Báo Đại biểu Nhân dân phải phát huy được thương hiệu ‘Báo của Quốc hội’

Chủ nhật - 20/10/2019 23:02
Sáng 18/10, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 816/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nâng cấp lên báo loại 1 và đổi tên “Báo Người đại biểu Nhân dân” thành “Báo Đại biểu Nhân dân”.

 


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội chụp ảnh với cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động Báo Đại biểu Nhân dân 


Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều lãnh đạo Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội đến dự.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa nêu rõ cách đây 10 năm (năm 2009), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 về nâng cấp và đổi tên Báo Người Đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân.

Nghị quyết 816 quyết định nâng cấp Báo Đại biểu Nhân dân từ báo loại II lên báo loại I; đổi tên Báo Người Đại biểu Nhân dân thành báo Đại biểu Nhân dân. Nghị quyết cũng xác định Báo là “Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, HĐND và cử tri”. Ngày 16/10/2009, Chủ tịch Quốc hội trực tiếp ký duyệt măng séc báo và ngày 20/10/2009, tờ báo chính thức đến với bạn đọc với tên gọi mới: Báo Đại biểu Nhân dân. Từ đây, báo Đại biểu Nhân dân có một tầm vóc mới, vị thế mới.

Ông Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh Nghị quyết 816 là một dấu son, một điểm mốc quan trọng tạo đà cho báo Đại biểu Nhân dân bứt phá, vươn lên. Vị thế của báo trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng tăng vớimột bản sắc riêng, một dấu ấn riêng không trộn lẫn. Công chúng biết đến báo qua nhiều kênh: Báo in, báo điện tử với  những bài viết sắc sảo, trách nhiệm, có giọng điệu riêng.

Trong sự phát triển của công nghệ 4.0 và cạnh tranh thông tin hiện nay, báo chí muốn được bạn đọc tin cậy không có cách nào khác luôn khắc sâu giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam là một lòng phục vụ sự nghiệp cách mạng, vì lợi ích của Đảng, của đất nước và nhân dân. Báo Đại biểu Nhân dân tự hào đã làm đúng tôn chỉ, mục đích của mình và sẽ tiếp tục thực hiện một cách sáng tạo, trách nhiệm và hiệu quả Nghị quyết 816, đưa tờ báo không ngừng phát triển, xứng đáng là tờ báo loại I trong lòng đại biểu và cử tri, Tổng Biên tập Đỗ Chí Nghĩa khẳng định.
 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm


Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, qua 30 năm hình thành, phát triển và đặc biệt trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 của UBTVQH về nâng cấp và đổi tên, Báo Đại biểu Nhân dân xứng đáng với vị thế là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của cơ quan dân cử. Báo luôn khẳng định là tờ báo chủ lực trong công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên, đầy đủ, kịp thời về hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; hoạt động của ĐBQH và hoạt động của HĐND các cấp…

Tờ báo giữ vai trò là cầu nối truyền tải thông tin từ Quốc hội, HĐND các cấp tới cử tri, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, cử tri tới diễn đàn Quốc hội, HĐND; phản ánh được quá trình cải tiến, đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của cử tri và nhân dân cả nước, sự ủng hộ của cử tri đối với quyết sách của Quốc hội, HĐND, tạo sự đồng thuận xã hội, đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá cao việc tờ báo không ngừng tìm tòi, chủ động, sáng tạo, đổi mới về nội dung và hình thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội; luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, phản ánh đúng và trúng nhiều vấn đề của cuộc sống... Đặc biệt, đến nay báo đã tự chủ được gần 90% kinh phí hoạt động.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh Báo Đại biểu Nhân dân phải phát huy được lợi thế “chuyên biệt”, thương hiệu “Báo của Quốc hội”. Báo phải tạo được bản sắc riêng  và chỉ có như vậy mới đem lại sự cạnh tranh cao và ổn định.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Báo Đại biểu Nhân dân là phải có những bài viết chuyên sâu, có tính lập luận, phản biện cao để cung cấp thông tin, tư liệu về những chủ trương, chính sách được đề cập trong các nghị quyết của Đảng, những dự án luật quan trọng trong chương trình lập pháp của Quốc hội, giúp ĐBQH trong quá trình xem xét, thảo luận, quyết định của Quốc hội. Bên cạnh đó, sau khi các chủ trương, chính sách đã được hình thành, vai trò của Báo là phải thông tin, tạo sự đồng thuận, lan tỏa trong xã hội để thực thi một cách có hiệu quả các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo cũng cần nêu bật những thành tựu trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tuyên truyền về công tác chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đội ngũ phóng viên phải không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức người làm báo; chủ động, lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống để có nhiều bài viết hay, chuyên sâu, có tính phản biện cao.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi