Nghị định số 83; còn 23 địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai cụ thể mà lồng ghép công tác cứu nạn, cứu hộ với các nhiệm vụ khác, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Kiên Giang, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Sóc Trăng, Trà Vinh và Yên Bái.
Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về CNCH chưa thường xuyên, liên tục; chưa trang bị được nền tảng kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy, nổ, sự cố, tai nạn cho mọi người dân từ khi mới phát sinh.
Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC, CNCH do lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ trì còn ít nên nhiều tồn tại, thiếu sót mang tính cốt lõi chưa được chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Vai trò, trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Mặt trận Tổ quốc ở địa phương còn những hạn chế nhất định, ít tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về công tác PCCC, CNCH.
Thứ sáu, công tác xây dựng và phát triển lực lượng phòng cháy tại chỗ còn nhiều bất cập. Việc xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng chưa đảm bảo yêu cầu thực tế; trang thiết bị, phương tiện PCCC, CNCH còn thiếu; hoạt động mang tính hình thức. Các quy định về chế độ, chính sách động viên, khuyến khích hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng chưa được quy định rõ ràng, do vậy chưa thu hút, khích lệ được cán bộ tham gia các hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đối với đội PCCC chuyên ngành, chưa đảm bảo theo quy định (hiện còn 174 cơ sở chưa thành lập được Đội PCCC; trong đó có 96 Đội PCCC chuyên ngành chưa trang bị được xe chữa cháy). Chất lượng tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy, CNCH còn hạn chế, khả năng xử lý các tình huống sự cố, tai nạn phức tạp còn nhiều khó khăn.
Thứ bảy, công tác đầu tư, trang bị phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác PCCC, CNCH còn thiếu nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ, nhiều địa phương ven biển chưa có tàu thủy chữa cháy. Việc đầu tư ngân sách hoạt động PCCC, CNCH mới chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, nhiều địa phương ngân sách đầu tư cho hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót chủ yếu do: Nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, chủ cơ sở và một bộ phận không nhỏ người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác này, có biểu hiện phó mặc cho các lực lượng chuyên trách, chưa quan tâm kiện toàn và đảm bảo điều kiện, phương tiện, trang thiết bị cho các lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Hệ thống các văn bản chỉ đạo với các giải pháp tương đối đầy đủ nhưng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn buông lỏng trong quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát.
Công tác phối hợp hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa chặt chẽ.
Tốc độ đô thị hoá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Sau thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất tạm dừng hoạt động khiến nhiều trang thiết bị, nhất là thiết bị điện hư hỏng không được kiểm tra, khắc phục kịp thời dẫn đến sự cố cháy nổ khi hoạt động tích cực trở lại và có nhiều sự cố phát sinh do bất cẩn khi cải tạo, sửa chữa, nhất là việc hàn, cắt kim loại; ngoài ra, việc lắp đặt các biển quảng cáo không đảm bảo các tiêu chuẩn về PCCC cũng là một trong các nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy, nổ.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Quán triệt mục tiêu kiềm chế sự gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; để thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an xin đề xuất các nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy phải xác định quan điểm: Lấy phòng ngừa là chính, phòng là xây, chữa là chống; lấy phòng là"cơ bản, chiến lược, lâu dài"; làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy và phương châm: Từng nhà an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường an toàn để xây dựng thế trận phòng cháy chữa cháy.
Đối với công tác chữa cháy phải xác định "thời điểm vàng" để chữa cháy, không quá 05 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Vì vậy, phải huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi vụ cháy mới xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm: Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân và chỉ huy cũng ở trong dân.
Thứ hai, đối với các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 630 và Quyết định số 1492 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cụ thể:
Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để sửa đổi, bổ sung ban hành mới, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Sớm hoàn thành các quy chuẩn an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở kinh doanh đặc thù, nhạy cảm như karaoke, vũ trường, quán bar…
Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện để bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, hộ gia đình để giảm thiểu các nguy cơ cháy, nổ, sự cố.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương đưa việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH trong chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong các cơ sở giáo dục vào chương trình học năm 2022-2023.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung công việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nghiên cứu, đề xuất tăng mức phụ cấp đặc thù cho lực lượng.
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm điện theo quy định.
Ba là, đối với các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị định 83 của Chính phủ, đề nghị khẩn trương bám sát các quy định, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị định để cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương mình.
Bốn là, đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương ban hành các nghị quyết, chỉ thị về tăng cường chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy, có chế tài xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan có chức năng quản lý về phòng cháy, chữa cháy nếu thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết thu hồi giấy phép, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả pháp luật hình sự đối với các cơ sở kinh doanh không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy cố tình hoạt động để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng; công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức, người dân cùng tham gia giám sát; sớm tham mưu Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về mức chi ngân sách cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; mức chi hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng theo quy định; quan tâm chỉ đạo kiện toàn về nhân lực, cân đối ngân sách địa phương hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị cho các lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là đối với các lực lượng dân phòng, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; chỉ đạo, giám sát các cơ sở phải thành lập đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành, đội phòng cháy chữa cháy cơ sở khẩn trương thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả, thực chất theo đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”.
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh karaoke. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 01/8/2022 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9/2022; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 06/9/2022 làm nhiều người chết, tối 11/9 xảy ra vụ cháy tại Đồng Nai…). Nhân Hội nghị, một lần nữa tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn.
Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.
Trước tình hình đó, tôi và Thường trực Chính phủ đã yêu cầu: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép, kiểm tra và các cá nhân liên quan, bảo đảm tính khách quan. Đồng thời, tổ chức hội nghị để kiểm điểm, đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy và kết quả sau 05 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng phòng cháy chữa cháy.
Phòng cháy, chữa cháy và công tác cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi: Kinh tế, xã hội nước ta đang trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhà và công trình cao tầng ngày càng nhiều; hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh gia tăng; nhu cầu sử dụng năng lượng, hóa chất lớn, dẫn tới nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn… Trong khi đó, nhận thức, hành vi, thói quen về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của mọi người còn có những lúc, những nơi hạn chế; kỹ năng xử lý, ứng phó khi có sự cố là chưa cao; việc thực thi quy định pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, bất cập. Ví dụ, bất cập ngay từ khi làm quy hoạch, quy hoạch phải làm sao để khi sự cố xảy ra thì các phương tiện chữa cháy tiếp cận được?
Hội nghị của chúng ta hôm nay có ý nghĩa thiết thực để sau Hội nghị này cần có sự chuyển biến thực chất trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên phạm vi toàn quốc. Tôi đề nghị các đồng chí với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan), rút ra những bài học kinh nghiệm gì, trong đó tập trung vào các vấn đề như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật; khâu tổ chức thực hiện và công tác quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm; tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn (nhất là về con người, công nghệ, trang thiết bị…) và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Thời gian Hội nghị có hạn, đề nghị các đồng chí trình bày báo cáo, phát biểu ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào trọng tâm, trọng điểm, hạn chế giải thích. Sau đây, mời Bộ Công an báo cáo đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy và kiểm điểm kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83 quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn