![]() |
Theo kế hoạch, ngày 2/1/2021, tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức lễ phát động khởi động Đề án trồng 10 triệu cây xanh tại TP Bến Tre và huyện Bình Đại. |
Được biết, Đề án trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre có kinh phí khoảng 50 tỷ đồng, do quỹ Tấm Lòng Vàng (tỉnh Bến Tre) chủ trì vận động.
Theo kế hoạch, ngày 2/1/2021, tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức lễ phát động khởi động Đề án trồng 10 triệu cây xanh tại TP Bến Tre và huyện Bình Đại. Sau đó, tỉnh sẽ tập trung trồng cây trên những tuyến đường giao thông lớn, các khu hạ tầng đô thị, du lịch ở các huyện Châu Thành, Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại...
Sự kiện phát động được tường thuật trực tiếp trên các nển tảng của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook, Truyền hình Bến Tre, Truyền hình Vĩnh Long.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng Ban Điều hành Đề án, Đề án nhằm tăng thêm diện tích phủ xanh cho tỉnh Bến Tre; tạo cảnh quan, môi trường đô thị, đồng bộ với quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo phong trào trồng cây xanh trên khắp các tuyến đường của các xã nông thôn mới. Đây là chương trình lâu dài, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Đối với khu vực nhà dân, Ban Điều hành Đề án giao cho Ủy ban MTTQ tỉnh, UBND huyện, thành phố, phường, xã chỉ đạo và thực hiện theo từng cấp xuống đến tận cơ sở địa phương. Vận động mỗi hộ gia đình đăng ký với phường, xã việc trồng và chăm sóc cây trồng trước nhà. Ban Điều hành cung cấp cây cho người dân và hướng dẫn chăm sóc.
Đề án cũng vận động các cơ quan, trường học, bệnh viện… tổ chức cho học sinh và thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên trồng và chăm sóc cây, hoa tại cơ sở, làm đẹp và làm đầu tàu dẫn dắt phong trào trồng cây đến các hộ dân, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị và địa phương “xanh - sạch - đẹp”.
Các cơ quan chức năng và địa phương có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích thiết thực của việc trồng cây xanh, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào Ngày chủ nhật Nông thôn mới, trong đó người dân người trực tiếp chăm sóc cây xanh.
Trước đó, phát biểu ý kiến tại phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu đề xuất trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây xanh đô thị.
Trồng cây nào phải tốt cây đấy
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết hiện Bộ đã có định hướng, giao Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ thực hiện mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh.
“Chương trình này phải thành phong trào toàn dân, các cấp, các ngành cùng vào cuộc, không chỉ Bộ NN&PT hay ngành nông nghiệp, lâm nghiệp thực hiện’, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Theo đó, chương trình sẽ có một số điểm mấu chốt. Yêu cầu là cây lấy gỗ lâu năm, ưu tiên cây bản địa, theo mùa, có tác dụng phòng hộ, môi trường tốt.
Về địa điểm trồng cây, trước hết là trồng ở các khu đô thị; tiếp đó là các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, trên đường giao thông, các khu tưởng niệm, khu văn hóa, những vành đai phòng hộ cho khu nông nghiệp… Đây là những diện tích ngoài diện tích lâm nghiệp, còn diện tích quy hoạch phát triển rừng sẽ tập trung tại khu vực đất trống phòng hộ trên núi và vành đai ven biển.
Ông Tuấn cho biết ngành lâm nghiệp hiện đang trồng mới khoảng 220.000 ha mỗi năm, trong đó có diện tích trồng rừng tái canh. Bộ NN&PTNT đề xuất không tính vào diện tích tái canh vào chương trình trồng 1 tỉ cây xanh, “dù 1 gấp 3 cũng không được tính vào đây”, mà phải trồng mới, trong đó có cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
"Quỹ đất cho rừng phòng hộ đang quy hoạch chưa có rừng khoảng 700.000ha, nếu làm tốt, quyết tâm cao sẽ trồng được 400.000 đến 500.000 ha cộng với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển thì mục tiêu trồng 1 tỉ cây trong 5 năm là hoàn toàn khả thi" - ông Tuấn nhận định
Hiện, số cây trồng phân tán mỗi năm ước tính khoảng 60 triệu cây. Do đó, để thực hiện mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh, trong dịp Tết trồng cây Tân Sửu sắp tới phải tăng gấp rưỡi số cây so với trước đây, những năm sau phấn đấu tăng gấp đôi.
“Về cơ bản, trong 5 năm tới, đất rừng phòng hộ ven biển, trên núi, đầu nguồn, những chỗ nào trồng được phải trồng kín, nhưng trồng đến đâu phải giữ được đến đó”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh. "Như Bác Hồ nói trồng cây nào tốt cây đấy, trồng phải có người bảo quản chăm sóc" - ông Tuấn nói.
Về lâu dài, để phát triển rừng, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, người làm lâm nghiệp phải sống được bằng nghề rừng. Cần phải rà soát lại quy hoạch và có những chỉ tiêu cụ thể cho từng vùng.
Từ đóng cửa rừng tự nhiên đến trồng 1 tỷ cây xanh Một ngày đầu tháng 12/2020, một đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng có thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một cơ chế liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng. Hơn hai tuần sau đó, Người đứng đầu Chính phủ có ý kiến phản hồi. Theo đó, tại văn bản ngày 23/12, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế áp dụng chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 theo nguyên tắc địa phương phát triển công nghiệp, phát thải CO2 phải mua chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 để thúc đẩy các địa phương trồng rừng, người dân sống tốt hơn bằng nghề rừng. Chỉ đạo này của Thủ tướng một lần nữa cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng với việc bảo vệ và phát triển rừng, vừa bảo đảm môi trường, vừa chăm lo sinh kế cho người dân. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong các chỉ đạo của Thủ tướng từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Trong đó, một trong những chỉ đạo mạnh mẽ nhất là kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, được Thủ tướng đưa ra chỉ vài tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, tại một hội nghị quy mô lớn bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên. Từ đó tới nay, chỉ đạo này của Thủ tướng đã được thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2017 đến nay, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng các dự án đảm bảo hồ sơ đúng quy định pháp luật, thực sự cấp thiết đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh là 133 dự án, với 3.325 ha, chỉ chiếm 3,66% dự án, 1,81% diện tích rừng được đề xuất chuyển đổi. |
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn