![](http://baochinhphu.vn/Uploaded/tkts/2017_09_01/170703154330-05-emmanuel-macron-0703-large-169.jpg) |
Tổng thống Emmanuel Macron |
Ngày 31/8, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã công bố dự luật cải cách Luật Lao động mà ông cho là "tham vọng, cân bằng, công bằng" bất chấp sự phản đối từ một số tổ chức công đoàn của nước này.
Nội dung dự luật tập trung vào 3 nội dung chính: Bảo đảm sự hài hòa giữa các "thỏa thuận ở phạm vi doanh nghiệp và thỏa thuận ở phạm vi ngành nghề", "đơn giản hóa và tăng cường đối thoại kinh tế và xã hội giữa chủ doanh nghiệp và người lao động", "bảo đảm mối quan hệ trong công việc" giữa các tác nhân nói trên.
Dự luật còn bao gồm các quy định cụ thể về điều kiện lao động tại cơ sở tư nhân cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng lao động trong việc sa thải và tuyển dụng nhân công, cùng những quy định về các mức trần bồi thường trong trường hợp chủ lao động sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng.
Thủ tướng Philippe cho biết, nội dung dự luật được xây dựng dựa trên kết quả cuộc thương lượng kéo dài 3 tháng giữa chính phủ và các tổ chức công đoàn của Pháp.
Tuy nhiên, dự luật này đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp.
Chính trị gia Jean-Luc Mélenchon, thủ lĩnh đảng Nước Pháp bất khuất, chỉ trích cuộc cải cách này của chính quyền Tổng thống Macron là một “cuộc đảo chính về mặt xã hội”.
Trong suốt mùa Hè, ông Mélenchon cũng đã kêu gọi người dân Pháp xuống đường biểu tình phản đối cải cách Luật Lao động và một cuộc biểu tình quy mô lớn được đảng Nước Pháp bất khuất dự kiến tiến hành tại Paris vào ngày 23/9.
Trước đó, tổng công đoàn CGT, một trong những tổ chức công đoàn lớn nhất nước Pháp, cũng đã kêu gọi xuống đường vào ngày 12/9 để phản đối các cải cách Luật Lao động. Tổng thư ký CGT, Philippe Martinez, xem các cải cách này là một sự đe doạ đối với quyền lợi của người lao động.
Giới phân tích tại Pháp nhận định, các cải cách vừa được chính quyền của ông Macron đưa ra là rất táo bạo và một số cải cách gần như sẽ thay đổi tận gốc rễ mối quan hệ giữa giới chủ và người lao động Pháp trong nhiều năm qua.
Chính vì thế, chắc chắn trong thời gian tới, sự phản kháng từ các tầng lớp xã hội Pháp đối với các cải cách này sẽ vô cùng gay gắt và dự báo sẽ ở quy mô lớn tương tự như các cuộc biểu tình chống lại Luật Lao động El Khom-ri trong nhiệm kỳ của Tổng thống Francois Hollande.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Macron dường như nhận thức rõ được các khó khăn đang chờ đón. Trong bài trả lời phỏng vấn đầu tiên trên báo chí Pháp với tờ Le Point cách đây 2 ngày, ông Macron thừa nhận “người dân Pháp ghét cải cách” nhưng khẳng định điều này sẽ không thể ngăn cản ông thực thi lộ trình cải cách đã đề ra khi tranh cử, mà cải cách Luật Lao động chính là bước đi đầu tiên.
Theo kế hoạch, Chính phủ Pháp sẽ công bố văn kiện cải cách Luật Lao động được điều chỉnh lần cuối vào tháng tới.
Dự luật sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được Quốc hội Pháp, hiện do đảng Nền Cộng hòa Tiến bước của Tổng thống Macron chiếm đa số, thông qua.