Cấp bách, tiến độ và chất lượng

Thứ sáu - 16/08/2024 23:03
Chính phủ đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đầu tư công và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi) và đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu cùng các chính sách lớn của các dự luật này đã được Thường trực Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp sáng 14.8 vừa qua. 

Việc đề xuất sửa đổi các luật trên, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, "có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn", qua đó, triển khai các Nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, các chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ; góp phần triển khai 3 đột phá chiến lược và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; đáp ứng mong muốn của người dân và doanh nghiệp về giảm thủ tục hành chính, phiền hà, sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, tháo gỡ khó khăn, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. 

Tại phiên họp nêu trên, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh một số quan điểm đối với việc sửa đổi các luật này. Trong đó, với đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi), Thủ tướng nêu rõ: cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; không đầu tư dàn trải, ngân sách đầu tư của Trung ương tập trung cho kết nối vùng, quốc gia, quốc tế, ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương cũng phải theo hướng này. Cùng với đó, là linh hoạt sử dụng các nguồn vốn Trung ương, địa phương; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, có công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật kịp thời trong đầu tư công. 

Với đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải vừa tháo gỡ được các vướng mắc cấp bách đang đặt ra trong thực tiễn, vừa kiến tạo phát triển cho tương lai; khơi thông, tận dụng mọi nguồn lực cho phát triển, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", khuyến khích được các nhà đầu tư chiến lược, có công nghệ cao. 

Từ các yêu cầu nêu trên có thể thấy, nội dung, phạm vi đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật là khá lớn, khó, phức tạp và có tác động sâu rộng. Về tiến độ, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các luật trên để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới. Để bảo đảm tiến độ và chất lượng, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan ưu tiên dành thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật với tinh thần “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, bố trí các cán bộ có đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, khen thưởng, kỷ luật kịp thời... 

Trước yêu cầu của thực tiễn, số lượng các dự án luật được trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đang ngày càng tăng lên. Ngay trong sáng qua, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung 2 dự án Luật vào chương trình lập pháp năm 2024, 2025 của Quốc hội. Trước đó, ngày 8.8, Chính phủ đã có văn bản đề xuất bổ sung 6 dự án Luật vào chương trình Kỳ họp thứ Tám tới, trong đó có 5 dự án Luật được đề xuất thông qua theo quy trình tại một kỳ họp. 

Về phía Quốc hội, tại các cuộc làm việc với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đều đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu từng cơ quan phải chủ động xem xét, rà soát các lĩnh vực phụ trách xem còn vấn đề gì bất cập, khó khăn để khi Chính phủ trình sang Quốc hội thì có đủ cơ sở để xem xét, quyết định. Bế mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật vừa qua, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa đề nghị, "Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban bám sát tiến độ, chủ động nghiên cứu, chuẩn bị thẩm tra, kịp thời báo cáo Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bố trí vào chương trình chính thức phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp đáp ứng đủ điều kiện". 

Từ thông điệp của Chủ tịch Quốc hội có thể thấy, Quốc hội luôn đồng hành chặt chẽ với Chính phủ, sẵn sàng xem xét, bổ sung, quyết định kịp thời các dự án luật, các dự thảo nghị quyết nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Nhưng đồng thời, Quốc hội cũng sẽ cương quyết hơn với những nội dung không đáp ứng đủ điều kiện, ở đây không chỉ là điều kiện về chất lượng mà còn cả về tiến độ. Với những dự án được đề xuất bổ sung chương trình lập pháp của Quốc hội, dứt khoát phải bảo đảm cả 3 yếu tố: thực sự cấp bách; tiến độ và chất lượng. Muốn vậy, đúng như Chủ tịch Quốc hội đã lưu ý, "căn bản là phải từ gốc", tức là từ cơ quan được giao chủ trì soạn thảo qua thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ; lãnh đạo Bộ chủ trì soạn thảo "phải tích cực ngồi nhiều lần để xem xét từng khoản, từng điều, từng dòng, từng từ ngữ, câu chữ để khi trình lên Chính phủ phải có tính thuyết phục, chất lượng cao", trên cơ sở đó Chính phủ trình sang Quốc hội thì chất lượng lập pháp chắc chắn sẽ tốt. 

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi