‘Bệnh nhân giật kính, ống nghe, thậm chí đánh là chuyện... bình thường’

Thứ hai - 27/02/2017 01:59
Đó là tâm sự của bác sĩ Lê Văn Nguyên, người hàng chục năm qua ngày đêm chữa trị cho những người nghiện ma túy, nghiện rượu đến chữa bệnh tại Khoa Cai nghiện chất và Điều trị bắt buộc, Bệnh viện Tâm thần, TP. Đà Nẵng.

Bác sĩ Lê Văn Nguyên đang thăm, khám cho bệnh nhân. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Bác sĩ Lê Văn Nguyên, sinh năm 1963, hiện là Trưởng Khoa Cai nghiện chất và Điều trị bắt buộc, Bệnh viện Tâm thần, TP. Đà Nẵng.

Khoa Cai nghiện chất và Điều trị bắt buộc chuyên điều trị những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do nghiện chất (ma túy và nghiện rượu), người tâm thần gây án, nên quá trình chăm sóc, điều trị cho họ rất khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều lần so với những bệnh nhân khác.

Mặc dù vậy, với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, bác sĩ Lê Văn Nguyên thường xuyên cùng ăn, cùng ngủ, cùng thức để chăm sóc, điều trị cho những người bị bệnh tâm thần, những người nghiện, người nghiện ma túy gây trọng án…

Tâm sự về nghề, bác sĩ Nguyên chia sẻ chăm sóc và chữa bệnh cho một người bình thường đã khó, chữa trị cho những người nghiện, người “ngáo đá” liên quan đến các trọng án giết người càng khó bội phần.

Đặc biệt, khi bệnh nhân nghiện ma tuý khi lên cơn nghiện thì họ mất năng lực hành vi, mất khả năng làm chủ, thế nên chuyện các bác sĩ, điều dưỡng bị những bệnh nhân “đặc biệt” này chửi bới, giật đứt nút áo, giật kính, giật ống nghe, thậm chí đánh là chuyện bình thường.

Vì vậy, các y, bác sĩ, điều dưỡng viên ở Khoa này không chỉ giỏi về chuyên môn mà với họ còn là tình yêu nghề, sự đồng cảm, sự can đảm mới có thể vượt qua những khó khăn để yên tâm công tác.

“Mặc dù bệnh nhân là người nghiện hút hoặc là đối tượng gây trọng án nghiêm trọng cho xã hội, nhưng khi vào viện, họ cũng là một bệnh nhân bình thường cần chữa trị. Ngoài điều trị thuốc, chúng tôi còn thường xuyên gần gũi, chia sẻ, động viên để giúp họ lấy lại niềm tin chữa bệnh và sau đó nỗ lực làm lại cuộc đời”, bác sĩ Nguyên cho biết.

Vất vả là thế, nhưng khi được hỏi về lý do chọn và gắn bó với công việc khó khăn này, bác sĩ Nguyên tâm sự: “Hồi còn trẻ, tôi chọn lĩnh vực này vì yêu thích và bản thân cũng muốn khám phá nét tâm lý còn ẩn giấu bên trong con người. Tuy nhiên trong quá trình làm việc, tiếp xúc, chăm sóc người bệnh dần dần rồi mình thấy thương yêu và gắn bó với họ một cách tự nhiên. Là bác sĩ chuyên ngành đa khoa, bản thân có thể lựa chọn được nhiều công việc có thu nhập cao hơn, nhưng tôi vẫn quyết định ở lại nơi này.

Niềm vui và niềm khích lệ lớn nhất đối với chúng tôi là được gia đình mình thông cảm; là được những bệnh nhân sau khi điều trị lành bệnh đã trở lại thăm hỏi, cảm ơn. Đó là sự động viên lớn để chúng tôi nỗ lực tiếp tục hoàn thành tốt công việc của mình”.

Điều dưỡng Thi Lý Bình, người đồng nghiệp hằng ngày cùng bác sĩ Nguyên chăm sóc bệnh nhân cho biết bác sĩ Nguyên là tấm gương sáng để đồng nghiệp trong Khoa noi theo.

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng, ngoài chuyên môn giỏi, tận tâm, bác sĩ Nguyên còn tham gia hỗ trợ chuyên môn trong việc chẩn đoán và điều trị về cắt cơn, tư vấn sức khỏe cho các đối tượng nghiện ma túy đang được quản lý tại Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề 05-06. Những công việc này đã góp phần trong việc xây dựng "thành phố 4 an" của TP. Đà Nẵng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên vừa được nhận giải thưởng “Toả sáng Blouse trắng”, giải thưởng tôn vinh những y, bác sĩ có nhiều cống hiến trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, do UBND TP. Đà Nẵng trao tặng.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi