Doanh nghiệp nhà nước luôn phải đi trước
Theo Thủ tướng, mặc dù còn nhiều bất cập như báo cáo của các bộ, ngành đã chỉ ra tại hội nghị, tiến trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. “Việc giảm từ 12.000 doanh nghiệp nhà nước xuống còn 600 doanh nghiệp là một thành công” - Thủ tướng nói.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước |
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thực tế của Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, doanh nghiệp nhà nước là hết sức cần thiết, quan trọng, đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt cho phát triển. Do đó, xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp nhà nước “thà ít mà tốt” là vấn đề luôn cần được quan tâm.
Liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, giá trị thực hiện giai đoạn 2016- 2018 gấp 2,5 lần thực hiện từ 2011- 2015, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tăng lên, tổng tài sản tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 4%, nộp ngân sách nhà nước là 219.469 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016... Trong 8 tháng đầu năm 2018, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước đều đạt trên 70% kế hoạch cả năm. |
Tại diễn đàn hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tâm lý chung về việc, thời gian gần đây, vấn đề thanh tra kiểm tra và xử lý một số doanh nghiệp và lãnh đạo các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp nhà khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không khỏi tâm tư lo lắng.
Theo Thủ tướng, việc xử lý các vi phạm là cần thiết nhưng không được tạo ra yếu tố kìm hãm phát triển. “Tôi yêu cầu thanh tra, kiểm tra cần hết sức chặt chẽ 1 năm không quá 1 lần. Việc thanh tra kiểm tra là để doanh nghiệp làm đúng lên chứ không phải nhằm vào khởi tố điều tra" - Thủ tướng nhấn mạnh. Chính phủ sẽ tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và không để những rào cản thể chế cản trở doanh nghiệp phát triển.
![]() |
Thủ tướng cho rằng, cần chấn chỉnh tâm lý đối phó, e dè, sợ mất quyền lợi của một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa. “Doanh nghiệp nhà nước phải đi trước chứ không phải chờ người khác đi rồi mình mới đi”, bởi theo Thủ tướng, nếu doanh nghiệp nhà nước không chủ động vươn lên thì áp lực tụt hậu sẽ ngày càng lớn.
Thủ tướng chỉ đạo, trong các văn bản pháp luật tới đây liên quan đến đổi mới doanh nghiệp nhà nước cần khắc phục cho được tình trạng “sân trước sân sau” của doanh nghiệp. “Có những ông giám đốc sân trước có một nhưng sân sau có đến mười mấy cái. Đừng tưởng Thủ tướng Chính phủ không biết” - Thủ tướng thẳng thắn.
Tới đây sẽ phần hóa cả những doanh nghiệp nhà nước làm ăn có hiệu quả để góp phần huy động vốn, nâng cao năng lực quản trị và góp phần chống tham nhũng. Việc doanh nghiệp nhà nước vươn lên làm ăn đúng pháp luật, đúng quy định là hết sức quan trọng.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được xem nhẹ công tác xây dựng đảng, phát huy vai trò của các chi bộ đảng tại doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp cổ phần hóa. “Không thể để tình trạng có ông bí thư 6-7 tháng liền không tổ chức sinh hoạt chi bộ chỉ vì mải làm ăn” - Thủ tướng nói.
Có chính sách tốt nhưng quan trọng hơn là cách thức thực hiện
Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đồng quan điểm của lãnh đạo một số Bộ, tập đoàn, tổng công ty nêu tại hội nghị. Đại diện Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước cho rằng, chưa có khi nào các chủ trương, quan điểm và chính sách của đảng và nhà nước liên quan đến đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước lại rõ ràng như hiện nay. Do đó cần giữ cho được lập trường, kỷ luật trong việc chỉ đạo để đưa các chính sách đã ban hành vào cuộc sống.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị |
Được biết ngay sau hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị Về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty. |
Chia sẻ ý kiến trong phát biểu của mình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An thẳng thắn nhìn nhận, sự thua lỗ của 12 dự án thuộc ngành là một bài học đau xót và khẳng định, Bộ Công Thương sẽ làm quyết liệt hơn công tác cổ phần hóa doanh nghiệp, thậm chí là đưa cả vào chỉ tiêu đánh giá thi đua. “Sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu và nếu chậm cổ phần hóa sẽ phải xử lý” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh. Cũng theo Thứ trưởng, việc sinh lời, bảo toàn, phát triển vốn cần được coi là mục tiêu rất quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
Ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Đảng ủy Khối Các doanh nghiệp Trung ương đưa ra ý kiến - công tác kiểm toán nội bộ ở các doanh nghiệp nhà nước rất quan trọng, nếu để kiểm toán, thanh tra, điều tra vào cuộc thì để lại hậu quả lớn. Ông Thanh đề xuất, trong xây dựng các văn bản nghị định tới đây, các doanh nghiệp cần có tiếng nói nhiều hơn nữa. Đồng tình với nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là, nhiều giám đốc doanh nghiệp nhà nước ít chịu học hỏi trong khi tư duy quản lý vẫn là “bản cũ soạn lại”, ông Thanh đề xuất cần coi lãnh đạo là một nghề và phải được đào tạo bài bản. Nhà nước cần có các cơ sở đào tạo các giám đốc doanh nghiệp.
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn