Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Mạnh Hùng |
Tại buổi làm việc, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Hà Phước Thắng cho biết, đến nay, về cơ bản, Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn đã được kiện toàn về tổ chức, hoạt động theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP với 13 đơn vị cấp sở; 22/24 UBND quận, huyện; 295/322 UBND các phường, xã, thị trấn.
Thực hiện trách nhiệm công bố TTHC theo Nghị định 63/2010/NĐ-CP, trong 11 tháng đầu năm 2019, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành 27 Quyết định công bố danh mục 662 thủ tục. Tính đến hết ngày 15/11/2019, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành 104 Quyết định, công bố 1.797 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cấp, trong đó cấp tỉnh 1.480 thủ tục, cấp huyện 202 thủ tục, cấp xã 115 thủ tục.
Thực hiện yêu cầu của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát, cập nhật dữ liệu TTHC sang hệ thống dịch vụ công quốc gia, Văn phòng UBND Thành phố đã tập trung cập nhật 1.392 thủ tục, đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với nhóm thủ tục còn lại.
Về xây dựng, phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC của các cấp, đến nay, Chủ tịch UBND Thành phố đã phê duyệt 252 quy trình; đang xem xét, phê duyệt 189 quy trình; số quy trình đang được thẩm định, hoàn thiện là 611 quy trình.
Ảnh VGP/Mạnh Hùng |
Theo Chánh Văn phòng UBND TPHCM, trên cơ sở Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Thành ủy, UBND Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đánh giá việc giải quyết TTHC với quan điểm: Chuẩn hóa và thống nhất về một bộ tiêu chí đánh giá phù hợp quy định và yêu cầu quản lý của địa phương; việc đánh giá khách quan, trung thực, chính xác, khoa học, công bằng, minh bạch, đúng quy định.
Tổ chức thực hiện chỉ đạo trên, Văn phòng UBND Thành phố chủ trì xây dựng Quy định về tổ chức đánh giá việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn Thành phố. Dự thảo đang trong giai đoạn tổng hợp ý kiến chuyển Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND Thành phố xem xét, ban hành theo đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá việc giải quyết TTHC, Thành phố thí điểm hệ thống đánh giá việc giải quyết TTHC gắn liền quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết trả kết quả của từng TTHC và đầy đủ các phương thức thực hiện trên cả hai phương diện: Người dân, tổ chức đánh giá việc giải quyết hồ sơ TTHC và đánh giá nội bộ.
Hiện nay, hệ thống đang vận hành thử nghiệm ổn định tại 12 đơn vị (3 quận-huyện và 9 xã, phường, thị trấn) với 4 TTHC (2 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận-huyện và 2 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã, phường, thị trấn). Từ ngày 21/6/2019 (thời điểm bắt đầu thử nghiệm) đến ngày 16/11/2019, hệ thống tiếp nhận 17.008 hồ sơ TTHC (6.091 hồ sơ nộp trực tiếp và 10.917 hồ sơ nộp trực tuyến) và ghi nhận nhiều lượt ý kiến đánh giá của cá nhân, tổ chức (33.290 lượt).
Tổng số hồ sơ các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, UBND xã, phường, thị trấn tiếp nhận là: 12.254.254 hồ sơ, đã giải quyết 12.063.009 hồ sơ; trong số hồ sơ đã giải quyết có 12.013.483 hồ sơ giải quyết đúng hạn (chiếm tỉ lệ 99,59%) và 49.518 hồ sơ giải quyết quá hạn (chiếm tỉ lệ 0,41%).
Tính đến 25/9/2019, số dịch vụ công trực truyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên địa bàn Thành phố là: 602 dịch vụ công, trong đó: Sở, ban, ngành cung cấp 311 dịch vụ công mức độ 3 và 87 dịch vụ công mức độ 4; UBND quận, huyện cung cấp 127 dịch vụ công mức độ 3 (24/24 quận huyện) và 70 dịch vụ công mức độ 4 (một số quận huyện); UBND phường, xã, thị trấn cung cấp 7 dịch vụ cung mức độ 3. Số lượng hồ sơ giải quyết qua trực tuyến là 1.073.323 hồ sơ (chiếm 8,75%).
Theo Chánh Văn phòng Hà Phước Thắng, để triển khai kịp thời, có hiệu quả việc kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, UBND Thành phố đã phân công 1 Phó Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị.
Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và Tổng cục Giao thông đường bộ trong triển khai các giải pháp để tích hợp, kết nối 3 dịch vụ công của Thành phố với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, các nhiệm vụ chuẩn bị đã được thực hiện, cơ bản hoàn thành việc kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, đầu tháng 12, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ được khai trương, kết nối với cổng dịch vụ công của các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, trong đó TP. Hà Nội, TPHCM, tỉnh Quảng Ninh là 3 đơn vị cơ sở thí điểm, đây cũng là nòng cốt xây dựng Chính phủ điện tử.
Ảnh VGP/Mạnh Hùng |
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Cổng dịch vụ công quốc gia phải lấy người dân làm trung tâm. Phải kết nối được tới các quận, huyện, xã phường để người dân biết rằng Cổng dịch vụ này là để phục vụ chính họ, người dân bất cứ ở đâu, thời điểm nào cũng có thể thực hiện được các TTHC…
“Như trước đây người dân được Sở Giao thông vận tải TPHCM cấp giấy phép lái xe, thì nay đến thời hạn đổi giấy phép người đó không phải quay lại Thành phố nữa, mà đang sinh sống, công tác ở đâu thì sẽ tới Sở Giao thông nơi đó, và các cơ quan sẽ kết nối với nhau để người dân không phải làm lại hồ sơ. Hay đối với vấn đề vi phạm hành chính, người dân bị cơ quan chức năng phạt thì có thể nộp tiền phạt ngay, không nhất thiết phải tới kho bạc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu ví dụ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, lãnh đạo của TPHCM đã thể hiện tinh thần cầu thị, thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, những cách làm hay của các bộ ngành, địa phương khác. “TPHCM cũng được áp dụng rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, khác với quy định chung cả nước, lại ở vị trí là trung tâm kinh tế hàng đầu, là động lực tăng trưởng của cả nước, nên rất mong Thành phố sẽ đi đầu trong cải cách TTHC”, Bộ trưởng bày tỏ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, TPHCM đã thực hiện ký số nhưng mới chỉ triển khai 454 văn bản trên khoảng 2.000 văn bản. “Tới đây Thành phố cũng chỉ tham gia 3 dịch vụ liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia thì chưa hợp lý với quy mô dân số và vị trí của Thành phố”.
Về vấn đề đầu tư cho cổng dịch vụ công, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, VPCP giao cho VNPT đầu tư toàn bộ các khâu xử lý rà soát cơ sở dữ liệu, hạ tầng… VNPT sẽ huy động nguồn lực tập đoàn, cũng như các doanh nghiệp tư nhân giỏi làm những phần nhỏ trong tổng thể công việc, sau đó VPCP sẽ thuê lại. Bộ trưởng gợi ý, Thành phố nên thực hiện theo hình thức này.
Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai trong điều kiện cơ sở dữ liệu quốc gia chưa đầy đủ, về thể chế cũng còn nhiều hạn chế như chưa có nghị định về bảo mật thông tin cá nhân, nghị định về TTHC trong môi trường điện tử, xác thực định danh… nhưng vẫn phải làm ngay, vừa làm vừa hoàn thiện. “Khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia chỉ là kết quả bước đầu, chúng ta vẫn phải làm và hoàn thiện liên tục trong quá trình 5 năm, 10 năm, 20 năm tiếp theo”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố phải đưa các giải pháp để người dân hưởng ứng, thực hiện các dịch vụ công ngay từ khi khai trương. Đồng thời, kết nối hội nghị trực tuyến tới quận huyện, xã phường, thị trấn làm sao để người dân ở mọi miền Tổ quốc đều thấy được cổng dịch vụ công, đó là thể hiện vai trò của Chính phủ phục vụ, với Thành phố là chính quyền phục vụ.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn