Tóm tắt:
- Lịch sử phát triển và giá trị của các loại hình báo chí
+ Báo in từng là phương tiện chủ đạo, nhưng gặp khó khăn từ sự cạnh tranh của báo mạng điện tử và mạng xã hội (MXH).
+ Báo phát thanh và truyền hình đã thích nghi với thời đại số qua podcast, phát thanh trực tuyến, và truyền hình số.
+ Báo mạng điện tử phát triển mạnh nhờ cập nhật nhanh, tương tác cao, và sử dụng đa phương tiện.
- Báo chí và MXH: Cơ hội và thách thức
+ Mạng xã hội thay đổi cách tiếp cận thông tin, với tốc độ lan truyền nhanh và tính tương tác cao.
+ Thách thức: Mất độc giả, tin giả lan tràn, và áp lực cạnh tranh.
+ Cơ hội: Tăng cường tương tác, mở rộng độc giả, phát triển nội dung sáng tạo.
+ Báo chí và MXH có thể hợp tác để kiểm chứng thông tin, nâng cao độ tin cậy.
- Hướng đi cho báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS)
+ Tận dụng công nghệ để đổi mới nội dung và hình thức truyền tải (video ngắn, infographic, livestream...).
+ Đa dạng hóa mô hình kinh doanh, tìm kiếm nguồn thu từ quảng cáo, nội dung độc quyền, và thương mại điện tử.
+ Đẩy mạnh chống tin giả và nâng cao chất lượng thông tin.
+ Tập trung vào báo chí chuyên biệt và báo chí tương tác để phục vụ nhu cầu thị trường ngách và độc giả trẻ.
- Xu hướng tương lai: Báo chí cần thích nghi để tồn tại trong môi trường số bằng cách tăng tính chuyên sâu, tạo nội dung chất lượng cao và tận dụng công nghệ mới để thu hút công chúng.
Vài nét về lịch sử phát triển và giá trị của các loại hình báo chí hiện đại
Báo chí có 4 loại hình cơ bản, bao gồm: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử. Cuối thế kỷ XV, Johann Gutenberg, một nhà phát minh người Đức đã tạo ra một cuộc cách mạng khi phát minh ra máy in. Máy in này sử dụng các chữ cái di động bằng kim loại để tạo ra các trang in, thay thế phương pháp sao chép thủ công trước đó. Ban đầu, máy in được sử dụng chủ yếu để in sách và các tài liệu quan trọng. Tuy nhiên, không lâu sau đó, những tờ báo in đầu tiên đã xuất hiện, mang tin tức đến với công chúng rộng rãi hơn.
Acta Diurna được coi là tờ báo đầu tiên ra đời trên thế giới, nhưng nó vẫn còn gây tranh cãi. Acta Diurna được xuất bản ở Rome (Italia) vào khoảng năm 59 trước Công nguyên. Đây chỉ là những bản tin khắc trên bảng, chưa phải là tờ báo in đúng nghĩa. Relation aller Furnemmen und gedenckwurdigen Historien (dịch từ tiếng Đức là Tường thuật tất cả các câu chuyện nổi tiếng và đáng nhớ) được Hiệp hội Báo chí Thế giới cũng như nhiều tác giả công nhận là tờ báo in hiện đại đầu tiên trên thế giới. Johann Carolus là một nhà xuất bản người Đức của tờ báo đầu tiên này. Carolus đã xuất bản tờ báo tiếng Đức tại Strasbourg (Pháp) vào năm 1605.
Thời kỳ đầu tiên ra đời báo chí còn được gọi là thời kỳ báo chí quý tộc, bởi báo chí do tầng lớp quý tộc xuất bản và độc giả cũng chỉ là giới quý tộc. Người nghèo, nô lệ không có cơ hội làm báo cũng như đọc báo. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX được coi là thời kỳ hoàng kim của báo in.
Báo in được xuất bản ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Mọi người đều có quyền làm báo và đọc báo. Báo in trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và nó bắt đầu đảm nhiệm nhiều chức năng xã hội. Các tờ báo được in hàng loạt, với nhiều chủ đề đa dạng như chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao...
Đầu thế kỷ XX và sang thế kỷ XXI, sự xuất hiện của các loại hình báo như phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử, đặc biệt là Internet và MXH đã gây ra những thách thức lớn cho báo in. Nhiều tờ báo in đã phải đối mặt với sự suy giảm về số lượng người đọc và doanh thu.
Để tồn tại, nhiều tòa soạn báo đã chuyển đổi sang xuất bản báo mạng điện tử, cung cấp tin tức trực tuyến. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng báo in vẫn còn tồn tại và giữ một vị trí nhất định trong đời sống xã hội. Nhiều người vẫn thích đọc báo in vì cảm giác cầm trên tay một tờ báo và trải nghiệm trực quan hơn.
Ngày nay, nhiều tòa soạn báo in kết hợp cả hai hình thức xuất bản, đó là báo in và báo mạng điện tử, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả. Báo in vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống như: Thông tin có độ tin cậy cao (báo in thường được biên tập kỹ lưỡng, qua nhiều khâu, quy trình bình duyệt, do đó mang đến thông tin chính xác và đáng tin cậy hơn cho độc giả). Người dùng trải nghiệm đọc sâu sắc (đọc báo in tạo cho độc giả cảm giác tập trung, thoải mái hơn so với đọc trên màn hình. Người đọc có thể ghi chú, đánh dấu những thông tin quan trọng).
Sản phẩm báo in có giá trị lưu trữ bền vững (báo in là tài liệu tham khảo hữu ích, có thể lưu giữ lâu dài do được in nhân thành nhiều bản). Báo in có khả năng gắn kết cộng đồng thông qua văn hóa đọc (báo in là một phần của văn hóa đọc, giúp mọi người kết nối và chia sẻ thông tin). Tuy nhiên, báo in cũng đối mặt với một số thách thức như: Chi phí sản xuất và phân phối cao (In ấn và vận chuyển báo tốn kém hơn so với việc đăng tải báo mạng điện tử).
Tốc độ cập nhật thông tin chậm (báo in không thể cập nhật thông tin nhanh chóng như báo điện tử). Ảnh hưởng của môi trường (sản xuất báo in tiêu tốn nhiều giấy và mực in, gây ảnh hưởng đến môi trường). Tương lai của báo in vẫn còn nhiều ẩn số. Tuy nhiên, có thể thấy rằng báo in sẽ tiếp tục tồn tại, nhưng với một vai trò khác biệt so với trước đây. Báo in có thể tập trung vào các nội dung sâu hơn, chất lượng cao hơn, và các đối tượng độc giả đặc biệt.
Cuối thế kỷ XIX, sự ra đời của điện báo không dây (wireless telegraphy) đã mở ra cánh cửa cho việc truyền tải thông tin qua không gian. Các nhà khoa học như Guglielmo Marconi đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển công nghệ này.
Đầu thế kỷ XX radio bắt đầu được sử dụng để truyền âm thanh, đánh dấu sự ra đời của báo phát thanh. Ban đầu, radio chủ yếu được dùng để giải trí với các chương trình ca nhạc, hài kịch. Báo phát thanh đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải tin tức và nâng cao tinh thần dân tộc trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Giữa thế kỷ XX, báo phát thanh đạt đến thời kỳ hoàng kim với sự xuất hiện của các đài phát thanh lớn, các chương trình phát thanh đa dạng và thu hút đông đảo khán giả. Đầu thế kỷ XX truyền hình ra đời, đặc biệt vào cuối thế kỷ XX, truyền hình phát triển như vũ bão bởi công nghệ điện tử kỹ thuật cao và Internet đã gây ra những thách thức lớn cho báo phát thanh.
Tuy nhiên, báo phát thanh đã thích nghi bằng cách chuyển đổi sang các hình thức mới như podcast, phát thanh trực tuyến.
Báo phát thanh trong thời đại số ngày nay, báo phát thanh vẫn là một phương tiện truyền thông quan trọng, đặc biệt là trong việc cung cấp tin tức nhanh chóng và cập nhật. Ưu điểm của báo phát thanh, đó là: Tính di động (nghe radio mọi lúc mọi nơi); Tính tương tác (nghe đài có thể kết hợp với các hoạt động khác); Tính cá nhân (mỗi người có thể lựa chọn các chương trình phù hợp với sở thích của mình). Tương lai của báo phát thanh vẫn còn nhiều tiềm năng.
Với sự phát triển của công nghệ, báo phát thanh sẽ ngày càng trở nên đa dạng và hấp dẫn hơn. Cuối thế kỷ XIX, ý tưởng về việc truyền tải hình ảnh qua khoảng cách xa đã bắt đầu nhen nhóm. Nhà phát minh người Đức Paul Gottlieb Nipkow là một trong những người đầu tiên đề xuất hệ thống truyền hình cơ điện tử vào năm 1885. Đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học và kỹ sư đã không ngừng nghiên cứu và cải tiến công nghệ, đưa ý tưởng về truyền hình ngày càng gần với hiện thực.
Năm 1925, John Logie Baird, một nhà phát minh người Scotland, được coi là người đã chế tạo ra chiếc tivi đầu tiên. Ông đã truyền tải hình ảnh của một khuôn mặt đang chuyển động qua sóng radio. Giữa thế kỷ XX, truyền hình phát triển nhanh chóng và trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày. Các đài truyền hình lớn ra đời, cung cấp nhiều kênh truyền hình với các chương trình đa dạng.
Cuối những năm 1950, truyền hình màu bắt đầu được phổ biến, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh sống động hơn. Giữa thế kỷ XX, truyền hình trở thành một phương tiện truyền thông đại chúng vô cùng mạnh mẽ, ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội và chính trị. Đặc biệt, truyền hình đã đóng vai trò quan trọng trong việc ghi lại và truyền bá các sự kiện lịch sử quan trọng như: Chiến tranh Việt Nam (truyền hình đã đưa hình ảnh chiến tranh vào từng gia đình, gây ảnh hưởng lớn đến dư luận); sự kiện 11/9/2001 (truyền hình trực tiếp các sự kiện khủng bố, giúp người dân trên toàn thế giới theo dõi sát sao).
Cuối thế kỷ XX, sự ra đời của truyền hình cáp và vệ tinh đã mở ra kỷ nguyên của truyền hình đa kênh. Đầu thế kỷ XXI, truyền hình số và truyền hình trực tuyến (streaming) ngày càng phổ biến, thay đổi hoàn toàn cách người xem tiếp cận nội dung. Truyền hình tương tác giúp người xem có thể tương tác với chương trình thông qua các thiết bị di động.
Nội dung của truyền hình đa dạng, từ phim ảnh, chương trình truyền hình thực tế, thể thao đến các dịch vụ video trực tuyến như Netflix, YouTube.
Cuối thế kỷ XX, sự ra đời của Internet đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và rộng rãi. Các tờ báo truyền thống bắt đầu nhận ra tiềm năng của môi trường số và chuyển đổi một phần nội dung của mình lên mạng. Vào những năm 1990, các tờ báo điện tử đầu tiên ra đời, chủ yếu là các phiên bản trực tuyến của các tờ báo in. Nội dung lúc này còn khá đơn giản, tập trung vào việc chuyển đổi các bài báo từ bản in sang định dạng số.
Đầu những năm 2000, sự phát triển của công nghệ và sự phổ biến của Internet đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực báo chí. Báo mạng điện tử ngày càng đa dạng về nội dung, hình thức và phương tiện truyền tải.
Các tính năng nổi bật của báo mạng điện tử, đó là: Tin tức cập nhật liên tục, trực tuyến (báo mạng điện tử cho phép người đọc cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và liên tục, không bị giới hạn về không gian, thời gian).
Tính tương tác cao (người đọc có thể tham gia bình luận, chia sẻ thông tin và tương tác trực tiếp với các nhà báo). Tính đa phương tiện (báo mạng điện tử sử dụng nhiều loại hình phương tiện truyền thông như văn bản, hình ảnh, video, âm thanh để truyền tải thông tin một cách sinh động và hấp dẫn). Báo mạng điện tử ra đời và phát triển tạo ra sự thay đổi trong ngành báo chí.
Sự xuất hiện của báo mạng điện tử đã đặt ra nhiều thách thức cho báo in truyền thống về mặt doanh thu và độc giả. Báo mạng điện tử đã tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới như quảng cáo trực tuyến, đăng ký trả phí, bán nội dung số. Người đọc ngày càng có vai trò chủ động hơn trong việc tìm kiếm và tiêu thụ thông tin. Báo mạng điện tử Việt Nam cung cấp thông tin về nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao.
Các loại hình báo chí "chung sống" với MXH
Mọi thứ bắt đầu từ ARPANET vào những năm 1960, một dự án nghiên cứu của quân đội Mỹ nhằm tạo ra một mạng lưới truyền thông có thể hoạt động ngay cả khi một phần bị phá hủy. Với sự ra đời của giao thức TCP/IP và World Wide Web, Internet nhanh chóng trở thành một công cụ toàn cầu, kết nối mọi người và mọi thứ trên thế giới. Internet đã cách mạng hóa mọi mặt của cuộc sống, từ cách chúng ta giao tiếp, học tập, làm việc đến cách chúng ta tiêu dùng và giải trí. Các MXH đầu tiên như Friendster và MySpace đã tạo ra một không gian mới để mọi người kết nối và chia sẻ thông tin. Sự xuất hiện của Facebook, Twitter, Instagram và các nền tảng khác đã đưa MXH lên một tầm cao mới, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
MXH đã thay đổi cách chúng ta tương tác với nhau, hình thành ý kiến và thậm chí cả cách chúng ta nhìn nhận về bản thân. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được tích hợp vào các nền tảng MXH để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và tạo ra nội dung sáng tạo. MXH đang trở thành một kênh bán hàng hiệu quả, cho phép các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng một cách trực tiếp hơn.
Khái niệm về một vũ trụ ảo nơi mọi người có thể tương tác với nhau một cách chân thực đang thu hút sự quan tâm lớn. Internet of Things (IoT) sẽ kết nối mọi thứ từ thiết bị gia dụng đến ô tô, tạo ra một mạng lưới thông minh và tự động hóa. AI sẽ tiếp tục phát triển, mang đến những khả năng mới và tạo ra những thách thức mới cho xã hội. Bảo vệ thông tin cá nhân và đảm bảo an toàn cho người dùng sẽ là một trong những vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết.
Sự trỗi dậy của MXH đã đặt ra những thách thức chưa từng có đối với báo chí. Với tốc độ lan truyền thông tin chóng mặt, khả năng tương tác cao và sự đa dạng về nội dung, MXH đã thu hút một lượng lớn người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Những lợi thế của MXH, đó là: Tốc độ lan truyền tin tức nhanh (tin tức được chia sẻ trên mạng xã hội gần như tức thời, nhanh hơn nhiều so với báo chí truyền thống).
Khả năng tương tác cao (người dùng có thể dễ dàng tương tác, bình luận, chia sẻ thông tin, tạo ra một cộng đồng sôi động). Thông tin đa dạng (nội dung trên MXH vô cùng đa dạng, từ tin tức, giải trí đến các hình thức sáng tạo khác như video ngắn, livestream).
Những thách thức của MXH đối với báo chí, đó là: Mất độc giả (một lượng lớn độc giả đã chuyển sang sử dụng MXH để cập nhật tin tức, gây ảnh hưởng đến doanh thu của báo chí).
Tin giả (sự xuất hiện của tin giả, thông tin sai lệch trên MXH khiến công chúng khó phân biệt đâu là thông tin chính xác).
Áp lực cạnh tranh (báo chí phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn để thu hút độc giả trở lại, đòi hỏi phải đổi mới về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa báo chí và MXH không phải là tất cả. Các loại hình báo chí và MXH có thể cùng tồn tại và phát triển.
Các loại hình báo chí có thể tận dụng MXH để tiếp cận đối tượng độc giả trẻ, tăng cường tương tác và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Trong khi đó, MXH có thể học hỏi từ báo chí về tính chính xác, độ tin cậy của thông tin và các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Hiện nay, các cơ quan báo chí đều có các trang MXH để chia sẻ tin tức, tương tác với độc giả. Một số nền tảng MXH đã bắt đầu hợp tác với các cơ quan báo chí để kiểm chứng thông tin, chống lại tin giả. Tương lai của báo chí và mạng xã hội sẽ phụ thuộc vào cách mà cả hai bên thích nghi và đổi mới.
Các loại hình báo chí cần đổi mới nội dung, tạo ra những nội dung chất lượng cao, độc đáo, đáp ứng nhu cầu của độc giả. Đồng thời, báo chí cũng phải tận dụng tối đa công nghệ để phát triển sản phẩm, nhất là sử dụng các công cụ kỹ thuật số để tạo ra trải nghiệm đọc báo hấp dẫn hơn.
Những thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin để các loại hình báo chí giữ được vị thế so với MXH, đó là: Cải thiện tốc độ truyền tải thông tin (MXH cho phép thông tin được lan truyền với tốc độ chóng mặt, đòi hỏi báo chí phải nhanh nhạy hơn trong việc cập nhật và đưa tin).
Tận dụng triệt để khả năng tương tác để thu hút công chúng (người dùng có thể tương tác trực tiếp với các bài báo, đưa ra bình luận, chia sẻ thông tin, tạo ra một cộng đồng sôi động xung quanh các vấn đề xã hội). Các loại hình báo chí cần đa dạng hóa hình thức biểu đạt thông tin (báo chí phải điều chỉnh các hình thức thể hiện tác phẩm, sản phẩm để phù hợp với các định dạng mới trên MXH, như video ngắn, infographic, livestream...). Tìm kiếm các mô hình hoạt động kinh tế báo chí mới để cải thiện nguồn thu từ quảng cáo, thu phí các dịch vụ thông tin, nội dung độc quyền, thương mại điện tử...
Tương tác với cộng đồng (báo chí có thể xây dựng cộng đồng độc giả trung thành thông qua các hoạt động tương tác trên MXH). Phát triển các sản phẩm báo chí mới (MXH tạo điều kiện để báo chí phát triển các sản phẩm báo chí sáng tạo, đa dạng).
Trong tương lai, các loại hình báo chí sẽ tiếp tục thích nghi và phát triển để tồn tại trong môi trường truyền thông số. Một số xu hướng đáng chú ý trong tương lai, đó là báo chí chuyên biệt (báo chí sẽ tập trung vào các vấn đề chuyên sâu, cung cấp thông tin phân tích, đánh giá sâu sắc, dành cho công chúng thị trường ngách). Báo chí tương tác (công chúng sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào quá trình tạo ra nội dung báo chí).
Lối đi để các loại hình báo chí phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số
CĐS đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng này. Sự phát triển của công nghệ số đã mang đến cho báo chí những cơ hội mới để tiếp cận độc giả, đồng thời đặt ra những thách thức chưa từng có. Những thay đổi của báo chí trong thời đại số đó là: Từ báo in sang báo mạng điện tử (báo điện tử ngày càng trở nên phổ biến, cung cấp thông tin nhanh chóng, cập nhật 24/7).
Đa dạng hóa hình thức (báo chí không chỉ dừng lại ở chữ viết mà còn kết hợp với hình ảnh, video, đồ họa, âm thanh để tạo ra các sản phẩm báo chí hấp dẫn). Tương tác cao (độc giả có thể tương tác trực tiếp với các bài báo, đưa ra bình luận, chia sẻ thông tin). Cá nhân hóa nội dung (báo chí có thể tùy chỉnh nội dung phù hợp với sở thích của từng độc giả). MXH trở thành kênh phân phối chính (các nền tảng MXH như Facebook, Twitter, YouTube... đã trở thành kênh phân phối tin tức quan trọng).
Cơ hội và thách thức của các loại hình báo chí trong bối cảnh CĐS, đó là: Mở rộng đối tượng độc giả (loại hình báo mạng điện tử giúp tiếp cận được nhiều đối tượng độc giả hơn, đặc biệt là giới trẻ). Tương tác với độc giả (báo chí có thể xây dựng cộng đồng công chúng trung thành thông qua các hoạt động tương tác trên MXH). Phát triển các sản phẩm báo chí mới (báo chí có thể tạo ra các sản phẩm báo chí sáng tạo, đa dạng như podcast, webinar...). Đa dạng hóa nguồn thu (báo chí có thể khai thác các nguồn thu mới như quảng cáo trực tuyến, bán hàng trực tuyến, dịch vụ thuê bao...). Các loại hình báo chí cần tích cực chống nạn tin giả. Sự xuất hiện tràn lan của tin giả, thông tin sai lệch trên MXH gây ảnh hưởng đến uy tín của báo chí. Báo chí phải “sống chung” với các nền tảng mạng xã hội, các blogger cá nhân...
Báo chí cần liên tục cập nhật công nghệ để tạo ra các sản phẩm báo chí chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người đọc trong kỷ nguyên số.
Để thích ứng với sự thay đổi, báo chí cần:
- Đảm bảo tính chính xác, khách quan của thông tin.
- Đổi mới về nội dung và hình thức.
- Xây dựng thương hiệu mạnh. Tận dụng tối đa các công cụ của mạng xã hội. Đa dạng hoá nguồn thu nhập.
Để thích ứng với bối cảnh CĐS, nhiều cơ quan báo chí đã điều chỉnh mô hình tổ chức của mình. Những mô hình phổ biến mà các cơ quan báo chí đã xây dựng như:
Một là, Mô hình phòng ban chuyên biệt. Thành lập các phòng ban chuyên biệt để quản lý và phát 24/7). Đa dạng hóa hình thức (báo chí không chỉ dừng lại ở chữ viết mà còn kết hợp với hình ảnh, lập các phòng ban chuyên biệt để quản lý và phát triển nội dung trên các nền tảng MXH. Trong đó tập trung nguồn lực, chuyên môn hóa cao, có thể nhanh chóng thích ứng với các thay đổi của MXH. Tuy nhiên, mô hình này có thể gây tách biệt giữa các phòng ban, khó khăn trong việc phối hợp nội dung.
Hai là, mô hình biên tập viên (BTV) cộng đồng. Giao cho các BTV nhiệm vụ quản lý và tương tác với cộng đồng trên MXH. Mô hình này giúp tăng cường sự tương tác với độc giả, hiểu rõ hơn nhu cầu của họ. Tuy nhiên, yêu cầu BTV phải có kỹ năng đa dạng, có thể gây quá tải công việc.
Ba là, mô hình hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung. Hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung để sản xuất và chia sẻ nội dung trên MXH. Mô hình này tăng khả năng tiếp cận đối tượng mục tiêu, tận dụng sức mạnh của các nhà sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, khó kiểm soát chất lượng nội dung, có thể xảy ra rủi ro về hình ảnh.
Bốn là, mô hình nền tảng đa kênh. Đó là xây dựng một nền tảng đa kênh, kết hợp báo in, báo điện tử và các kênh MXH. Mô hình này tăng khả năng tiếp cận độc giả, tạo ra trải nghiệm liền mạch cho người dùng. Tuy nhiên, yêu cầu đầu tư lớn về nguồn lực và công nghệ.
Năm là, mô hình phòng tin tức ảo. Đó là các cơ quan báo chí sử dụng công nghệ AI và tự động hóa để sản xuất tin tức, đặc biệt là các tin tức ngắn, đơn giản. Mô hình này tăng tốc độ sản xuất tin tức, giảm chi phí. Tuy nhiên, có thể thiếu đi yếu tố con người, gây ra những sai sót trong việc kiểm chứng thông tin. Khi lựa chọn mô hình đổi mới, các cơ quan báo chí lớn có thể đầu tư vào nhiều mô hình khác nhau, trong khi các cơ quan báo chí nhỏ có thể tập trung vào một vài mô hình phù hợp. Mỗi mô hình sẽ phù hợp với một đối tượng công chúng khác nhau.
Trên đây là một số luận bàn về các loại hình báo chí trong sự bùng nổi MXH và bối cảnh CĐS hiện nay.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2025)
Nguồn tin: ictvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn