![]() |
100% thủ tục hành chính của Thừa Thiên Huế được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đến ngày 12/6/2020, tỉnh Thừa Thiên Huế được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tổng số 149 nhiệm vụ; trong đó, số nhiệm vụ đã hoàn thành đúng hạn là 99, số nhiệm vụ hoàn thành quá hạn là 1; số nhiệm vụ chưa hoàn thành là 49 (trong đó có 47 nhiệm vụ trong hạn đang thực hiện, 2 nhiệm vụ đang thực hiện quá hạn).
Về thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 27/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung và tích cực phối hợp các bộ, ngành để tham mưu trình các Đề án bảo đảm tiến độ.
Trong đó, phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng Đề án Bộ tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đối với Thừa Thiên Huế - đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế. Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế, sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế. Phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng Đề án Cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Về công tác phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19, tỉnh cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19 cũng như tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống và ngăn chặn dịch COVID-19 vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định phát triển kinh tế- xã hội.
Toàn tỉnh đã khẩn trương rà soát các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không bỏ sót đối tượng, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách. Riêng các nhóm đối tượng đã xác định rõ, tỉnh đã tạm ứng ngân sách 173 tỷ đồng hỗ trợ các ngành, địa phương phòng, chống dịch COVID-19. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, thống kê các nhóm đối tượng còn lại để thực hiện việc chi trả hỗ trợ.
Ngoài ra, rà soát, điều chỉnh giảm thu đối với 22 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19.
Đối với tình hình kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tình hình đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính điện tử lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đều đạt. Hiện nay, tỉnh đã đăng ký và cập nhật hơn 30% thủ tục hành chính trực tuyến thực hiện mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 2.132/2.132 thủ tục hành chính (tỷ lệ 100%) được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Tuy nhiên, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong chia sẻ và tích hợp dữ liệu với các ngành trong một số thủ tục hành chính như thuế, hải quan, cấp đổi giấy phép lái xe…
Tại buổi làm việc, đại diện các vụ, cục VPCP đã trao đổi về một số vấn đề của tỉnh Thừa Thiên Huế liên quan đến việc chuẩn bị đầu tư dự án đường ven biển, dự án mở rộng sân bay Phú Bài giai đoạn 2021-2025…
![]() |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. ẢNh: VGP/Hoàng Giang |
Phát huy cách làm sáng tạo
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết rất ấn tượng với Huế, vùng đất có bề dày lịch sử và văn hiến lâu đời, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của dân tộc mang tầm vóc quốc gia và quốc tế; có kho tàng di sản đồ sộ cả về vật thể và phi vật thể. Thành phố Huế, thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đánh giá cao một số kết quả kinh tế trong những năm qua của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh; đồng thời ghi nhận tỉnh đã rất quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, VPCP là cơ quan tham mưu tổng hợp, sẽ có trách nhiệm tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của tỉnh và đôn đốc các bộ, ngành liên quan tháo gỡ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Khẩn trương thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, trong đó có việc triển khai lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và có liên kết chặt chẽ với triển khai Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế.
Về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, dưới sự hỗ trợ của Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), tỉnh Thừa Thiên Huế được lựa chọn là một trong 3 địa phương làm thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
![]() |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chứng kiến Lễ ký kết bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc. Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Cùng với những mô hình như: Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) và Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng mong muốn tỉnh Thừa Thiên Huế phát huy cách làm sáng tạo trong xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiệu lực, hiệu quả.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn