![]() |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Đây là ý kiến của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng trong buổi làm việc chiều 10/8 với Thành phố Cần Thơ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Mở đầu buổi làm việc, thay mặt Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chúc mừng Cần Thơ tổ chức thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư, và cho rằng với số vốn lên đến 85 nghìn tỷ mà nhiều nhà đầu tư lớn cam kết đã cho thấy môi trường kinh doanh của Cần Thơ trong nhiều lĩnh vực đã có cải thiện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, với quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, Thủ tướng rất quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là đôn đốc các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ ngành, địa phương. Nằm trong chương trình đó, Cần Thơ là địa phương thứ 12 và là đơn vị thứ 53 trong số các bộ, ngành, tổng công ty và các tỉnh, thành phố trong cả nước mà Tổ công tác đã làm việc.
Đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhìn nhận Cần Thơ là một trong những địa phương đến nay không còn nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn. Cụ thể, từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/7/2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Cần Thơ 360 nhiệm vụ, đến nay đã thực hiện 304 nhiệm vụ, còn 56 nhiệm vụ trong hạn chưa hoàn thành. Điều này cho thấy lãnh đạo Thành phố Cần Thơ, lãnh đạo các sở, ngành rất quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng với thực hiện tốt các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ thời gian qua rất tích cực, chỉ số GRDP dự kiến cả năm tăng khoảng 8%. Đồng thời quy mô nền kinh tế đã có sự vượt trội so với các tỉnh trong khu vực, vốn huy động đầu tư phát triển lên đến 75 nghìn tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển biến đúng hướng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý Cần Thơ một số vấn đề, như công tác giải ngân vốn chậm, nhất là giải ngân vốn ODA khi đến nay mới đạt khoảng 30%. Do đó, Thành phố cần đốc thúc, tích cực tháo gỡ vướng mắc thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để tăng tốc vấn đề này.
Mặc dù đánh giá cao việc 100% các quận huyện trên địa bàn đã có trung tâm hành chính công nhưng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các trung tâm này cần phải được kết nối với các sở, ngành. Để thực hiện chính quyền điện tử, Cần Thơ phải thành lập ngay trung tâm hành chính công cấp thành phố, hình thành mạng lưới hành chính 3 cấp, khi đó người dân mới có thể thực sự giải quyết thủ tục hành chính qua mạng.
Một vấn đề nữa mà Cần Thơ cần quyết liệt hơn đó là công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Cần Thơ cũng trong tình trạng chung là tiến độ thoái vốn rất chậm. Quan điểm là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như xổ số kiến thiết, cấp nước, đô thị… Nhà nước không cần nắm vốn, có thể thoái vốn 100%, làm sao để các đơn vị này hoạt động hiệu quả.
Đối với trường hợp Nông trường Sông Hậu, đề xuất của Cần Thơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên, thành viên thứ nhất là Nông trường Sông Hậu và thành viên thứ hai là Công ty sữa Vinamilk. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét và sớm có chỉ đạo cụ thể.
![]() |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiểm tra thực tế Trung tâm hành chính công ở Quận Bình Thủy. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Báo cáo với tổ công tác, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Lê Văn Tâm cho biết tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tiếp tục đạt kết quả tích cực. Theo đó, hầu hết các lĩnh vực đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Liên quan đến công tác cải cách hành chính, ông Lê Văn Tâm cho biết, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh của Cần Thơ trong năm 2017 đều nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao.
Trong đó, nổi bật là thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến thu, nộp bảo hiểm, giảm mạnh từ 150 giờ xuống còn hơn 49 giờ. Cùng với những nỗ lực trong cải cách thủ tục lĩnh vực thuế, hải quan, ngân hàng, đăng ký kinh doanh… đã góp phần tích cực trong thu hút đầu tư. Năm 2017 và 7 tháng đầu năm 2018 Thành phố cấp mới giấy phép hoạt động cho 2.292 doanh nghiệp, thu hút 32 dự án FDI.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, theo Nghị quyết 01 của Chính phủ, năm 2018 các bộ, ngành và địa phương phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục hành chính. Trong khi đó, cả nước có 5.915 điều kiện kinh doanh nhưng đến thời điểm này mới cắt giảm được 900 điều kiện, đạt 15,2%. Vẫn còn 2.690 điều kiện đang triển khai cắt giảm. Trong khi đó, tiến trình cắt giảm thủ tục hành chính cũng cho kết quả rất hạn chế.
![]() |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP kiểm tra tại Trung tâm hành chính công Quận Bình Thủy. Ảnh VGP/Mạnh Hùng |
Tại Cần Thơ, đánh giá về thực tế kiểm tra tại Trung tâm hành chính công ở Quận Bình Thủy trước buổi làm việc của Tổ công tác với Thành phố, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng mặc dù quận đã có công bố công khai nhưng thủ tục, điều kiện kinh doanh ở đây hầu như vẫn chưa có tiêu chí rõ ràng.
Về chất lượng cải cách hành chính, dù đã bãi bỏ được 1.223 thủ tục hành chính, sửa đổi 74 thủ tục nhưng Cần Thơ lại ban hành mới tới 1.113 thủ tục hành chính. Tới đây, muốn tiếp tục có được môi trường kinh doanh cạnh tranh, thu hút được nhiều nhà đầu tư, Thành phố cần phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng, hiệu quả cải cách, và đặc biệt là phải lượng hóa được những kết quả cải cách để người dân dễ dàng nhận biết và so sánh.
Cần Thơ hiện vẫn còn 1.472 thủ tục hành chính cấp sở, 237 thủ tục cấp huyện, quận và cấp phường xã còn 106 thủ tục. Như vậy, nếu cấp sở không kết nối, chia sẻ thông tin với cấp huyện, quận và giữa các sở với nhau thì công tác cải cách hành chính sẽ giảm tính hiệu quả rất nhiều.
Ngoài ra, liên quan đến xắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, kế hoạch Thành phố đề ra đến năm 2020, giảm được 59 đầu mối đơn vị sự nghiệp công với 2.225 biên chế; đến năm 2025, thành phố giảm 113 đơn vị sự nghiệp công, số biên chế giảm được là 4.799 biên chế. Để hoàn thành mục tiêu đòi hỏi Thành phố cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa.
Cuối cùng, liên quan đến những đề xuất kiến nghị của Thành phố Cần Thơ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, với trách nhiệm của Tổ công tác, sẽ tiếp nhận để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng và chuyển tới các bộ, ngành liên quan.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn