Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Giữa buổi sáng hôm nay (4/6), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Vấn đề “nóng” nhất vẫn là việc hợp tác, đầu tư xây dựng các dự án, công trình giao thông BOT.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) đưa ra yêu cầu làm rõ sự chênh lệch giữa hợp đồng dự án BOT và kết quả kiểm toán trong thời gian qua.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết căn cứ vào quy định của pháp luật, Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư theo dự án dược duyệt với nhiều nội dung dự phòng về trượt giá, vượt khối lượng, dự kiến thời gian giải phóng mặt bằng... Trong khi thực hiện, Bộ GTVT đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiểm toán trước khi Bộ GTVT quyết toán. Hiện nay đã kiểm toán 50/56 dự án, còn 6 dự án đang kiểm toán. Do vậy, KTNN phát hiện chênh lệch giữa hợp đồng và kết quả kiểm toán là hiển nhiên.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói rõ: “Các số liệu kiểm toán và số liệu của Bộ GTVT luôn tương đồng với nhau và thậm chí số liệu của Bộ GTVT có phần còn ít hơn cả số liệu của KTNN”.
Về thu phí BOT, Bộ trưởng khẳng định: “Chúng tôi có quan điểm bảo vệ lợi ích người dân. Khi mặt bằng giá tăng cao, Bộ GTVT rà soát và đề nghị giảm phí cho toàn bộ 56 dự án BOT, có dự án giảm 2-3 lần từ 35.000 đồng/lượt xe con xuống còn 15.000 đồng/lượt. Căn cứ tính phí, giảm phí dựa vào số lượng xe qua trạm và khả năng hoàn vốn của dự án”.
Trước chất vấn của đại biểu tỉnh Bình Định về Quốc lộ 1A và Quốc lộ 19 qua tỉnh này có tới 3 trạm BOT, Bộ trưởng cho biết thời điểm thực hiện các dự án BOT này theo Nghị định số 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ, quy định mỗi trạm BOT cách nhau 70 km trên cùng một tuyến đường. Nếu dưới 70 km có 2 trạm BOT thì Bộ GTVT, Tài chính và địa phương phải thoả thuận để đi tới quyết định đặt trạm. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận “BOT dày đặc khiến dân khó khăn, vận chuyển hàng hóa tốn thêm một số chi phí. Tôi mong cử tri và đồng bào tỉnh Bình Định thông cảm. Chúng tôi sẽ cố giảm giá, kéo dài thời gian thu phí. Chúng tôi cũng làm hết trách nhiệm của mình trong ký kết với các nhà đầu tư BOT”.
Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ) cho rằng: “Bộ trưởng nói bảo vệ lợi ích của người dân nhưng tôi không thấy vậy. Bức xúc hiện nay là 17 dự án BOT đặt sai vị trí, dân không đi cao tốc cũng phải trả tiền, không đi đường tránh cũng phải trả tiền... Dân chịu thì thu của dân, dân không chịu thì thuyết phục để giảm giá, hoặc lại dừng thu phí. Tại sao dân không đi lại phải trả tiền? Mà làm các dự án BOT lại chủ yếu là chỉ định thầu?”.
Trả lời đại biểu Hoàng Quang Hàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết có một số dự án do lịch sử để lại và Bộ GTVT phải thực hiện đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Còn các dự án đã đưa vào danh sách được duyệt có sự tham gia của các địa phương, bộ ngành thì xem như là hợp lý để triển khai thu phí.
“Bây giờ di dời thì ta phải có khoản kinh phí thực hiện hợp đồng cho các nhà đầu tư BOT... Ngân sách Nhà nước rất khó khăn, kinh phí nhỏ nhưng mà cũng khó cân đối vì đã bố trí vốn cho trung hạn hết rồi. Chúng tôi báo cáo Quốc hội khi biểu quyết thì cân đối vốn để Bộ GTVT mua lại các dự án này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Bộ trưởng cũng phủ nhận nhận định của đại biểu Quốc hội: “Không dự án nào mà không tổ chức đấu thầu trên trang web của Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên trong thời gian qua, cả nước làm nhiều BOT, nhiều nhà đầu tư chưa rành thủ tục BOT nên ít quan tâm. Chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm tới dự án nên Bộ GTVT không tổ chức đấu thầu. Nhiều khi chúng tôi kéo dài thời gian đấu thầu mà không có thêm nhà đầu tư. Do vậy, căn cứ vào luật thì vẫn cho phép Bộ GTVT chỉ định thầu nếu có 1 nhà thầu tham gia, hơn nữa các địa phương cũng bức xúc vì giao thông. Việc này được Thanh tra Chính phủ, Bộ KH&ĐT giám sát chặt chẽ”.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn