![]() |
Cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật, các thể chế về việc xử lý các hành vi làm chậm tiến độ cổ phần hoá thì cũng cần thực hiện nghiêm việc xử lý đối với người đứng đầu (Ảnh minh hoạ) |
Chỉ ra nguyên nhân, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, như: Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong cổ phần hóa, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn; một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp...
Tại cuộc toạ đàm, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp - cho rằng, bên cạnh thể chế, chính sách còn nhiều lỗ hổng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là những vướng mắc trong quản lý đất đai. Tuy vậy, ông Long vẫn nhấn mạnh đây chưa hẳn là lý do chính. Lấy trường hợp của Tập đoàn Cao su làm ví dụ, ông Long phân tích, tập đoàn này quản lý hàng trăm ngàn ha đất trải khắp từ Bắc đến Nam song vẫn thực hiện cổ phần hoá đúng tiến độ.
“Vì vậy, vai trò và sự quyết liệt của người đứng đầu doanh nghiệp hết sức quan trọng” - ông Long nói và chỉ ra rằng, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn tâm lý e ngại trong việc thực hiện cổ phần hóa, còn tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá. Đặc biệt, vẫn còn tư tưởng né tránh trách nhiệm, sợ va chạm nên chưa làm quyết liệt, mạnh mẽ do cơ chế, chính sách liên quan còn nhiều lỗ hổng, chưa rõ ràng.
Tán thành với ý kiến trên, ông Phạm Đức Trung - Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhắc lại, ngay từ giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu xử lý người đứng đầu doanh nghiệp không hoàn thành tiến độ cổ phần hoá. Tiếp đó, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 02/2/2017 về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2019 về tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó đã xác định rõ trách nhiệm và có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiệm hành vi làm chậm tiến độ cổ phần hoá.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như chúng ta chưa xử lý người đứng đầu nào không hoàn thành cổ phần hoá theo tiến độ. Đây là lý do khiến những người đứng đầu không cảm thấy e ngại.
Vì vậy, trong thời gian tới, theo ông Trung, cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật, các thể chế về việc xử lý các hành vi làm chậm tiến độ cổ phần hoá để làm căn cứ thực hiện thì cũng cần thực hiện nghiêm việc xử lý đối với người đứng đầu, không chỉ là người đứng đầu doanh nghiệp cổ phần hoá mà còn cả người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Trong khi đó, để các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hoá hoạt động hiệu quả, giảm thiểu những sai sót, thậm chí là sai phạm đáng tiếc, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính – cho rằng, khi doanh nghiệp nhà nước đã chuyển sang công ty cổ phần, không còn là doanh nghiệp nhà nước nữa thì cách thức quản lý của doanh nghiệp phải thay đổi cho phù hợp với cơ chế. Do đó, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa nên được bàn giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) hoặc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bởi đây là những cơ quan chuyên trách về quản lý, chiến lược, có đầy đủ nguồn lực và cả cơ chế, chế tài để giám sát doanh nghiệp sau cổ phần hóa.Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn