Ngày 2/7/2019, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc công bố danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. (Chi tiết có thể được tìm thấy tại đây).
Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh được Bộ Công Thương bãi bỏ, đơn giản hóa gồm 15 lĩnh vực, bao gồm: Hoạt động phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu điện, tư vấn chuyên ngành điện lực; nhượng quyền thương mại; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy); kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc, thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá; kinh doanh rượu; hoạt động Sở giao dịch hàng hóa; kinh doanh dịch vụ logistics; kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp; hoạt động thương mại điện tử; kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; hóa chất; kinh doanh xuất khẩu gạo; kinh doanh tiền chất thuốc nổ.
Ví dụ như, tại Nghị định 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đối với hoạt động phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu điện, tư vấn chuyên ngành điện lực. Bộ Công Thương bỏ hoàn toàn một số điều, ví dụ như Điều 28 về Điều kiện chung để cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực.
![]() |
Công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm |
Điều 31 về Điều kiện cấp giấy phép hoạt động phân phối điện có yêu cầu tổ chức đăng ký hoạt động phân phối điện ngoài các điều kiện chung phải đáp ứng các điều kiện: Có trang thiết bị công nghệ, phương tiện phục vụ, nhà xưởng, công trình kiến trúc được xây dựng, lắp đặt, kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định; hoặc Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, vận hành phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện và có thời gian làm việc trong lĩnh vực phân phối điện ít nhất 5 năm….những điều kiện này cũng đã được bãi bỏ.
Điều 32 về Điều kiện cấp giấy phép hoạt động bán buôn điện, Bộ Công Thương giữ lại điều kiện “Người trực tiếp quản lý kinh doanh bán buôn điện phải có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện, kinh tế, tài chính hoặc chuyên ngành tương tự và có thời gian làm việc trong lĩnh vực kinh doanh mua bán điện ít nhất 5 năm”.
Các điều kiện cũng được bãi bỏ, như: Người quản lý kỹ thuật phải có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện và kinh nghiệm làm việc với lưới điện có cấp điện áp tương ứng ít nhất 3 năm; Người trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành điện hoặc có giấy chứng nhận đào tạo về điện do cơ sở dạy nghề cấp, được đào tạo an toàn điện theo quy định; Có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp với yêu cầu của thị trường điện lực đều được bãi bỏ.
Việc công bố danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa trong lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời nhằm mục đích tuyên bố công khai các điều kiện mà Bộ Công Thương đã dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa tại Quyết định số 3610A/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018.
Với việc công bố danh mục trên, Bộ Công Thương đã hoàn thành phương án đề xuất tại Quyết định số 3610A/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.
Đối với nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh giai đoạn 2019 - 2020 theo phương án tại Quyết định số 3720/QĐ-BCT ngày 11/10/2018, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định để hiện thực hóa phương án này, dự kiến trình Chính phủ tháng 11/2019.
Báo cáo về Chỉ số cải cách hành chính– PAR Index năm 2018 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nhìn nhận cùng với một số bộ, cơ quan ngang bộ, công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công Thương có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể trong việc tiến hành rà soát, đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, nhất là việc bãi bỏ các thành phần hồ sơ không phù hợp, loại bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt các nội dung công bố, công khai thủ tục hành chính đã có bước chuyển biến tích cực, Bộ Công Thương là đơn vị đạt tỷ lệ 100% số điểm tại tiêu chí cải cách thủ tục hành chính.
Báo cáo đánh giá mức độ thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và tác động thực chất đối với doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cũng đánh giá, Bộ Công Thương là một trong những bộ cơ bản đạt yêu cầu về mức độ cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Tại nhiều cuộc họp giao ban với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các lãnh đạo Bộ đã nhiều lần nhấn mạnh hai thông điệp. Một là các cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước thuộc Bộ cần phải đặt tính thực chất lên hàng đầu. Hai là các yếu tố nào, cơ chế nào tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của bộ thì cần phải được làm ngay, tháo gỡ ngay.
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn