![]() |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Chính phủ cần phân tích sâu hơn chất lượng tăng trưởng bền vững ở chỗ nào? (Ảnh TTXVN) |
Kết quả toàn diện
Thống nhất đánh giá cao tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, các tổ chức quốc tế,… nên kết quả phát triển kinhh tế - xã hội năm 2018 và 03 năm đầu của kế hoạch 5 năm 2016-2020 đã đạt được những kết quả khá toàn diện.
Điểm nhấn được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu lên là, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn ổn định và an ninh quốc gia.
Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo đã góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển. Các chỉ tiêu vĩ mô, như: Thu ngân sách Nhà nước, bội chi, cơ cấu chi đầu tư, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, an sinh xã hội… đều đạt mục tiêu Quốc hội giao.
Những kết quả đó đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện với dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%.
“Nổi bật là năm 2018 chúng ta hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra” – Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá.
Một cách khái quát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, bắt đầu vào nhiệm kỳ chúng ta gặp nhiều khó khăn, như: sự cố môi trường biển, thiên tai, bão lũ, tình hình quốc tế biến động rất phức tạp… Song chúng ta đã vượt qua, đạt được kết quả tốt, tạo được hiệu ứng lan tỏa tốt trên nhiều lĩnh vực, củng cố niềm tin trong nhân dân, được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.
Nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí
Mặc dù ghi nhận và đánh giá rất cao nỗ lực và kết quả trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong thời gian qua, song các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến chất lượng tăng trưởng và hiệu quả, hiệu lực trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới.
![]() |
Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng: Phải tiếp tục có những giải pháp để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng tính tự chủ của nền kinh tế |
Tại phiên họp, cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chất lượng tăng trưởng khác con số tăng trưởng, bền vững ở chỗ nào? tăng ở chỗ nào? Chính phủ cần phân tích sâu hơn.
Lưu ý đến các rủi ro về kinh tế (cả trong và ngoài nước), nhất là trước diễn biến tình hình giá dầu thế giới đang gia tăng, có thể tác động đến xuất khẩu hàng hoá, đến chỉ số lạm phát, tỷ giá… Rồi các rào cản về thủ tục hành chính và công tác chỉ đạo điều hành, môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng mức độ thực thi ở các ngành, các cấp thì chưa đều, thậm chí có nơi còn hình thức…
“Người ta vẫn kêu có dự án 3 năm vẫn chưa làm được, doanh nghiệp tư nhân có dự án 10 năm người ta theo đuổi nhưng vẫn chưa làm được” – Chủ tịch Quốc hội nêu thực trạng và chỉ rõ, vẫn còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong bộ máy công quyền khiến người dân và doanh nghiệp chưa yên tâm.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc nhìn nhận, đánh giá kết quả công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội 3 năm qua là cần thiết để rút kinh nghiệm. Nhấn mạnh vấn đề chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn cho rằng vẫn còn hạn chế mà cụ thể là tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao, công tác giải ngân vốn đầu tư cần phải được đẩy nhanh hơn đi kèm đó và thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Đưa thêm khuyến nghị, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề nghị phải tiếp tục có những giải pháp để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng tính tự chủ của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách nền kinh tế gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng… Song song đó là nhiệm vụ cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy công quyền.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Cần quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng các công trình, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan |
Cũng nêu ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Chính phủ cần làm phải làm đậm nét thêm về công tác này trong báo cáo của mình. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng các công trình. “Cần phải làm rõ tại sao thi công lâu mà xuống cấp rất nhanh. Như việc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư hơn 34 ngàn tỷ đồng vừa mới thông xe mấy ngày qua đã xuống cấp” – Bà Nga nêu ví dụ và đề nghị cần làm rõ vụ việc này để làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan, làm rõ trách nhiệm giải trình để tránh việc né tránh trách nhiệm.
Đưa ra dẫn chứng việc in sách giáo khoa, mỗi năm xã hội lãng phí một ngàn tỷ đồng. Nếu xây dựng một nhà cho người có công là 50 triệu đồng thì với số tiền đó mỗi năm chúng ta xây dựng được 20 nghìn căn nhà cho người có công, còn sửa chữa thì được 40 ngàn căn, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, Chính phủ cần đánh giá sâu thêm về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn