Toàn cảnh họp báo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Ông Đỗ Đức Hiển cho biết, trong quý I/2017, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, trong đó, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được triển khai tích cực ngay từ đầu năm, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Kết quả thi hành án dân sự từ ngày 1/10/2016 đến ngày 31/3/2017 như sau: Về việc, tổng số việc phải thi hành là trên 578.510 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 435.752 việc, chiếm 75,32% trong số phải thi hành; số giải quyết xong trong số có điều kiện thi hành là 225.116 việc, tăng 5,89% so với cùng kỳ năm 2016.
Về tiền, tổng số phải thi hành là trên 136.226 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là gần 92.682 tỷ, chiến 68,04% trong tổng số phải thi hành; số thi hành xong trong số có điều kiện thi hành là trên 16.908 tỷ đồng, tăng 81,24% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng đối với các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, đã thi hành xong 1.654 việc, tương ứng với số tiền là trên 10.524 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đã tích cực thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 6/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự; tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng, các vụ khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài.
Ngoài ra, công tác hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước cũng được tập trung chỉ đạo triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực.
Về công tác bổ trợ tư pháp, Bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thành lập Hội Công chứng viên của các địa phương (đến nay, trên cả nước đã có 37 Hội Công chứng viên được thành lập). Về công tác tiếp dân, Bộ Tư pháp đã tiếp 99 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo. Trong đó có 81 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (chiếm 81,8%).
Về nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quý II/2017, ông Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh, Bộ Tư pháp, ngành tư pháp tập trung chuẩn bị tốt nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch triển khai thi hành các luật sắp có hiệu lực. Thực hiện nhiệm vụ thẩm định, góp ý tham gia xây dựng đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật năm 2017 bảo đảm tiến độ và chất lượng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ và các đơn vị trực thuộc.
Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển, lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp đã trả lời những vấn đề báo giới quan tâm liên quan đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, việc đấu giá biển số xe đẹp; thi hành án dân sự; bồi thường nhà nước; tổ chức xin lỗi công khai người bị oan sai...
Liên quan đến cảnh tượng náo loạn trong buổi Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long tại Bắc Giang vào chiều 25/4, ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp chia sẻ, trong luật hiện hành chỉ quy định việc tổ chức xin lỗi nghiêm túc, công khai, còn việc quy định tổ chức ra sao, nội dung thế nào, thời gian bao lâu, thành phần ra sao… thì quy định chưa rõ ràng.
Với tinh thần cầu thị, các cơ quan chức năng đã cử các thành phần đầy đủ để thực hiện xin lỗi ông Hàn Đức Long trên tinh thần nghiêm túc, công khai. Theo ông Hưng, để xảy ra những hình ảnh náo loạn tại buổi xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long là rất đáng tiếc. Do đó, hệ thống pháp luật về công tác bồi thường Nhà nước cũng như vấn đề tổ chức xin lỗi công khai người bị oan sai cần tiếp tục được hoàn thiện. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, bảo đảm pháp luật được thực thi công minh, nghiêm túc.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn