Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Vụ Công nghệ thông tin (CNTT) là tổ chức thuộc Bộ TT&TT, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT, bao gồm: công nghiệp phần cứng – điện tử, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số; dịch vụ CNTT; khu CNTT tập trung.
Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết, hiện nay ngành CNTT đang có những xu hướng phát triển mới. Sự cạnh tranh gay gắt đòi hỏi việc phát triển của ngành CNTT, đặc biệt là công nghiệp CNTT, gắn liền với sự sáng tạo, đổi mới và luôn cập nhật các kỹ năng tiên tiến. Hình thái phát triển sản phẩm CNTT xoay quanh các hệ sinh thái mở của các công ty lớn thông qua môi trường Internet đã tạo ra nhiều thách thức hơn dự kiến đối với mô hình quản lý và phát triển công nghiệp truyền thống. Để ngành công nghiệp CNTT phát triển, xuất khẩu một cách bền vững, cần làm chủ các công nghệ lõi, các mô hình phát triển sáng tạo để tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm và dịch vụ CNTT. Điều này phải dựa vào chính các biện pháp chủ động từ nội lực của ngành CNTT Việt Nam.
Trong thời gian tới, Vụ CNTT sẽ tập trung vào các việc: Hoàn thiện khung pháp lý về CNTT theo sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và thực tế phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước; Triển khai các đề án, chính sách CNTT; Xây dựng các tiêu chí xác định các sản phẩm, dịch vụ CNTT; Phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm, các công nghệ lõi tạo giá trị gia tăng cao; Hỗ trợ nâng cao tiềm lực nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu kết nối giữa các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (DN); Chủ động tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan đến CNTT.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu bày tỏ chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đối với lĩnh vực quản lý CNTT. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng yêu cầu Vụ CNTT cần chủ động tổ chức các hội thảo chuyên đề về các lĩnh vực quản lý CNTT trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT sắp tới đây để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, chia sẻ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, lĩnh vực CNTT là 1 trong 5 lĩnh vực lớn mà Bộ đang quản lý. Đây là lĩnh vực có phạm vi, đối tượng quản lý rộng, có ảnh hưởng, tác động tới toàn bộ hệ thống các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong xã hội.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, Vụ CNTT đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt xu hướng phát triển của công nghệ, thực hiện tốt vai trò của đơn vị chủ trì, tham mưu giúp Bộ trưởng trong việc hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT, xây dựng kịp thời nhiều văn bản quan trọng, các chương trình, kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm, hàng năm, góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thúc đẩy, phát triển công nghiệp phần cứng – điện tử, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số, dịch vụ CNTT, khu CNTT tập trung trên toàn quốc.
Đặc biệt, Vụ CNTT đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tích cực tham mưu xây dựng các văn bản quan trọng về phát triển CNTT của quốc gia như Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, Nghị Quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tổ chức tốt việc xây dựng và triển khai Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số, qua đó góp phần đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng DN đạt chứng chỉ CMMi. “Việc nhiều DN đạt chứng chỉ CMMi này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam và tạo thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực CNTT trên thị trường quốc tế”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng đánh giá cao Vụ CNTT đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT, hỗ trợ DN xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế; khuyến khích tạo thuận lợi cho các DN, cá nhân đầu tư vào DN khởi nghiệp thuộc lĩnh vực CNTT hoặc dựa trên nền tảng CNTT…
Về một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện của Vụ CNTT trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh:
Vụ cần chủ động rà soát, đánh giá hiệu quả, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật và chương trình, dự án, đề án hiện hành; chủ động nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ các chuyên gia nước ngoài để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn; giảm bớt tiền kiểm và tập trung vào công tác hậu kiểm để giảm bớt các thủ tục hành chính, rào cản tham gia thị trường, đồng thời quyết liệt triển khai nhằm đưa chính sách vào cuộc sống, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT.
Tập trung nguồn lực, bám sát và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ để nhanh chóng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách trình các cấp có thẩm quyền ban hành, trước mắt tập trung tổng kết đánh giá 10 năm thi hành Luật CNTT.
Đối với việc triển khai các đề án, chương trình về CNTT-TT, Vụ CNTT cần tập trung điều phối, đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai tốt Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT và các Chương trình, dự án phát triển công nghiệp CNTT; tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho Lãnh đạo Bộ tham gia có hiệu quả tại Ủy ban quốc gia về Ứng dụng CNTT.
Vụ CNTT cần tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động của các Khu CNTT tập trung; xây dựng các tiêu chí đánh giá sát thực các Khu CNTT trọng điểm để đưa ra những khuyến nghị kịp thời, nhân rộng điển hình phù hợp với đặc thù của từng địa phương nhằm tránh việc thành lập các Khu CNTT manh mún, làm theo phong trào.
Đối với việc quản lý các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu Vụ CNTT cần tổng hợp, đánh giá, giám sát chặt chẽ tình hình chấp hành quy định về nhập khẩu, tái xuất các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng của doanh nghiệp, “nhất là thời gian gần đây các doanh nghiệp xin phép nhập khẩu rất nhiều thiết bị đã qua sử dụng vào Việt Nam để sửa chữa, số lượng lên tới hàng chục ngàn thiết bị”. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.
Đối với việc phát triển nguồn nhân lực về CNTT, Vụ CNTT cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động thương binh và xã hội để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ và Chính phủ các chương trình, kế hoạch dài hạn về phát triển nguồn nhân lực công nghiệp CNTT.
Việc đánh giá tình hình phát triển và hỗ trợ hoạt động ứng dụng CNTT tại trung ương và địa phương, Vụ CNTT cần tăng cường tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các nước có trình độ tiên tiến và có tính tới đặc thù phát triển của Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, chỉ số đánh giá về mức độ phát triển CNTT (ICT Index) tại các địa phương, cơ quan, đơn vị bảo đảm hợp lý, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển. Đồng thời, Vụ cần tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt và nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam ra nước ngoài, qua đó đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
"Phối hợp chặt chẽ và tích cực trao đổi, làm việc với các cơ quan, đơn vị trong Bộ và các Bộ, ngành, địa phương để tạo sự đồng thuận, thống nhất chung trong nhận thức và tăng cường chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình triển khai. Đặc biệt đối với các đơn vị trong lĩnh vực CNTT thuộc Bộ phải thường xuyên trao đổi, phối hợp để tạo thành một khối thống nhất, tăng cường đẩy mạnh vai trò quản lý nhà nước về CNTT của Bộ" - Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh./.